Kỳ 3: Bát nháo hoạt động bán hàng rong, kinh doanh xe điện lấn chiếm vỉa hè

Ngoài lực lượng bán hàng rong, thực trạng hàng quán kinh doanh xe điện, xe scooter lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngang nhiên diễn ra gây nên tình trạng lộn xộn, bát nháo trên nhiều tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận dịp cuối tuần.

Muôn hình vạn trạng hàng rong “bủa vây” tuyến phố đi bộ

Xe điện trẻ em lấn chiếm vỉa hè phố Tràng Tiền. Ảnh: Mộc Miên

Xe điện trẻ em lấn chiếm vỉa hè phố Tràng Tiền. Ảnh: Mộc Miên

Dịch vụ thuê xe điện “độc quyền” kinh doanh trên phố

Dọc tuyến phố đi bộ Hàng Khay, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, dịch vụ cho thuê xe điện, xe scooter trẻ em tại đây gần như “độc quyền” kinh doanh. Dịch vụ xe điện lấn chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường ảnh hưởng đến việc tham quan, đi lại của người dân và khách du lịch trên tuyến phố. Một đoạn tuyến phố Hàng Khay và phố Hàng Bài với chiều dài khoảng 300m như dành riêng cho loại hình thuê xe điện này. Thậm chí, khuôn viên Vườn hoa Lý Thái Tổ bị các hộ kinh doanh trưng dụng diện tích làm chỗ cho hoạt động kinh doanh xe điện.

Theo ghi nhận, các loại xe điện, xe scooter có rất nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau, đáng chú ý là loại xe ba bánh hay gọi bằng xe “quái thai” bằng chất liệu sắt, thép được trẻ em và thanh thiếu niên điều khiển với tốc độ 30km/h. Nhiều gia đình dắt trẻ em đi bộ đều bày tỏ ái ngại trước món đồ chơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách tham quan phố đi bộ. Trong đó, dịch vụ này hút du khách nhí nhất là thời điểm buổi tối. Do không có một lựa chọn nào khác cho dịch vụ giải trí, nhiều gia đình vẫn phải chấp nhận thuê xe điện cho con cái vui chơi.

Một góc phố Đinh Tiên Hoàng – Lê Thạch các hộ kinh doanh xe điện trẻ em tràn xuống lòng phố đi bộ. Ảnh: Mộc Miên

Một góc phố Đinh Tiên Hoàng – Lê Thạch các hộ kinh doanh xe điện trẻ em tràn xuống lòng phố đi bộ. Ảnh: Mộc Miên

Qua khảo sát, trung bình, mỗi xe điện có giá thuê khoảng từ 50.000 đồng - 80.000 đồng tùy vào thời gian thuê. Trừ chi phí thuê địa điểm, nếu khách đông đúc cũng là con số không nhỏ.

Thời điểm phóng viên ghi nhận hiện trường tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, khi thấy xe tuần tra của lực lượng Công an phường Tràng Tiền, nhiều hộ kinh doanh vội vã di chuyển các loại xe điện vào phía các cửa hàng kinh doanh gần đó. Số lượng xe bị thu giữ về trụ sở UBND phường Tràng Tiền mỗi ngày một tăng, thậm chí án ngữ hết phần diện tích trước cổng của trụ sở công an phường Tràng Tiền. Tuy nhiên, số tiền xử phạt hiện chưa có tính răn đe, nhiều hộ kinh doanh vẫn bất chấp tái phạm.

Thông tin từ phía Công an phường Tràng Tiền, báo cáo kết quả quý I năm 2024 (từ ngày 15/12/2-23 đến 14/3/2024), xử phạt vi phạm hành chính 219 trường hợp, cụ thể xử lý 21 hộ kinh doanh lấn chiếm hè phố với tổng mức phạt 52,5 triệu đồng, xử lý 42 trường hợp hàng rong với mức phạt 6,3 triệu đồng,… Số hộ kinh doanh lấn chiếm hè phố tái phạm vẫn cao.

Số xe điện bị lực lượng chức năng thu giữ án ngữ trước trụ sở Công an phường Tràng Tiền. Ảnh: Mộc Miên

Số xe điện bị lực lượng chức năng thu giữ án ngữ trước trụ sở Công an phường Tràng Tiền. Ảnh: Mộc Miên

Ngăn chặn tư duy “ăn xổi, ở thì”

Triển khai từ 2014 đến nay, tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận đã trở thành “thương hiệu” thu hút người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô trong đổi mới, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới để mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế thì vẫn còn vấn nạn “chặt chém” khách du lịch đã vô hình làm xấu đi hình ảnh Thủ đô.

Thời gian qua, mạng xã hội liên tiếp xuất hiện video về vấn nạn người bán hàng rong bị “tố” chặt chém khách du lịch. Câu chuyện nêu cụ thể về trường hợp người bán bánh rán dạo ở hồ Hoàn Kiếm “hét giá” 3 chiếc bánh rán với giá 100.000 đồng cho du khách nước ngoài. Phản ứng về việc bán giá cao, du khách bày tỏ bức xúc và đòi trả lại thì người bán hàng tỏ thái độ miễn cưỡng chấp nhận bán với giá 50.000 đồng.

Sau khi nắm thông tin, Công an quận Hoàn Kiếm xác định được người bán hàng rong trong bài đăng là Đ.T.H (SN 1981, Kiến Xương, Thái Bình) và mời về trụ sở làm việc. Tại đây, bà H thừa nhận vụ việc xảy ra sáng 24/3 tại khu vực gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Người bán bánh rán dạo ở hồ Hoàn Kiếm “hét giá” 3 chiếc bánh rán với giá 100.000 đồng cho du khách nước ngoài bị xử lý vi phạm. Ảnh: Ảnh: Mộc Miên

Người bán bánh rán dạo ở hồ Hoàn Kiếm “hét giá” 3 chiếc bánh rán với giá 100.000 đồng cho du khách nước ngoài bị xử lý vi phạm. Ảnh: Ảnh: Mộc Miên

Nhận thức về hành vi vi phạm của mình, bà H cam kết không tái phạm. Công an quận Hoàn Kiếm đã lập hồ sơ xử lý bà H với hai lỗi: “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và vi phạm về trật tự đô thị”. Mức xử phạt là 200.000 đồng theo luật định.

Trước đó, ngày 20/3, mạng xã hội xuất hiện clip một người thanh niên “tố” một người bán hàng rong trên khu vực phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) “ăn vạ”, đòi nhóm bạn trẻ trả tiền kem dù họ không mua hàng.

Theo nội dung clip chia sẻ trên mạng, sự bức xúc lên đến đỉnh điểm khi một nam thanh niên nói: “Tụi con chưa hề mua hàng luôn, tụi con rất thích Hà Nội, cô làm vậy là ảnh hưởng tới Hà Nội, làm xấu mặt người Hà Nội”.

Trước sự phủ nhận mua hàng cùng với việc bạn trẻ cầm điện thoại quay camera ghi lại toàn bộ sự việc, người bán hàng rong mới chấp nhận bỏ đi và nói: “Cô nhầm”.

Sau quá trình xác minh, Công an phường Tràng Tiền mời người phụ nữ bán hàng rong tên N.T.Y (SN 1969, trú tại Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) lên trụ sở làm việc. Quá trình làm việc, bà Y đã thuật lại sự việc xảy ra vào tối 20h ngày 19/3, bà đẩy xe hàng rong bán hoa quả đến khu vực ngã tư Tràng Tiền – Hàng Bài. Thời điểm này có một nhóm thanh niên đến mua hàng với tổng tiền 80.000 đồng. Tuy nhiên, trong lúc khách hàng đang thanh toán thì xe lực lượng chức năng xử lý vi phạm trật tự đô thị đến. Bà Y hoảng sợ bỏ chạy. Sau đó quay lại địa điểm bán cũ thì thấy nhóm thanh niên trong clip chia sẻ trên mạng đang đi bộ trên phố Hàng Khay, bà nhầm tưởng là nhóm khách mua hàng trước đó nên đã đi theo và đòi tiền thanh toán.

Tại buổi làm việc, bà Y đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, cam kết không tái phạm. Xác định rõ các lỗi vi phạm, bà Y lập biên bản bị xử phạt hành chính về vi phạm về trật tự đô thị, mức xử phạt 150.000 đồng.

Trước vấn nạn bán hàng rong “bủa vây” các tuyến phố, dù kiên quyết xử lý vi phạm, ra quân quyết liệt song tình trạng bán hàng rong, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên phố đi bộ vẫn tái diễn khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân ứng xử văn minh, văn hóa nhưng thì rất cần chính quyền, công an, lực lượng chức năng phối hợp giáo dục, quản lý, tăng chế tài xử lý. Đây cũng là một nhiệm vụ trong triển khai Chỉ thị 30 ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, các cấp chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang thực hiện việc “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

(còn nữa)

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-bat-nhao-hoat-dong-ban-hang-rong-kinh-doanh-xe-dien-lan-chiem-via-he-383994.html