Kỳ 2: Lý do hòa giải thành đạt kết quả cao
Những năm qua công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện. Góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Triển khai Kế hoạch 159/KH-UBND của UBND TP Hà Nội và Luật Hòa giải ở cơ sở:
Tỷ lệ hòa giải thành đạt kết quả cao
Bà Nguyễn Thị Tâm Luyến, Phó Trưởng Phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm cho biết, hiện nay trên địa bàn quận có 189 tổ hòa giải/190 tổ dân phố với 1.026 hòa giải viên. Tỷ lệ hòa giải thành năm 2021 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đạt 92,2%, trở thành một trong những đơn vị đạt kết quả cao nhất của TP Hà Nội. Để có kết quả này là nhờ thời gian qua, quận luôn quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở, với nhiều cách làm hay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí nhân lực và kinh phí đầy đủ phục vụ công tác này thì quận thường xuyên tổ chức bồi dưỡng tập huấn, phát tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, chỉ đạo xây dựng kế hoạch để nâng cao năng lực đội ngũ này và đã phát huy hiệu quả.
Quận đã thực hiện tốt mô hình “ Tổ hòa giải 5 tốt”, phát hiện sớm, quan tâm những người thuộc đối tượng hòa giải, hòa giải đạt tỷ lệ trên 80%, không để phát sinh trở lại vụ việc…với những tiêu chí cụ thể, có định hướng rõ ràng đến các tổ hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, quận rất quan tâm kiện toàn củng cố tổ hòa giải ở cơ sở, chú trọng đội ngũ luật sư, luật gia, những người có quá trình công tác am hiểu pháp luật để mời họ vào tổ hòa giải. Khen thưởng kịp thời và khuyến khích những mô hình hòa giải hay, nhân rộng mô hình tiên tiến, bố trí kinh phí tổ chức các cuộc thi hòa giải ở cơ sở, hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam cũng tổ chức mít tinh và thi hòa giải viên xuất sắc để tạo sân chơi cho các hòa giải viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Bà Nguyễn Thị Tâm Luyến cho biết: “Để triển khai, thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở, Phòng Tư pháp đã chỉ đạo cán bộ tư pháp các phường thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải cơ sở. Kết quả tính đến tháng 8/2022, trên địa bàn quận phát sinh 30 vụ, hòa giải thành 27 vụ, hòa giải không thành 3 vụ, đạt 90% tỷ lệ hòa giải thành. Công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn quận những năm qua đã góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân”.
Sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền
Năm 2022, thực hiện chương trình, kế hoạch của Sở Tư pháp TP Hà Nội về triển khai công tác hòa giải cơ sở, từ đầu năm UBND quận Bắc Từ Liêm đã có văn bản hướng dẫn hướng dẫn thực hiện công tác này và đề nghị UBMTTQ quận, Phòng Tư pháp quận và Chủ tịch UBND các phường phối hợp thực hiện tốt Luật Hòa giải cơ sở và Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019-2022”.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm Luyến, thực hiện công văn của UBND quận, Phòng Tư pháp quận đã hướng dẫn chỉ đạo các phường tiến hành rà soát, củng cố và kiện toàn tổ hòa giải cơ sở, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Để đáp ứng nhu cầu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh ngày càng nhiều, đa dạng, phức tạp, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND quận tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cơ sở, biên soạn và cấp phát tài liệu tuyên truyền, tài liệu nghiệp vụ để nâng cao trình độ, năng lực cho hòa giải viên.
UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị các phường thực hiện, quán triệt và chỉ đạo công chức tư pháp – hộ tịch phường tham mưu cho UBND phường yêu cầu các tổ hòa giải tiến hành rà soát, kiện toàn tổ hòa giải theo đúng quy định của Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tiếp tục đăng ký mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải cơ sở. Cán bộ và hòa giải viên tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ do quận và TP tổ chức.
Quan tâm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác hòa giải cơ sở tại đơn vị theo đúng quy định tại Luật Hòa giải cơ sở, Nghị định 15/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết sô 19/2014/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội và các văn bản khác có liên quan.
“Công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn quận thời gian qua đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả PBGDPL trên địa bàn quận. Từ đó, hình thành cho mỗi cá nhân ý thức thượng tôn pháp luật, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, gìn giữ các giá trị truyền thống và giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê nhà ngày càng văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc”, bà Nguyễn Thị Tâm Luyến chia sẻ.