Kon Tum bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, cồng chiêng là tài sản quý giá. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Nhận thức được giá trị và vai trò của văn hóa cồng chiêng, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân.
Nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, công tác bảo vệ văn hóa phi vật thể - văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Kon Tum đã được quan tâm, đầu tư đúng mức. Cụ thể, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng 7 DTTS, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025” và đã đạt được những kết quả nhất định: Trang bị cồng chiêng, trống cho các làng đồng bào các DTTS tại chỗ; các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng không có cồng chiêng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Kon Tum đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn/làng đồng bào DTTS tại chỗ không có cồng chiêng. Đã tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa (xoang) và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào các DTTS tại chỗ.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 2.005 bộ cồng chiêng; trong đó huyện Đăk Glei có 100 bộ, Ngọc Hồi 65 bộ, Đăk Tô 60 bộ, Tu Mơ Rông 320 bộ, Đăk Hà 120 bộ, Sa Thầy 400 bộ, Kon Plông 550 bộ, Kon Rẫy 150 bộ, thành phố Kon Tum 240 bộ. Toàn tỉnh có 435 nhà rông, trong đó có 218 làng có nhà rông sử dụng vật liệu truyền thống, 217 nhà rông sử dụng vật liệu hiện đại, 54 làng chưa có nhà rông truyền thống. Có 3 nhà rông được xây dựng ở trung tâm của các huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Tô và 1 nhà rông ở trung tâm xã Ia Chim (thành phố Kon Tum).
Tỉnh Kon Tum đã thực hiện nghiêm túc các cam kết từ việc tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn đến việc vinh danh nghệ nhân cồng chiêng, đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học để tiếp tục duy trì, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng.
Song song với công tác bảo tồn, tỉnh Kon Tum đã chú trọng đến việc phát huy lợi thế, giá trị của văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển với du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông); làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); điểm du lịch làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy)... Để giới thiệu, quảng bá với du khách về di sản văn hóa cồng chiêng, Bảo tàng tỉnh tổ chức sưu tầm và quản lý được 23.230 hiện vật. Trong đó, có 1.831 hiện vật xuất đi trưng bày lâu dài, 21.339 hiện vật hiện lưu giữ tại kho bảo quản (trong đó, kho hiện vật khảo cổ học và kim loại đồ đồng có 17.092 hiện vật; kho hiện vật đồ mây, tre, nứa, lá 1.859 hiện vật; kho hiện vật trang phục trang sức 1.337 hiện vật; kho hiện vật ghè, tài liệu cách mạng kháng chiến, tài liệu xây dựng đất nước 1.111 hiện vật) và có 1.831 hiện vật phục vụ công tác trưng bày cố định tại Bảo tàng phục vụ khách tham quan.
Vào tháng 6 vừa qua, Dự án “Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức đã đạt được nhiều thành công, là tín hiệu vui cho chặng đường sắp tới, với nhiều dự án được triển khai nhằm khôi phục văn hóa cồng chiêng và lực lượng nghệ nhân chỉnh chiêng trên địa bàn tỉnh. Khóa tập huấn có gần 20 học viên, nhiều người trong số họ đã là nghệ nhân chế tác, chỉnh chiêng ở 8 huyện trong tỉnh Kon Tum. Tham gia khóa học, học viên được giới thiệu về lý thuyết cơ bản-vai trò của thang âm cồng chiêng các tộc người, nguyên lý của việc chỉnh âm, cấu tạo các loại cồng chiêng... Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các học viên khóa tập huấn đã nắm bắt và thực hành được kỹ thuật gò, căn chỉnh cao độ cồng chiêng cũng như phương pháp nhận diện hình hài các loại thang âm khác nhau. Trong dự án, mỗi học viên đã thực hành chỉnh âm chính bộ cồng chiêng của làng mình mà họ mang theo.
Để triển khai tốt Chương trình trong thời gian tới, tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; chủ động bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động, phấn đấu 100% các làng DTTS có nhà rông, có cồng chiêng; tăng cường công tác giáo dục di sản văn hóa truyền thống; nghiên cứu, phục hồi các loại hình di sản văn hóa có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; chuẩn bị đầy đủ điều kiện tại các thôn, làng đồng bào DTTS được chọn đề nghị cấp thẩm quyền xem xét công nhận điểm du lịch.