Kỳ 1: Những ngày tự do ngắn ngủi

Tất cả đồng bào, già trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược! Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.

“Đồng bào Nam bộ! Nhân dân thành phố Sài Gòn!... Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Tất cả đồng bào, già trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược! Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Cuộc kháng chiến bắt đầu! Đây là lời kêu gọi của sáng 23.9.1945 của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu.

Nhân dân Nam bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Nhân dân Nam bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Hưởng Triều (nhà cách mạng Trần Bạch Đằng) trong bài thơ “Bài ca khởi nghĩa” đã viết:

Từ thuở chào đời suốt mấy trăm năm

Chỉ được tự do có hai mươi chín ngày ngắn ngủi

Chưa thỏa niềm vui

Giặc đã đến rồi

Súng lại cầm tay

Đạn nói thay lời...

“Hai mươi chín ngày ngắn ngủi” là nhà thơ tính từ ngày 25.8.1945 khi cách mạng thành công ở Sài Gòn, còn nếu tính từ ngày 2.9.1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì nhân dân Nam bộ chỉ được hưởng tự do có 21 ngày ngắn ngủi.

Nhìn lại lịch sử, năm 1858, thực dân Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) nã những phát đại bác đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng xâm lược Việt Nam. Năm 1859, người Pháp vào Gia Định và sau đó bằng rất nhiều các hiệp ước nhục nhã, nước Việt Nam lần lần mất vào tay thực dân Pháp.

Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Sài Gòn đã đứng lên giành chính quyền trong cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945. Trong bài viết “Những ngày tháng 8 năm 1945 ở Sài Gòn”, vị “nhạc trưởng” của cuộc giành chính quyền, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết khi đọc diễn văn ông đã “báo cáo với đồng bào rằng dân tộc Việt Nam ta đã làm cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng thành công; khởi nghĩa đã thành công ở Hà Nội, Huế và nay là Sài Gòn.

Dân tộc Việt Nam giành lại được độc lập tự do sau 80 năm bị thực dân áp bức, bóc lột, nhục mạ, tàn sát (…) Cuộc khởi nghĩa thành công ngày hôm qua và ngày hôm nay trả lại danh dự cho chúng ta mà cũng là rửa hận cho ngàn vạn đồng bào đã hy sinh trong các cuộc khởi nghĩa trước”.

Ngày 2.9.1945, theo thông báo vào lúc 14 giờ, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) sẽ ra mắt quốc dân đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam DCCH.

Để đồng bào Sài Gòn, đồng bào Nam bộ nghe trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Ban tổ chức lễ sẽ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Thế nhưng, đồng bào Sài Gòn, đồng bào Nam bộ đã không nghe được Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập bởi phương tiện kỹ thuật không đáp ứng nên đã không bắt được tín hiệu radio từ Hà Nội.

Khi ấy, ông Trần Văn Giàu đã được phân công thay mặt Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ phát biểu trước đồng bào. Bài phát biểu ứng khẩu của ông có nội dung chính là kêu nhân dân đoàn kết xung quanh Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cần nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu quay lại xâm lược của thực dân Pháp.

Mở đầu bài diễn thuyết là tuyên bố: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống. Song cuộc hồi sinh của dân tộc đang bị kẻ thù đe dọa. Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào...”.

Kết thúc bài phát biểu, ông Trần Văn Giàu khuyên đồng bào mừng thắng lợi nhưng cần đề cao cảnh giác: “Đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”. Bài diễn văn kết thúc với lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Vệ quốc đoàn hành quân. Ảnh tư liệu

Vệ quốc đoàn hành quân. Ảnh tư liệu

Như vậy là ngay chính giờ phút vui mừng nhất khi chào đón ngày độc lập của dân tộc, các nhà lãnh đạo tối cao của Việt Minh ở Nam bộ đã dự liệu chính xác rằng đồng bào Nam bộ sẽ lại phải một lần nữa đứng lên mới mong giành và giữ được nền độc lập vững bền. Ngày 23.9.1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ 2 bắt đầu từ Sài Gòn. Vậy là nhân dân miền Nam chỉ được hưởng không khí của độc lập vỏn vẹn 21 ngày ngắn ngủi.

Ngày 25.8.1945, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ được thành lập do Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ tuyên bố mình là bộ phận phía Nam của Việt Nam DCCH.

Sau hơn 80 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp, mặc dù trước đó đã thất bại và thúc thủ trước phát xít Nhật nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược lại nước ta một lần nữa. Đêm 22.8.1945, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam kỳ (thuộc chính phủ De Gaulle) là Jean Cédile nhảy dù xuống gần Biên Hòa và bị nông dân bắt giữ giao cho quân đội Nhật và sau đó được thả ra.

Ngày 27.8.1945, Cédile gặp Trần Văn Giàu đề nghị tương lai chính trị của Việt Nam. Trong cuộc họp này, Trần Văn Giàu yêu cầu điều kiện tiên quyết là Pháp trước hết phải công nhận nền độc lập của Việt Nam rồi mới bàn tới quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Trong đêm 22.9, ở bất cứ nơi nào quân Pháp đánh chiếm đều bị quân dân ta nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt.

Không khí hào hùng của ngày Nam bộ kháng chiến đã được nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn khắc họa trong bài hát cùng tên với những âm hưởng đầy hào hùng, khí phách:

Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến

Ngày 23.9.1945 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, đó là ngày nhân dân Nam bộ lại một lần nữa nhất tề đứng lên chống lại thực dân Pháp xâm lược với quyết tâm sắt đá: thà chết không chịu làm nô lệ.

Vũ Trung Kiên

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-nhung-ngay-tu-do-ngan-ngui-a179073.html