Kỳ 3: Có suất vào trường công nhưng cũng lắm băn khoăn
Đưa con vào các cơ sở mầm non tư thục, các cơ sở trông nhóm trẻ độc lập… có nhiều rủi ro nếu như các cơ sở được thành lập bởi các cá nhân không có bằng cấp chuyên môn, hoạt động không chính quy. Đành rằng, việc thiếu các trường mầm non công lập ngăn cản khá nhiều cơ hội của người lao động được gửi con vào hệ thống này. Tuy nhiên, cũng có một nghịch lý diễn ra, mặc dù có được suất vào công lập, nhưng chưa hẳn bậc phụ huynh đã thực sự mặn mà…
Để mầm non tư thục không còn là nỗi ám ảnh:
Lựa chọn các cơ sở tư là tình thế bắt buộc
Ngẩn người khi nghe phóng viên nói lại những câu chuyện về bảo mẫu bạo hành trẻ em tại các cơ sở tư thục, chị Nguyễn Thị Trang, công nhân khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long thở dài, tay ôm chặt cậu con trai mới 18 tháng tuổi.
Sau một hồi ngẩn ngơ, chị cho biết: Thực tế không phải các chị không có những lo ngại về nguy cơ trẻ bị bạo hành tại các cơ sở mầm non tư thục, các nhóm trông trẻ tự phát, không được kiểm soát về chất lượng. Tuy nhiên, đây là việc làm cực chẳng đã.
Theo số liệu thống kê, trên cả nước hiện có hơn 300 KCN và khu chế xuất tại 61/63 tỉnh, thành phố (TP). Đơn cử như tại TP Hà Nội hiện có 9 KCN và khu chế xuất đang hoạt động, thu hút hơn 160 nghìn lao động. Trong đó, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, có xấp xỉ 17 nghìn công nhân đến cư trú với hơn 2 nghìn trẻ dưới 36 tháng, gần 4 nghìn trẻ trong độ tuổi 4 - 5 tuổi.
Từng có thời điểm, người dân nơi đây đã viết đơn kiến nghị phản đối việc cho con công nhân trên địa bàn theo học tại trường mầm non công lập vì lúc đó toàn xã chỉ có một trường. Hiện nay, xã Kim Chung đã đầu tư, xây mới thêm một trường mầm non công lập và hai điểm trường lẻ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ vào trường công của công nhân lao động tại đây.
Về câu chuyện này, đại diện UBND huyện Đông Anh cho biết, hiện có trên 22,4 nghìn công nhân đang thuê trọ tại địa bàn.
Vị này cho rằng, trên địa bàn huyện có những KCN lớn nhưng không có thiết chế kèm theo, tất cả công nhân ngoại tỉnh sinh hoạt chung cùng người dân. Vấn đề nhà ở vốn có nhiều khó khăn, bất cập, không bảo đảm và trường học cũng tương tự.
Do đó, những năm vừa qua, chính quyền địa phương nhiều lần đề nghị TP quan tâm hỗ trợ xây thêm các điểm trường, trường học và huyện tập trung cao độ để xây trường cho các cháu, vị này cho biết địa phương vẫn đang tiếp tục giải phóng mặt bằng để xây trường, đáp ứng nhu cầu của con công nhân.
Được vào trường công cũng không lựa chọn gửi con
Câu chuyện thiếu trường công lập đã diễn ra nhiều năm nay không chỉ ở các KCN, khu chế xuất. Tình trạng đó cũng diễn ra tại nhiều quận trên địa bàn TP Hà Nội.
Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - 1 trong những phường có số dân đông nhất TP Hà Nội. Hơn 83.000 người dân, mỗi năm thêm khoảng 2.000 trẻ mầm non nhưng ở đây chỉ có 1 trường mầm non công lập duy nhất từ nhiều năm nay. Trường chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu gửi trẻ.
Chính vì vậy năm học 2022 - 2023, hàng trăm phụ huynh đã phải bốc thăm để con có suất vào trường nầm non Hoàng Liệt. Trường được phân bổ tổng 559 chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng thực tế đã nhận được 939 đơn xin nhập học. Ngoài tuyển đủ 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi để đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học, nhà trường chỉ có thể tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký của nhóm trẻ 3 - 4 tuổi. Như vậy, có 380 cháu không được vào trường.
Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cũng xác nhận, quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh lớn của Hà Nội.
Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học, THCS của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh/ nhóm, lớp. Đối với cấp mầm non, quận Hoàng Mai có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp, trong khi đó theo quy định tại Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT thì số lượng 1 nhóm lớp tùy theo độ tuổi được phép tối đa từ 12 - 35 trẻ.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngay tại cuộc họp về việc địa bàn nào “nóng” về thiếu trường học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, ngoài Hoàng Mai, các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng là địa bàn có sức “nóng” về số lượng học sinh.
Tuy nhiên, lại có một nghịch lý diễn ra khiến phụ huynh có trẻ ở độ tuổi mầm non “ưa chuộng” mầm non tư thục hơn. Bởi lẽ, để được gửi ở cơ sở mầm non công lập, trẻ cần phải đáp ứng quá nhiều tiêu chuẩn: Trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên; trường chỉ giữ trẻ trong giờ hành chính, không trông trẻ ngoài giờ, không trông trẻ vào ngày thứ 7.... Vậy nên, dù có giành được suất vào công lập, thực tế không phải gia đình nào cũng theo được thời gian học của trường công lập.
“Trường mầm non công lập cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi vì tôi cần một nơi trông trẻ có thời gian linh hoạt. Các trường công lập giờ gửi và đón con theo giờ hành chính nên công nhân gặp nhiều khó khăn khi họ thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ...” - chị Nguyễn Thị Trang, công nhân KCN Bắc Thăng Long nói.
Vậy nên, không ít người lao động phải lựa chọn gửi con ở các nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục hoặc chọn cách gửi con về quê nhờ ông bà nội - ngoại trông giúp. Có cung ắt có cầu, dĩ nhiên tại các địa bàn này, các trường mầm non tư thục, dân lập, các nhóm trẻ độc lập thi nhau mọc lên thiếu sự kiểm soát…
Theo số liệu thống kê, trên cả nước hiện có hơn 300 KCN và khu chế xuất tại 61/63 tỉnh, TP. Trong đó, có 17 tỉnh, TP tập trung hơn 50 nghìn công nhân lao động. Nhu cầu cao về lao động làm việc tại các KCN dẫn đến dân số gia tăng, từ đó kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi mầm non của công nhân lao động.
(Còn nữa)