Kỳ 2: Chân Lạp - chủ nhân sau của nhà nước Phù Nam
Những cứ liệu lịch sử ngày càng sáng tỏ và khẳng định rằng khi nhà nước Phù Nam suy yếu thì một trong những tiểu quốc là nước phụ thuộc Phù Nam đã lớn mạnh, tiến đánh và diệt vong nhà nước này. Sau khi chiếm được Phù Nam, vùng đất này được gọi là Thủy Chân Lạp (1). Hầu hết các nội dung này đều được chính sử các triều đại Trung Quốc ghi chép khá đầy đủ.
Cuốn sách đầu tiên của người Trung Quốc ghi chép về Chân Lạp là Tùy thư. Sách này chép rõ: “Nước Chân Lạp ở phía Tây Nam Lâm Ấp, vốn là thuộc quốc của Phù Nam vậy. Từ quận Nhật Nam đi thuyền 60 ngày thì tới (…) dần trở nên cường thịnh… bèn kiêm tính luôn Phù Nam làm của mình (2)”. Cựu Đường thư chép: “Nước Chân Lạp ở phía Tây Bắc Lâm Ấp, vốn là thuộc quốc của Phù Nam (…) Từ niên hiệu Thần Long (705-707 - NV) về sau, Chân Lạp chia ra hai nửa: Lấy nửa phía Nam là nơi gần biển, nhiều đầm phá, gọi là Thủy Chân Lạp; nửa phía Bắc nhiều núi đồi, gọi là Lục Chân Lạp… (3)”. Tân Đường thư chép: “Chân Lạp, còn gọi là Cát Miệt, vốn là thuộc quốc của Phù Nam… Sau đời Thần Long, lại chia làm hai nửa: Phía Bắc nhiều đồi núi gọi là Lục Chân Lạp. Phía Nam sát biển, nhiều đầm hồ gọi là Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp, đất có tám trăm dặm, vua ở thành Bà La Đề Bạt. Lục Chân Lạp, hoặc lại gọi là Văn Đan, là Bà Lũ, đất rộng bảy trăm dặm… (4)”. Các sách Tống Sử và Minh Sử đều chép về Chân Lạp đại khái như các sách trên.
Các chứng cứ lịch sử cho biết, dù cả vùng đất Nam bộ đã được sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp nhưng trong thực tế, đây vẫn còn là một vùng đất hoang vu, sình lầy ít được khai phá. Cho đến tận thế kỷ XIII, dưới mắt của một vị quan người Trung Quốc có dịp đến Chân Lạp thì nơi này vẫn còn là vùng đất hoang vu. Đó là vào năm 1296, dưới thời Nguyên Thành Tông của nhà Nguyên, một nhà ngoại giao là Chu Đạt Quan đã được phái tới Chân Lạp. Chu Đạt Quan đến Angkor tháng 8.1296 và ở lại đây tới tháng 7.1297. Sau này, ông đã ghi chép chi tiết cuộc sống ở Angkor trong tác phẩm Chân Lạp Phong thổ ký . Vùng đất Nam bộ được Chu Đạt Quan mô tả: “Từ chỗ vào Chân Bồ trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng (5)”.
Trong khoảng thời gian ấy, ngoài việc dân số ít ỏi nên người Khmer chưa đủ lực để khai thác trên quy mô lớn ở vùng Nam bộ hiện nay, họ còn phải đối phó với các tiểu quốc vốn vẫn do những người trong dòng họ vua Phù Nam trước đó cai quản: “Việc cai trị xứ Thủy Chân Lạp vì vậy vẫn phải giao cho những người thuộc dòng dõi vua Phù Nam. Theo những tài liệu bi kí còn lại có thể thấy rằng, vào thế kỷ VIII, tại vùng trung tâm của Phù Nam trước đây vẫn còn tồn tại một tiểu quốc tên là Aninditapura, do một người dòng dõi vua Phù Nam tên là Baladitya trị vì (6)”.
Khi ấy, ở ngoài khơi, người Java đã thành lập lên quốc gia của mình và xâm chiếm các nước, trong đó có Chân Lạp. Chân Lạp đã bị Java xâm lược và đô hộ mãi đến năm 802 mới kết thúc. Trong vòng một thế kỷ, vùng đất Nam bộ lại nằm dưới quyền kiểm soát của người Java. Người Chân Lạp chú trọng dồn sức phát triển vùng trung tâm truyền thống ở khu vực Biển Hồ, trung lưu sông Mekong và hướng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Vùng Thủy Chân Lạp ít được quan tâm phát triển. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm từ phía Tây, đặc biệt là từ sau khi Vương triều Ayuthaya hình thành vào giữa thế kỷ XIV. Trong suốt 78 năm (từ 1353 đến 1431), Ayuthaya và Chân Lạp liên tiếp có chiến tranh, trong đó chủ yếu là những cuôc tiến công Chân Lạp từ phía người Thái. Trong thời kỳ đó, có lúc kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng. Kể từ thế kỷ XVI, và nhất là thế kỷ XVII, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc. Vương quốc này dần bước vào thời kỳ suy vong.
Từ những phân tích nêu trên, có thể rút ra một vài kết luận sau đây:
Một là, Chân Lạp thực chất là một thuộc quốc của Phù Nam và những cư dân Chân Lạp cổ đã nhân cơ hội Phù Nam suy yếu (không rõ vì nguyên nhân gì) đã đánh chiếm Phù Nam, thiết lập nên nhà nước Chân Lạp.
Hai là, sau này, vương triều Chân Lạp đã chia đôi đất nước với 2 tên gọi khác nhau. Vùng đất Thủy Chân Lạp để chỉ phần lãnh thổ Phù Nam trên vùng đất Nam bộ và phân biệt với vùng đất “Lục Chân Lạp”, tức là vùng đất gốc của Chân Lạp. Trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt, Chân Lạp hầu như không có khả năng kiểm soát đối với vùng đất còn ngập nước ở phía Nam, vốn là địa phận của vương quốc Phù Nam. Như vậy, có thể khẳng định rằng, những chủ nhân đầu tiên (mà lịch sử còn ghi chép được) trên vùng đất Nam bộ chính là những cư dân Phù Nam cổ. Nhà nước đầu tiên trên vùng đất Nam bộ được thiết lập đó là nhà nước Phù Nam. Vì vậy, sau này, người Khmer là những chủ nhân sau đã tiếp quản vùng đất này.
Ba là, trong thời kỳ cổ đại, người ta coi chiến tranh là một phương tiện hữu hiệu để giải quyết mọi xung đột, mọi tranh chấp quốc tế. Nó được thừa nhận như “quyền” của mỗi quốc gia, dân tộc - “quyền được tiến hành chiến tranh”. Tuy nhiên, con người ngày càng văn minh tiến bộ thì càng đặt ra các luật lệ để hạn chế chiến tranh, ngăn ngừa sử dụng vũ lực. Công ước Lahaye năm 1899 về hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế và Công ước năm 1907 về hạn chế sử dụng vũ lực đối với quốc gia vi phạm cam kết quốc tế là những công ước quốc tế toàn cầu đầu tiên đã không coi việc tiến hành chiến tranh là quyền của quốc gia, nhưng cũng chưa đưa ra quy định ngăn cấm chiến tranh, mà chỉ kêu gọi các quốc gia “với khả năng có thể” thì ngăn ngừa nguy cơ dùng vũ lực. Như vậy, trước Chiến tranh thế giới thứ 2 những quy định về việc không sử dụng chiến tranh chỉ là những quan điểm, ý tưởng và chưa trở thành nguyên tắc mang tính bắt buộc chung. Từ khi Liên Hợp Quốc ra đời, với bản hiến chương của mình, LHQ đã đưa ra rất nhiều các yêu cầu nhằm giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Tại khoản 4 điều 2 của Hiến chương này quy định rằng: “Trong quan hệ quốc tế, các hội viên Liên Hợp Quốc không được có hành động đe dọa bằng vũ lực hay dùng vũ lực để chống lại quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ một nước nào, hoặc bằng cách này hay cách khác làm trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc (7)”.
Bốn là, việc thay thế nhau tiếp quản các vùng đất trong lịch sử thời xưa vốn được xem là bình thường. Nó chẳng khác gì việc người Hán đã chiếm gần trọn vùng đất phía Nam dãy Ngũ Lĩnh vốn là nơi cư trú của các dân tộc Việt (Bách Việt). Nó chẳng khác gì người Anh, Tây Ban Nha… đã tiếp quản (kể cả bằng các biện pháp hòa bình và sử dụng vũ lực) các vùng đất của người da đỏ ở châu Mỹ hiện nay. Nó chẳng khác gì người Anh chiếm và biến vùng đất của thổ dân Australia, New Zealand thành các quốc gia của người da trắng… Vậy nên, trong bối cảnh lịch sử ấy, người Khmer tiếp quản vùng đất từ người Phù Nam và rồi sau này người Việt lại tiếp quản từ những người Thủy Chân Lạp.
Vũ Trung Kiên
(còn tiếp)
(1) Xem Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn 1974
(2) An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 275
(3) An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 280
(4) An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 284
(5) Chu Đạt Quan, Chân Lạp Phong thổ ký, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 45 - 46
(6) Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 23-24
(7)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Hien-Chuong-Lien-hop-quoc-1945-229045.aspx
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-2-chan-lap-chu-nhan-sau-cua-nha-nuoc-phu-nam-a176902.html