Kỳ 2: Khát vọng vươn xa
Dọc theo tuyến đường Nam Sông Hậu đầy huyền thoại còn lưu dấu ấn đến hôm nay, ở giữa dòng sông Hậu chở nặng phù sa có rất nhiều dải đất cù lao xanh bạt ngàn cây trái. Từ bên bờ nhìn qua, trông các dải đất này giống như những 'ốc đảo xanh' giữa sông nước mênh mông với bốn bề biển nước và lộng gió. Trong số đó, lớn nhất là Cù Lao Dung mà những bô lão địa phương quen gọi là Đảo Ngọt với đơn vị hành chính cấp huyện có 8 xã, thị trấn nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, giáp với biển Đông. Vùng đất này khá đặc biệt, gắn với nhiều chiến tích trong hai cuộc kháng chiến cứu nước khiến quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến; cũng gắn với không ít câu chuyện ly kỳ về chúa Nguyễn Ánh trong hành trình bôn tẩu và khai phá đất phương Nam, ngày nay vẫn còn tên gọi những địa danh ấy...
Chuyến phà sớm rẽ sóng đưa khách bộ hành từ vàm Đại Ngãi sang xã An Thạnh 1 trong một ngày gió chướng lành lạnh. Xa xa trên dải đất màu xanh ấy, thấp thoáng những mái ngói đỏ tươi ánh lên trong nắng mai. Chợt giật mình khi nhận ra, một vùng đất tưởng như bị “cô lập” giữa bốn bề sóng nước, vậy mà trong 20 năm qua từ sau khi tách lập huyện, vùng đất ấy đã từng bước chuyển mình, dần thay da đổi thịt, khoác lên mình diện mạo mới, ngày càng giàu đẹp.
Phà cặp bến, dòng người tấp nập ngược xuôi ngày cuối năm với nụ cười tươi rói khi vụ mùa bội thu, hồ hởi chuẩn bị các vật dụng cho 3 ngày Tết, trang hoàng lại nhà cửa để đón xuân về. Xã An Thạnh 1 là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng hiện ra với những nếp nhà khang trang thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ; trên những tuyến đường, từng chuyến xe chở nặng các loại trái cây đặc sản đang vào mùa thu hoạch chính vụ đi về các chợ đầu mối.
Cù Lao Dung từ trước đến nay nổi tiếng với những rẫy mía bạt ngàn. Mấy chục năm qua, cây mía có lúc thịnh lúc suy nhưng là cây trồng chủ lực đã nuôi sống và làm giàu cho hàng chục ngàn nông hộ nơi đây. Tuy vậy, ở những nơi cây mía không còn chiếm ngôi đầu nữa, chính quyền và bà con bắt đầu tìm đến những loại cây khác “ngọt ngào” hơn, đó là xoài, nhãn, thanh long, dừa dứa, các loại cây có múi...
Đến với Cù Lao Dung hôm nay mọi người không thể không ngỡ ngàng và say đắm trước những vườn cây trĩu quả, tập trung ở các xã An Thạnh 1, An Thạnh Tây, An Thạnh Đông và thị trấn Cù Lao Dung. Các loại cây trồng này đã và đang mang lại "vị ngọt" cho đời sống bà con. Những vườn cây ăn trái còn tạo điều kiện để phát triển du lịch vườn ở xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây, với rất nhiều chủng loại, có hương vị đặc trưng, trong đó, có những loại trái cây đặc sản mà khi đến đây, du khách rất thích thú và thường mua về làm quà. Với loại hình du lịch này, hàng năm đã thu hút khá nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Nằm ở vị trí cuối dải cù lao hướng ra biển Đông là xã An Thạnh Nam có tiềm năng thích hợp cho loại hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nơi đây có khu rừng bần ngập nước hàng năm lấn dần ra biển, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã như: khỉ, rái cá, rắn, tôm, cua, cá, vọp... Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong rừng. Đây chính là điểm đến du lịch tuyệt vời cho những du khách yêu thiên nhiên, thích du lịch sinh thái, thích khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm.
Đến với Cù Lao Dung, du khách đừng bỏ qua thưởng thức món ăn dân dã nhưng là đặc sản của xứ cồn, đó là món canh chua bần nấu cá tra bần. Bởi đây là loại cá da trơn hình dáng gần giống với cá tra nuôi ao nhưng lại sống ở vùng nước lợ, chuyên ăn trái bần chín và trú ngụ dưới tán rừng bần phòng hộ, chỉ vùng này mới có. Riêng trái bần chín dầm trong nước mắm ớt là thức chấm của nhiều món ăn hấp dẫn khác: thịt ba ba nấu chuối, cá chẽm luộc nước dừa, cá thòi lòi nướng muối ớt, khô cá đuối, khô cá khoai...
Thêm vào đó, Cù Lao Dung còn có những điểm du lịch truyền thống, về nguồn, là những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, rất thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu về nguồn cội, về một thuở hào hùng của ông cha ta trong đấu tranh giữ nước. Nổi tiếng nhất là Đền thờ Bác Hồ, tọa lạc tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông, đây là 1 trong 8 di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia của tỉnh. Đền thờ Bác Hồ được Đảng bộ và nhân dân Cù Lao Dung xây dựng lên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn trong giai đoạn ác liệt nhất và đã quyết tâm bảo vệ, gìn giữ cho đến ngày chiến thắng. Không xa lắm Đền thờ Bác Hồ là Bia tưởng niệm chiến thắng Rạch Già ở thị trấn Cù Lao Dung, ghi dấu những chiến công oanh liệt của du kích Long Phú.
Nếu như đầu dải đất cù lao là thủ phủ trái cây thì đoạn giữa đến cuối cù lao là thủ phủ của các loài thủy sản với các ao tôm ngày đêm sáng đèn như phố huyện những ngày gần thu hoạch. Xã An Thạnh 2 đang có số lượng nông dân chuyển dịch kinh tế đông đảo, đa số thay thế diện tích trồng mía sang nuôi tôm. Riêng xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam lại phát triển một số mô hình nuôi các loài thủy sinh trên lòng các con rạch, các tuyến bãi bồi ven sông, ven biển.
Cù Lao Dung với đặc thù vị trí địa lý cách biệt đất liền bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt nên ảnh hưởng lớn đến việc giao thương trao đổi hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng với truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt khó, hăng hái thi đua lao động sản xuất, nên cho đến nay, sau 20 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân Cù Lao Dung đã đạt được những thành tựu đáng kể, bộ mặt nông thôn tiến bộ rõ nét. Trong tương lai không xa, khi cầu Đại Ngãi nối nhịp đôi bờ với tỉnh Trà Vinh của Quốc lộ 60, với sự đầu tư điện gió, năng lượng mặt trời, cảng nước sâu… cùng với nguồn lực đầu tư từ các dự án, chương trình hỗ trợ cho các xã đảo, xã nông thôn mới, Cù Lao Dung sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cơ hội lớn nhất phải kể đến là du lịch với rất nhiều tiềm năng.
Trời đã xế chiều, về ngang thị trấn Cù Lao Dung nghe lòng nôn nao khi chứng kiến sự đổi thay của cù lao miệt sông nước. Trước ngõ nhà ai đó ven đường, mai vàng bắt đầu hé những nụ non. Với vẻ đẹp từ thiên nhiên, không khí trong lành, từ những dãy rừng bần phòng hộ ven biển mang lại, Cù Lao Dung mang hình dáng của một con rồng đang vươn mình ra biển. Đây chính là sự hào phóng mà sông Hậu đã ban tặng để hình thành nên dải đất cù lao này. Đất cù lao không còn là "ốc đảo" chơi vơi giữa lòng sông Hậu mà đã bắt đầu chuyển mình vươn ra biển lớn.