KTSG số 21-2023: Bức tranh nợ của doanh nghiệp Việt Nam
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tín dụng đến cuối tháng 2-2023 lên tới 2,91%, cao hơn mức 2% vào cuối năm 2022. Tổng nợ xấu gộp ước chiếm 5% tổng dư nợ. Đó là thông tin từ ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, được nêu lại trong bài xã luận (mục Ý kiến) mở đầu số báo KTSG bản in tuần này, phát hành vào ngày mai, 25-5.
Bài xã luận đưa ra góc nhìn: Nợ xấu không chỉ là chuyện của ngân hàng (cũng là tựa đề bài viết). Theo đó, nợ xấu tăng, ngoài nguyên nhân do doanh nghiệp làm ăn khó khăn không trả được nợ vay, thì còn do hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ chưa đồng bộ; những vướng mắc trong áp dụng các quy định pháp luật khiến cho việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khó khăn, như vị Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng đã nhận định.
Trong một bài viết khác của Thụy Lê có tựa đề Nợ xấu lại gây chú ý, tác giả cho rằng xu hướng nợ xấu tăng chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, nếu không sớm có giải pháp kiềm chế thì “ung nhọt” nợ xấu sẽ gây nhức nhối cho nền kinh tế và kìm hãm tăng trưởng.
Dẫn các con số từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, trong bài Bức tranh doanh nghiệp Việt Nam, tác giả Bùi Trinh cho biết nợ của doanh nghiệp trong nước năm 2020 là khoảng 336,7% GDP. Trong đó, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 101% GDP, còn nợ của doanh nghiệp ngoài nhà nước là 235,7% GDP. “Năm 2023 là năm các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang vô cùng khó khăn, điều này là một rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế”, tác giả lưu ý.
Riêng về nợ trái phiếu doanh nghiệp, bài viết của Hoàng Hạnh (tựa đề Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó tan băng nếu cứ mờ ảo) dẫn báo cáo tháng 4-2023 của FiinRatings cho thấy, tính đến ngày 4-5-2023, có 98 tổ chức chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị là 128.500 tỉ đồng. So sánh với tổng lượng trái phiếu đang lưu hành, tỷ lệ trả nợ chậm có xu hướng tăng theo các lần cập nhật, từ 8,15% vào thời điểm 17-3-2023, lên 9,77% một tháng sau đó, và lên 11,09% tại lần cập nhật ngày 4-5-2023.
Các đề tài kinh tế – văn hóa – xã hội trên cùng số báo:
Dông bão trên cánh đồng tăng trưởng (An Nhiên): Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khai mạc đầu tuần này trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, niềm tin của doanh nghiệp xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua và mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức.
Kinh tế khó khăn – nguồn lực càng cần phải tối ưu hóa (Tuệ Nhiên): Không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay là do năng lực quản trị dòng tiền yếu kém, hoạt động kinh doanh bị dàn trải khiến nguồn lực bị san sẻ, phân tán, mất sự tập trung vào lĩnh vực cốt lõi.
Dòng tiền vẫn thận trọng (Thanh Thủy): Thị trường chứng khoán trong nước quay lại trạng thái giằng co quanh mốc 1.065 điểm trong tuần trước. Tâm lý chần chừ của nhà đầu tư khiến đà tăng không bền vững.
Thấy gì từ việc công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn? (Linh Trang): Vốn chủ sở hữu có liên quan mật thiết tới các nghiệp vụ cốt lõi của công ty chứng khoán, như cho vay ký quỹ hay tự doanh.
Phía sau động thái gom hàng của cổ đông lớn gần đây (Triêu Dương): Thị trường chứng khoán vẫn có những dấu hiệu cho một triển vọng tích cực hơn về trung và dài hạn. Nhiều cổ đông lớn đang tận dụng lúc giá cổ phiếu chưa tăng để gom hàng, tăng cường thâu tóm và sáp nhập.
Nông nghiệp công nghệ cao, nhìn từ câu chuyện của Hàn Quốc (Quỳnh Như): Số hóa nông nghiệp không thể là quyết định nóng vội và nửa vời, bởi đó là quá trình lâu dài, bền bỉ trong nhiều năm.
Chuyện biển, chuyện rừng (Trần Thanh Bình): Phát triển kinh tế từ rừng, từ biển cần sự tuyên truyền, định hướng rõ ràng lẫn chế tài nghiêm ngặt đối với nông dân, ngư dân.
Mở lối cho sự phát triển chuyên nghiệp (Đào Loan): Nghị quyết 82/NQ-CP mới được ban hành có nhiều nội dung mới, thiết thực, giúp ngành du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Dựng chuyện “giám đốc người Nhật” để bán hàng có bị xem là lừa đảo? (Song Nghi): Đã xuất hiện các tài khoản Facebook tự xưng giám đốc các công ty Nhật lợi dụng sự tín nhiệm của người tiêu dùng đối với hàng Nhật để bán hàng trực tuyến. Làm sao để nhận diện?
Chỉ số Xanh PGI góp phần “xanh hóa” môi trường của địa phương ra sao? (Trung Chánh): Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), xem đây như một công cụ sàng lọc, góp phần xanh hóa môi trường sản xuất và kinh doanh tại các địa phương.
Để nhân viên thích ứng một, thì lãnh đạo phải thích ứng mười (Quốc Hùng): Trước những dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp phải vận dụng hết năng lực để ứng phó, tồn tại và chờ đợi cơ hội mới. Việc này đòi hỏi những nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ biết “bơi” mà còn phải “bơi giỏi”.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân của người lao động như thế nào? (LS. Dương Tiếng Thu – Hà Anh Thư): Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ 1-7-2023 quy định một cách rõ ràng và chi tiết nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thu thập, sử dụng và quản lý dữ liệu cá nhân của người lao động.
Thương hiệu xanh – càng thân thiện môi trường, càng thu hút! (Lê Thiên Hương): Vần đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng được quan tâm. Các chủ đề này cũng xuất hiện thường xuyên hơn trong các chiến lược tranh cử, chính sách nhà nước, và cả trong môi trường kinh doanh.
Thương hiệu: “hiệu” được “thương” (Đồng Lê): Trong hành trình “làm ăn trên mạng”, đừng quên xây dựng sự tin yêu, mối thiện cảm với khách hàng bằng sự thành tâm.
Ở TPHCM nên mua hay thuê nhà? (Trần Hùng Sơn): Các tính toán dựa trên mức thu nhập và khả năng chi trả của các hộ gia đình tại TPHCM cho thấy khả năng mua nhà ngày càng thu hẹp nếu không có các chính sách hỗ trợ và phát triển hợp lý.
Chất lượng pháp luật nhìn từ những con số (Lưu Minh Sang): Việc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật vẫn còn là thách thức lớn.
Cần sòng phẳng trong việc tính “giá thành” học phí (Mục Nhĩ): Cơ cấu “giá thành” dịch vụ giáo dục cần được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh tự chủ tài chính hiện nay.
Tăng học phí, tăng nỗi lo! (Nguyễn Minh Thanh): Vấn đề học phí lại nóng ran khi mức học phí tăng mạnh cho năm học mới 2023-2024.
Âm nhạc – Dưỡng chất cần cho thế giới hôm nay (Nguyễn Vĩnh Nguyên): Nhà văn Nhật – Haruki Murakami – đã tiết lộ về con người khắc kỷ và đầy khoảng cách của mình với đại chúng thông qua cuốn sách có thể nói là tác phẩm kén người đọc nhất trong sự nghiệp của ông: Bàn về âm nhạc – Haruki Murakami trò chuyện cùng Seiji Ozawa (Phương Nam dịch, Nhã Nam & NXB Dân trí, 2023).
Cấu trúc tài chính và hoạt động kinh doanh của câu lạc bộ bóng đá ngày nay (Lê Hoài Ân – Đồng Hoàng Hương Liên): Sau trận chung kết bóng đá Cup FA mùa giải 2022-2023 giữa Manchester United và Manchester City sẽ diễn ra vào ngày 3-6 tới đây có thể là hồi kết cho khoản đầu tư 20 năm của gia đình Glazer vào Manchester United.
Chưa thể chắc chắn về chính sách lãi suất của Fed (Song Thanh): Giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có sự tranh luận gay gắt về việc nên tiếp tục tăng lãi suất hay tạm dừng.
Chính sách tiền tệ ở Mỹ và khủng hoảng ngân hàng (TS. Đinh Trường Hinh): Có một yếu tố quan trọng đã góp phần vào mức độ và tốc độ của cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay ở Mỹ, đó là các quyết định của Fed khi chúng khuyến khích các ngân hàng đầu tư rủi ro hơn.
Vấn đề trả nợ công của Mỹ (TS. Vũ Quang Việt): Nợ công của Chính phủ liên bang Mỹ năm 2021 là 31.000 tỉ đô la Mỹ và đã đạt mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Môi trường kinh doanh sắp thay đổi (Nguyễn Vũ): Người ta thay nhau tiên đoán trí tuệ nhân tạo sẽ làm nhiều công việc văn phòng biến mất. Người ta cũng đang muốn hình dung về tương lai của các doanh nghiệp dưới tác động của AI.
Tận dụng trợ lý ChatGPT-4 (TS. Võ Đình Trí): Sự kết hợp giữa sức mạnh của ChatGPT-4 và sức mạnh của các nền tảng cung cấp dịch vụ khác đã đưa ChatGPT-4 lên một tầm cao mới. Thế nhưng, cùng với những sức mạnh mà nó đem lại thì sự nguy hiểm cũng khôn lường.
Mời bạn đọc đón xem!