Kỳ 2: Khi công viên 'đắt' khách hơn phố đi bộ

Khởi động từ ngày 30/12/2022, phố đi bộ Trần Nhân Tông (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được kỳ vọng sẽ là không gian văn hóa cộng động, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, mua sắm gắn với ẩm thực. Tuy nhiên, sau gần 8 tháng triển khai, phố đi bộ chưa phát huy giá trị vốn có của không gian xanh. Nhiều người dân phản ánh, vị trí mở tuyến phố đi bộ gần công viên cũng tạo nghịch lý không đáng có.

“Gỡ” bài toán phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội:

Khung cảnh vắng vẻ tại không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận. Ảnh Mộc Miên

Khung cảnh vắng vẻ tại không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận. Ảnh Mộc Miên

Dịch vụ thuê xe điện “độc quyền” phố đi bộ

18h30 chiều thứ 7, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận khá vắng vẻ. Tuyến phố có tổng chiều dài khoảng 1.600m gồm đoạn tuyến phố Trần Nhân Tông (từ nút giao với phố Quang Trung đến ngã 3 Trần Bình Trọng), trục chính Công viên Thống nhất (đoạn từ cổng công viên Thống nhất đến hồ Bảy Mẫu) chỉ lác đác vài gia đình đưa con nhỏ đến vui chơi.

Tại đây, không gian vui chơi cũng nghèo nàn khi chỉ diễn ra hoạt động thuê xe điện cho trẻ nhỏ và tô tranh tượng, ngoài ra không có hoạt động nào khác. Nhìn không gian phố đi bộ rộng rãi, thoáng mát nhưng lại vắng khách, nhiều người dân tỏ ra tiếc nuối khi tuyến phố chưa đạt hiệu quả thiết thực.

Tuyến phố không thu hút người dân và du khách, các hoạt động kinh doanh cũng ảm đạm chẳng kém. Dịch vụ cho thuê xe điện tại đây gần như “độc quyền” kinh doanh song không có người sử dụng dịch vụ. Ban ngày, hàng chục chiếc xe điện xếp im lìm chờ buổi tối lên đèn. Cả đoạn đường 300m như dành riêng cho loại hình cho thuê xe điện này nhưng số lượng khách thuê xe chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một chủ cho thuê xe điện tại đây cho biết, ban ngày, tuyến phố rất vắng khách, chỉ tối đến các gia đình cho trẻ em vui chơi, hoạt động kinh doanh mới thực sự khởi động. Trung bình, mỗi xe điện có giá thuê khoảng từ 50.000 đồng - 80.000 đồng tùy vào thời gian thuê. Trừ chi phí thuê địa điểm, nếu khách đông đúc cũng là con số không nhỏ.

Theo ghi nhận, các loại xe điện có rất nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau, đáng chú ý là loại xe ba bánh hay gọi bằng xe “quái thai” bằng chất liệu sắt, thép được trẻ em và thanh thiếu niên điều khiển với tốc độ 30km/h. Nhiều gia đình dắt trẻ em đi bộ đều bày tỏ ái ngại trước món đồ chơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách tham quan phố đi bộ. Do không có một lựa chọn nào khác cho dịch vụ giải trí, nhiều gia đình vẫn phải chấp nhận thuê xe điện cho con cái vui chơi.

Khoảng nửa tháng nay, tuyến phố đi bộ rơi vào tình cảnh “ế” khách. Ngoài lý do thời tiết mưa thì không gian tuyến phố đi bộ thiếu hoạt động vui chơi, giải trí là nguyên nhân chính chưa thu hút được người dân và du khách.

Vị trí mở tuyến phố đi bộ gần công viên cũng tạo nghịch lý không đáng có. Đối lập với không gian vắng vẻ tuyến phố đi bộ, trong công viên Thống Nhất sôi động với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Khu vực trẻ nhỏ với bãi cát nhân tạo, khu vui chơi thiếu nhi, tham quan đọc sách. Người lớn tản bộ, thưởng ngoạn diện mạo mới của công viên sau thời gian dỡ bỏ hàng rào, xây dựng công viên mở, không thu phí vào cửa.

Trước đó, công viên là điểm đến của nhiều người dân hàng chục năm nay nên khá dễ hiểu việc họ lựa chọn vào công viên để vui chơi so với việc phải ra ngoài đoạn phố đi bộ không có điểm gì thu hút.

Thiếu bản sắc riêng

Trước ngày khánh thành tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông được kỳ vọng sẽ phát huy giá trị vốn có của công viên Thống nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, kết hợp với quảng trường “Công an nhân dân vì dân phục vụ”,…

Một “không gian mở” khi kết hợp với công viên Thống Nhất được coi “lợi thế” của tuyến phố này. Tuy nhiên, sau gần 8 tháng hoạt động, tuyến phố đi bộ chưa phát huy sức mạnh tổng thể về mặt không gian được đánh giá rất tiềm năng.

Ngoài lợi thế không gian rộng, điểm cộng của tuyến phố này là việc gửi xe để vào phố đi bộ khá thuận tiện. Ngay từ cổng vào, người dân dễ dàng gửi xe ở trong khuôn viên của công viên Thống nhất. Điều kiện bãi gửi xe từng được coi là bài toán bất cập nhất của tuyến phố đi bộ hiện nay, khi quỹ đất hạn hẹp.

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh “ế” ẩm, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông cũng diễn ra rất ít các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Mặc dù không gian phố đi bộ gần với Rạp Xiếc Trung ương, nơi các nghệ sĩ xiếc có thể mang đến màu sắc riêng cho tuyến phố thì chưa được khai thác. Trong khi xiếc là môn nghệ thuật có tính tương tác cao, phù hợp nhiều lứa tuổi khác nhau.

Lý do khác khiến tuyến phố Trần Nhân Tông vắng khách khi nơi đây gần với tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận, người dân có tâm lý lựa chọn địa điểm đã trở thành “thương hiệu” với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hơn và khó có thể thay thế.

Quyết tâm vượt qua “cái bóng” lớn đó, các cấp chính quyền quận Hai Bà Trưng đã có kế hoạch, dự án triển khai đồng bộ. Trong đó, phải kể đến công tác hoàn chỉnh thiết kế đô thị, đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang cảnh quan, định hình không gian giao lưu văn hóa - ẩm thực đặc sắc. Cụ thể là không gian phố đi bộ kết nối với công viên Thống nhất và triển khai hạng mục nhạc nước trên mặt hồ Thiền Quang, hứa hẹn là điểm nhấn mới lạ, độc đáo cho tuyến phố đi bộ.

Thực tế, quá trình triển khai thực hiện tuyến bố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận cần cải tạo cảnh quan chung đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian kéo dài, thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều đơn vị, sở, ngành nên khó khăn trong công tác đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ của tuyến phố. Thật tiếc cho một không gian đắc địa của Thủ đô lại chưa thực sự tạo sức hút với người dân và du khách để hướng đến phát triển kinh tế đêm về du lịch của Hà Nội.

Việc triển khai tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận đã hoàn thành mục tiêu chung về “Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ”, quá đó hoàn thành thực hiện chương trình số 03-CTr/TƯ của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.

(Còn nữa)

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-khi-cong-vien-dat-khach-hon-pho-di-bo-349884.html