Kỳ 1: Hành trình tìm lại tên cho các Anh hùng - Liệt sĩ

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tại các nghĩa trang lặng gió ở Hà Nam, hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính vẫn nằm lặng lẽ như đang chờ một tiếng gọi, một bàn tay chạm vào ký ức. Giờ đây, hành trình đi tìm lại tên cho các anh hùng liệt sĩ được thắp lên bằng ánh sáng của dữ liệu, bằng trí tuệ và trái tim của những người chiến sĩ Công an tỉnh Hà Nam trong thời bình. Đó là lời tri ân sâu sắc với quá khứ và cũng là ngọn đuốc soi đường dẫn lối để chúng ta bước tiếp đến tương lai với đầy đủ niềm tin, đạo lý và nghĩa tình…

Những người đi tìm tên gọi thiêng liêng

Một sáng giữa tháng Tư, ánh nắng dịu dàng trải vàng những lối nhỏ quanh Nghĩa trang liệt sĩ xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Gió khẽ lay cành lá, mùi nhang thơm phảng phất giữa không gian trầm mặc, nơi hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ nằm san sát, lặng yên mà thiêng liêng. Trong gian phòng nhỏ ở trụ sở Công an xã cách đó không xa, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hợp năm nay đã gần 100 tuổi, mái tóc bạc trắng, dáng người gầy guộc, lặng lẽ đặt lên bàn tấm di ảnh cũ kỹ của hai con trai là liệt sĩ Nguyễn Quang Hiệp và Nguyễn Quang Hạc đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc trong các năm 1969 và 1971.

Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam trực tiếp chỉ đạo các tổ công tác thu thập mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn để xác định danh tính liệt sĩ.

Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam trực tiếp chỉ đạo các tổ công tác thu thập mẫu ADN thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn để xác định danh tính liệt sĩ.

Hai bức ảnh nhòe theo năm tháng, nước sơn trên khung gỗ nhiều chỗ đã phai mờ, nhưng ánh mắt của những người lính trẻ năm xưa vẫn sáng lên một nỗi khắc khoải vọng về từ chiến trường, như đang nhìn người mẹ trong lần tiễn đưa ra trận mà chưa kịp nói lời từ biệt. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mẹ Hợp vẫn đều đặn ra nghĩa trang vào mỗi dịp lễ Tết, chậm rãi đi qua từng tấm bia khắc dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên” để thắp hương, cúi xuống thật lâu, đôi bàn tay gầy theo năm tháng cứ xoa vào tấm bia rồi khẽ hỏi trong lòng: “Phải chăng con nằm ở đây?”. Nỗi day dứt, khao khát ấy theo mẹ suốt cả cuộc đời, ăn sâu vào giấc mơ, trở thành một vết cắt không thể lành trong trái tim mẹ.

Khi nghe tin Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thu nhận mẫu sinh phẩm ADN để xác định danh tính liệt sĩ, mẹ Hợp vui lắm, lập tức bảo cháu chở đến trụ sở Công an xã. Dù lưng đã còng, chân run theo từng bước, mẹ vẫn kiên quyết tự đi, tay nắm chặt những tấm ảnh như nắm lấy một tia hy vọng le lói cuối cùng. “Tôi già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa… Nhưng nếu nhắm mắt mà vẫn không biết các con mình đang nằm ở đâu thì lòng tôi không yên. Chỉ cần biết đúng mộ, để mỗi ngày giỗ tôi cắm được một nén nhang, thắp cho các con mình một ngọn lửa ấm…”- mẹ Hợp thì thầm, giọng lặng đi. Câu chuyện của mẹ Hợp không phải là duy nhất. Ở khắp các làng quê Hà Nam, còn biết bao gia đình như vậy, lặng lẽ sống cùng những bức ảnh thờ đã phai màu, những kỷ vật và một nỗi khắc khoải chung mang tên “Liệt sĩ chưa biết tên”.

Tại xã Thanh Tân, Thanh Liêm, Hà Nam, ông Nguyễn Tiến Lực, 71 tuổi, đến điểm thu mẫu với một túi giấy ố vàng bên trong là những kỷ vật ít ỏi của hai người anh trai. Gia đình ông Lực có 6 anh em gồm 4 trai và 2 gái thì trong đó có 3 người đi bộ đội. Người em gái là Nguyễn Thị Mẽ (SN 1959) may mắn trở về sau chiến tranh nhưng hai người anh của mình là liệt sĩ Nguyễn Công Sức hy sinh trong chiến trường Khe Xanh, người anh thứ hai là liệt sĩ Nguyễn Mạnh Dân cũng hy sinh tại chiến trường Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù đã nhiều lần đi khắp các chiến trường, địa danh nơi người thân đã chiến đấu, hy sinh nhưng gia đình ông Lực vẫn chưa tìm được phần mộ của các anh đang nằm ở đâu. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên những chuyến đi dài ngày tìm kiếm phần mộ của các anh tôi cứ thưa dần. Tôi chỉ mong một ngày, phần mộ được tìm thấy và tên của các anh tôi được khắc lại trên bia đá, chứ không còn là “Liệt sĩ chưa rõ danh tính” nữa”- ông Lực nghẹn ngào.

Những mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các anh hùng liệt sĩ chưa xác định được danh tính mong chờ mòn mỏi hàng thập kỷ để tìm lại phần mộ người thân.

Những mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các anh hùng liệt sĩ chưa xác định được danh tính mong chờ mòn mỏi hàng thập kỷ để tìm lại phần mộ người thân.

Còn ở Thượng Tổ, phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, bà Phạm Thị Nụ, nay đã hơn 90 tuổi, vẫn cẩn thận gói ghém di ảnh người anh trai là liệt sĩ Phạm Văn Thắng đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước để mang đến điểm thu mẫu. Hàng chục năm qua, bà Nụ vẫn luôn đau đáu, mong mỏi tìm kiếm hài cốt của người anh trai liệt sĩ. Gia đình có 5 anh em, người thì hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất non sông của Tổ quốc, người thì đến nay đã qua đời do tuổi cao sức yếu nên hiện tại chỉ còn duy nhất bà Nụ là chị gái còn sống. Tâm nguyện lớn nhất của bà Nụ là sớm tìm thấy phần mộ của anh trai mình, đưa về nghĩa trang quê nhà để đoàn tụ cùng với gia đình, người thân trước khi bà nhắm mắt xuôi tay.

Tấm ảnh trong tay bà Nụ run run, như đang sống lại một ký ức xa xăm tưởng chừng đã ngủ yên. Giống như bà Nụ, họ là những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người con… đã mang hy vọng của mình gửi gắm trong một giọt máu nhỏ rơi vào ống nghiệm. Một giọt máu tưởng là đơn giản, nhưng với thân nhân các gia đình liệt sĩ lại là cả một chặng đường dài ngóng trông, là tất cả yêu thương dồn nén sau nửa thế kỷ đợi chờ. Mỗi giọt máu mang theo một lời hứa rằng những người đã ngã xuống vì đất nước, sẽ không bị lãng quên, sẽ được tìm thấy.

Nhịp cầu từ trái tim đến trái tim

Có những hành trình tìm kiếm không ồn ào, chẳng mang theo tiếng súng hay kèn hiệu, nhưng lặng lẽ mà thiêng liêng như hành trình nghĩa tình đi tìm tên cho những người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh đang diễn ra ở Hà Nam. Hành trình ấy không chỉ được khởi động từ tình cảm thiêng liêng của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn được nâng đỡ bởi một nền tảng hiện đại và bài bản đó chính là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 của Chính phủ. Lần đầu tiên tại Hà Nam cũng như cả nước, thông tin về thân nhân liệt sĩ được thu nhận một cách đồng bộ, chính xác và khoa học, từ mẫu máu, dữ liệu di truyền đến việc kết nối với hệ thống dữ liệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ để đối chiếu, xác minh danh tính các liệt sĩ bằng công nghệ. Từng bước đi của hành trình này đều có dấu chân người chiến sĩ Công an, đi từ làng quê này sang làng quê khác, mang theo sứ mệnh sâu nặng của lịch sử.

Trung tá Nguyễn Thị Hảo, Phó trưởng Công an phường Thanh Châu, TP Phủ Lý chia sẻ: Hiện phường Thanh Châu có 100 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Việc thu nhận mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ là bước chuẩn bị đầu tiên cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ còn thiếu thông tin. Không chỉ mang lại niềm an ủi, xoa dịu nỗi đau cho người ở lại, đây còn là sự tri ân sâu sắc với thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà qua đó, còn góp phần hoàn thành việc xây dựng ngân hàng dữ liệu gene, làm cơ sở để so sánh, đối khớp với danh tính liệt sĩ đã được quy tập, mở ra hy vọng đưa các liệt sĩ về với người thân. Vì vậy, ngay sau khi Công an tỉnh triển khai, Công an phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, động viên thân nhân liệt sĩ về chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành Công an; đồng thời khẩn trương rà soát, thu thập, cập nhật thông tin thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính phục vụ quá trình thu nhận mẫu ADN. Đối với các trường hợp khó khăn trong việc di chuyển, Công an phường đã bố trí cán bộ đưa đón thân nhân các gia đình đến điểm thu nhận mẫu ADN. Đến nay, Công an phường đã phối hợp thu nhận được trên 30 trường hợp mẫu ADN cho thân nhân gia đình liệt sĩ.

Hiện, để hoàn thành việc thu thập mẫu ADN trong tháng 4, hàng trăm CBCS của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH và Công an ở các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh Hà Nam đã được huy động cho chiến dịch đặc biệt này. Không quản nắng mưa, họ gõ cửa từng nhà, lắng nghe từng câu chuyện, kiên nhẫn giải thích, vận động những cụ già tuổi cao sức yếu, có người đã ngoài 90 đến điểm thu mẫu hoặc hỗ trợ lấy mẫu ngay tại nhà. “Chúng tôi thấy mình như đang tiếp bước những người lính năm xưa. Thế hệ cha, anh cầm súng ra trận bảo vệ Tổ quốc, còn chúng tôi cầm bút, cầm ống nghiệm để tìm lại cho cha, anh điều thiêng liêng nhất là cái tên”, Đại úy Trần Thanh Huyền, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, đôi mắt hoe đỏ sau một buổi lấy mẫu kéo dài nghẹn ngào nói. Ở nơi đây, dữ liệu không còn là những con số khô khốc, mà trở thành nhịp cầu cảm xúc nơi mỗi dòng mã định danh là một bước chân trở về ký ức. Bởi đằng sau mỗi mẫu máu là một gia đình, một câu chuyện, một trái tim đang chờ gặp lại người thân đã vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an và các sở, ngành trong tỉnh Hà Nam đã tạo nên một mạng lưới hỗ trợ hiệu quả. Từ việc rà soát danh sách, lập hồ sơ thân nhân, đến tổ chức các điểm thu mẫu lưu động ngay tại địa bàn xã, phường. Đây không còn là một nhiệm vụ hành chính đơn thuần mà là hành trình nối lại quá khứ và hiện tại bằng công nghệ và trái tim, đúng như tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị hiện đại hóa lực lượng CAND, lấy dữ liệu làm trung tâm, lấy nhân dân làm mục tiêu phục vụ.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trao đổi với PV Báo CAND.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trao đổi với PV Báo CAND.

Tại buổi làm việc với Công an tỉnh Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nói trong niềm xúc động: “Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 17.573 liệt sĩ, trong đó có 9.219 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đây không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc với gia đình thân nhân và các anh hùng liệt sĩ mà còn là lời hứa với lịch sử, là cách để chúng ta nối dài truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc bằng trí tuệ, bằng công nghệ và trên hết là bằng tấm lòng biết ơn, tri ân thành kính”. Và hành trình ấy, hành trình của niềm tin, của nghĩa tình, của trí tuệ Việt trong kỷ nguyên vươn mình đang được dẫn dắt bởi những người chiến sĩ Công an thời bình mang trong tim sứ mệnh thiêng liêng đưa tên gọi về đúng với linh hồn, đưa những anh hùng về lại với gia đình mình, với mảnh đất, nghĩa trang quê nhà, qua nhịp cầu mang tên dữ liệu.

Các tổ công tác của Công an tỉnh Hà Nam thu thập mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ.

Các tổ công tác của Công an tỉnh Hà Nam thu thập mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ.

Trong tâm trạng xúc động, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đọc 4 câu thơ “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” trong bài thơ “Lời người bên sông” của cựu chiến binh Lê Bá Dương và tâm sự: “Lực lượng Công an tỉnh Hà Nam, những người lính thời bình hôm nay không chỉ giữ bình yên cho từng xóm làng, mà còn đang gắng sức tìm lại danh tính cho những ngôi mộ liệt sĩ đang nằm trên khắp các nghĩa trang quê nhà, cả nước, hay ở một nơi nào đó trên dải đất thân yêu của Tổ quốc”.

Những CBCS của Công an tỉnh Hà Nam đang viết tiếp những dòng tên còn thiếu, đang gieo lại niềm tin nơi ký ức đã hao mòn theo năm tháng, bằng trí tuệ, bằng công nghệ, và trên hết bằng cả tấm lòng tri ân sâu sắc. Sẽ đến một ngày và ngày ấy rồi sẽ đến sớm khi dưới bóng cờ Tổ quốc, nơi những bia mộ từng lặng im, những người mẹ có thể cúi xuống và gọi tên con mình, những người vợ có thể chạm tay vào dòng chữ đã từng mờ nhòa trong giấc mơ mà thốt lên: "Anh đây rồi..." hay những người con sẽ thổn thức gọi tên cha, ông sau bao năm tháng tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng. Và hành trình ấy sẽ không dừng lại bởi những con người mang trong tim một sứ mệnh lớn lao làm cho ký ức được sống lại, để lịch sử không còn dở dang và để những anh hùng nằm xuống không còn vô danh.

(Còn nữa)

Hoàng Phong - Lê Phượng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/ky-1-hanh-trinh-tim-lai-ten-cho-cac-anh-hung-liet-si-i765076/