Kỳ 2: Chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh cao
PTĐT - Thực tế cho thấy, thời gian qua dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi bùng phát đều xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, các trang trại có quy mô lớn đa số không bị ảnh hưởng do họ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.
>>> Kỳ I: Dịch tả lợn châu Phi “tấn công” nông hộ
Phòng dịch hơn chống dịch
Sau mấy chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, ông Hoàng Ngọc Ca, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì đã rút ra rằng, nuôi lợn theo quy mô, đảm bảo kỹ thuật sẽ hạn chế được rủi ro rất cao. Còn nhớ năm 2003, gia đình ông mạnh dạn vay mượn đầu tư nuôi lợn với quy mô 5 nái, 70 con lợn thịt. Tuy đã rất cẩn trọng trong quá trình nuôi, chăm sóc nhưng do không kiểm soát được nguồn gốc thức ăn, để lợn ăn phải ngô bị mốc nên cả đàn lợn bị chết, năm đó gia đình ông thua lỗ hơn 20 triệu đồng. Hiện tại gia đình ông là một trong những hộ đang sở hữu trang trại nuôi lợn quy mô lớn nhất nhì thành phố với 100 nái và 900 con lợn thịt, 1 năm xuất bán ra thị trường khoảng 200 tấn thịt thương phẩm và 200 lợn giống, lợn mẹ. Gia đình ông chủ yếu sử dụng cám sinh học cho lợn ăn tuy thời gian nuôi lâu hơn, chi phí cao hơn nhưng chất lượng thịt thơm, ngon và đặc biệt lợn có sức đề kháng tốt hơn bởi những nguyên liệu gia đình ông mua để sản xuất thức ăn cho lợn như: Ngô, lúa mạch, đậu tương, bột cá… ở những công ty uy tín, có thương hiệu rõ ràng, rồi về được chế biến đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật.Ông Ca chia sẻ: Nuôi lợn với quy mô đòi hỏi đầu tư cả về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là khâu phòng chống bệnh để hạn chế tối đa rủi ro do dịch bệnh mang lại. Vì thế chúng tôi buộc phải kiểm soát quá trình chăn nuôi từ khâu con giống đến việc tìm nguồn thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Lợn giống của trang trại chủ yếu tự sản xuất rồi để nuôi luôn nên có lý lịch rõ ràng, được tiêm phòng một số chủng nhất định, thức ăn được chế biến phù hợp với độ tuổi của lợn để vừa tăng sức đề kháng vừa đảm bảo chất lượng thịt khi ra thị trường. Khâu vệ sinh chuồng trại hàng ngày và sau xuất bán lợn được xem là quan trọng nhất trong việc phòng chống dịch bệnh. Thường cứ theo chu kỳ 3-5 ngày sẽ phun tiêu độc khử trùng cho trang trại 1 lần, vào dịp xuất hiện ổ dịch như thế này thì ngày nào cũng tiến hành phun. Sau khi xuất bán nên để chuồng trại nghỉ trong một thời gian nhất định sau khi đã vệ sinh bằng cách phun thuốc khử trùng và quải vôi... Gia đình tiến hành đào một số hố vôi, rắc vôi xung quanh trang trại và đường đi; hạn chế tối đa người ra, vào trang trại để tránh dịch bệnh từ nơi khác mang đến…Chúng tôi đến huyện Tam Nông đúng thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, bùng phát và lây lan dữ dội nhưng các trang trại chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Tề Lễ vẫn nhộn nhịp xe cộ ra vào vận chuyển lợn đến tuổi xuất bán, vận chuyển thức ăn cho đàn lợn. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Quyền, quản lý trang trại của Công ty TNHH Minh Hiếu cho biết: Chúng tôi áp dụng chặt chẽ phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, cách ly từ xa một cách tối đa các nguồn có thể lây nhiễm bệnh dịch vào khu vực chăn nuôi. Các trang trại ở đây đã nhất trí thuê một hộ chuyên rửa xe, phun hóa chất khử trùng tiêu độc cho các phương tiện vận chuyển cách các trại chăn nuôi khoảng gần 2km; sau khi phun rửa khoảng 1 đến 2 tiếng mới được vào trại. Khi vào trại lại tiếp tục phun khử trùng một lần nữa để đảm bảo an toàn. Đồng thời chúng tôi áp dụng biện pháp cách ly theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, toàn bộ vật tư dành cho người và vật trong thời điểm hiện nay đều do công ty cung cấp. Nhờ đó, đến thời điểm này, các trang trại ở đây vẫn đảm bảo an toàn.
Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trungHiện nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 20 doanh nghiệp đầu tư dự án chăn nuôi lợn, gia cầm (có 13 dự án đã đi vào hoạt động); 46 trang trại nuôi gia công cho các công ty và trên 300 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (trên 3.000 con gia cầm, trên 300 con lợn). Hầu hết các trang trại đã áp dụng phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi (chuồng lạnh, khép kín, có hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, thông gió, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động); thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường.Trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển các vùng chăn nuôi lợn tập trung, có nhiều doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô tập trung tại các huyện: Tam Nông, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, Đoan Hùng.... Chăn nuôi gia cầm đứng thứ 6 cả nước và đứng thứ 2 vùng Trung du miền núi phía Bắc. Tổng đàn gia cầm đạt 14,4 triệu con, tăng 100%, sản lượng thịt đạt 25,7 nghìn tấn. Vùng chăn nuôi gà thịt, gà trứng tập trung tại các huyện Tam Nông, Phù Ninh, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Thanh Thủy... hiện có 6 doanh nghiệp và trên 1 nghìn cơ sở chăn nuôi từ 1.000 con trở lên với tổng đàn trên 4 triệu con. Chăn nuôi bò đạt 116 nghìn con, tăng 0,8%, sản lượng thịt đạt 7,3 nghìn tấn, phát triển chăn nuôi bò thâm canh, bán thâm canh bước đầu phát triển, các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo bằng tinh các giống bò cao sản, chất lượng cao. Đến nay, tỷ lệ bò lai của tỉnh chiếm 73% tổng đàn (cao hơn trung bình chung toàn quốc là 14,5%). Riêng đàn trâu giảm tới 35% bởi xu thế tái đàn chậm và việc sử dụng cơ giới trong nông nghiệp phát triển… Ngoài ra, một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao như dê, thỏ được người dân mạnh dạn đầu tư và tiếp tục mở rộng, đạt kết quả tốt. Đa phần các cơ sở chăn nuôi tập trung sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh; một số cơ sở tự phối trộn thức ăn nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất. Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi tại các nông hộ khá đa dạng từ thức ăn công nghiệp hoặc phối trộn từ nguồn các nguyên liệu có sẵn như ngô, sắn, cám gạo... hoặc tận dụng phụ phẩm như bã đậu, bã bia, bỗng rượu, rau, bèo, cây chuối. Hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi (chế phẩm sinh học Balasa, hầm biogas, ủ phân compost)… một số cơ sở áp dụng công nghệ máy tách phân nhằm nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, tránh xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp đi vào thực tế, Phú Thọ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn như Công ty cổ phần CP Việt Nam, Công ty TNHH DABACO, Công ty TNHH Minh Hiếu, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty DTK... Các doanh nghiệp này không chỉ chăn nuôi mà còn sản xuất con giống, góp phần cung cấp nhiều loại con giống có chất lượng cao cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất; qua đó đã tạo ra một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung và từng bước xây dựng được mối liên kết chuỗi giá trị. Chính sách là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển chăn nuôi của tỉnh, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản. Trong 2 năm 2017-2018, đã có 29 cơ sở chăn nuôi lợn được hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, 17 cơ sở cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, 19 cơ sở cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Giai đoạn 2004 - 2018, sản xuất chăn nuôi của tỉnh có sự phát triển nhanh, chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; có nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất quan trọng trong nông nghiệp.