Kon Tum: Biên giới 'tuy xa mà gần'

Tỉnh Kon Tum có gần 300km đường biên với 2 nước bạn Lào và Campuchia, thời gian gần đây, nhờ chú trọng đầu tư mạng lưới giao thông, mà thời gian đi từ vùng trung tâm, thành thị đến vùng biên giới đã được rút ngắn, giúp phát triển kinh tế-xã hội vùng biên, biến đường đến với biên giới 'tuy xa mà gần'.

Hệ thống giao thông phát triển tại huyện biên giới Ngọc Hồi.

Hệ thống giao thông phát triển tại huyện biên giới Ngọc Hồi.

Nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum hiện có 6.132km đường giao thông trong đó có 6 Quốc lộ dài 522km; mạng lưới Tỉnh lộ với chiều dài 525km. Tình trạng kỹ thuật và chất lượng mặt đường được cải thiện, mặt đường bê-tông xi-măng và nhựa tăng từ 30% lên 70%; mặt đường đất, cấp phối giảm từ 65% xuống 30%; 100% đường trục xã, liên xã được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, bảo đảm giao thông thuận lợi cả 2 mùa; có 64/85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng 49 xã so năm 2016).

Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, bảo đảm kết nối đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh; có 6/10 huyện, thành phố đã có bến xe khách tại trung tâm được công bố đưa vào khai thác; có 75 tuyến vận tải hành khách cố định trong đó có 65 tuyến liên tỉnh, 5 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liên vận quốc tế Việt-Lào; có 5 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Vận tải hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển; giá thành vận tải được kiểm soát và phù hợp mức giá chung của thị trường. Sản lượng vận tải qua các năm đều tăng với tỷ lệ từ 7-9%.

Một góc phố thị Kon Tum hôm nay.

Một góc phố thị Kon Tum hôm nay.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xác định là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược, là tiền đề, động lực để phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, quy mô kỹ thuật các tuyến đường trên địa bàn tỉnh còn thấp, khả năng kết nối giữa các tuyến đường quốc lộ với mạng lưới đường tỉnh, huyện, xã còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa. Vì vậy nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới rất lớn và cần phải tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch là hết sức cần thiết.

Để mạng lưới giao thông được đồng bộ, giúp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và tại các vùng biên, tỉnh Kon Tum đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ bổ sung các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch cấp quốc gia.

Hiện nay, Quy hoạch giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Quy hoạch đường sắt quốc gia tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021; trong đó đã bổ sung quy hoạch, chuyển giai đoạn đầu tư 2 tuyến đường cao tốc, 2 quốc lộ và 1 tuyến đường sắt: Cao tốc Ngọc Hồi-Kon Tum-Pleiku (CT.02) dài khoảng 80km, quy mô 4-6 làn xe, đầu tư trước năm 2030; Cao tốc Thạch Mỹ-Ngọc Hồi-Bờ Y (CT.21) trong đó đoạn Ngọc Hồi-Bờ Y dài 21km, có điểm đầu giao với đường cao tốc Ngọc Hồi-Pleiku, điểm cuối giao với Nút giao đường NT18 (khu kiểm soát liên hợp khu kinh tế Bờ Y), quy mô từ 4 làn xe, lộ giới 100m.

Đường lên Cột mốc 3 biên Việt Nam-Lào-Campuchia được bê-tông hóa.

Đường lên Cột mốc 3 biên Việt Nam-Lào-Campuchia được bê-tông hóa.

Quy hoạch kéo dài Quốc lộ 24 thêm 57km có điểm đầu giáp ranh Quảng Ngãi, điểm cuối giao với Quốc lộ 14C, đoạn qua địa bàn tỉnh dài 156km (quy hoạch cũ 99km); bổ sung quy hoạch Quốc lộ 24D dài 124km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh dài khoảng 82km, có điểm đầu giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tại huyện Đăk Hà; Bổ sung tuyến đường sắt từ Đà Nẵng-Kon Tum-Gia Lai-Đăk Lăk-Đăk Nông-Bình Phước dài 550km, định hướng đầu tư đến năm 2050.

Đồng chí Phan Mười, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, ngành giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành chức năng trong tỉnh tích cực tranh thủ tối đa các nguồn lực, kể cả nguồn lực tại chỗ, nguồn lực trong nước và các nguồn lực nước ngoài, từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông. Qua đó, hệ thống giao thông của tỉnh Kon Tum đã có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đây là tuyến đường giúp tỉnh Kon Tum phá vỡ thế ngõ cụt, bảo đảm giao thông thuận tiện cả 4 hướng: đi các tỉnh phía bắc, phía nam bằng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), xuống các tỉnh ven biển bằng Quốc lộ 24 và kết nối với nước Lào, Thái Lan bằng Quốc lộ 40 thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Các đô thị mới mở ra giúp Kon Tum ngày càng khang trang hơn.

Các đô thị mới mở ra giúp Kon Tum ngày càng khang trang hơn.

Với việc phát triển hệ thống giao thông trên toàn tỉnh đã góp phần giúp tỉnh Kon Tum mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại, gắn sản xuất hàng hóa của tỉnh với thị trường trong và ngoài nước; đồng thời giao thông đối nội được đầu tư, nhiều trục đường giao thông quan trọng được xây dựng tạo động lực phát triển các khu đô thị, khai thác quỹ đất, 100% các xã đã đường ô-tô đến trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, là tiền đề để phát triển kinh tế xã hội, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kon-tum-bien-gioi-tuy-xa-ma-gan-post776807.html