Kỳ 3: Những chiếc bánh nghĩa tình
Cơn bão số 3 gây ra những hậu quả vô cùng nặng về cả người và của cho Nhân dân nhiều tỉnh thành phía Bắc. Với tinh thần 'lá lành đùm lá rách', 'thương người như thể thương thân', người dân Hà Nội đã cùng nhau có những việc làm thiết thực, ủng hộ, sẻ chia với những khó khăn mà đồng bào vùng bão lũ đang phải gánh chịu.
Ấm áp tình người Hà Nội:
Ai có gì góp nấy, vì đồng bào vùng bão lũ
Sau khi nhận được lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc huyện Đan Phượng, Ban trị sự Phật giáo huyện Đan Phượng, hàng chục người dân và phật tử của Hội Phật giáo huyện Đan Phượng nhanh chóng tập trung tại chùa Già Lê, xã Hồng Hà để gói bánh chưng ủng hộ đồng bào vùng bão lũ. Nhà có thịt góp thịt, nhà có đỗ góp đỗ, nhà có lá góp lá, gạo được chùa Già Lê đóng góp,… Người thái thịt, người rửa lá, người đãi gạo,… Ai cũng hối hả, chạy đua với thời gian để những chiếc bánh nóng hổi, thơm ngon được ra đời sớm nhất, gửi tặng bà con vùng lũ.
Thầy Thích Thái Minh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Đan Phượng cho biết, tối 11/9, 1.000 chiếc bánh đã được gói xong. Ngoài việc đóng góp làm bánh chưng, người dân huyện Đan Phượng cũng góp thêm các nhu yếu phẩm khác như nước uống, bánh, mì tôm, gạo... để ủng hộ, thăm hỏi các chốt trực lũ trên địa bàn TP và gửi đến bà con vùng bão lũ.
Tại xã La Phù (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), những ngày sau khi bão số 3 đổ bộ, trời vẫn mưa nặng hạt nhưng rất nhiều người dân, gồm cả người lớn tuổi, các em học sinh,… đã tập trung thổi xôi, gói ghém các loại thực phẩm để nhanh chóng gửi tặng người dân các tỉnh miền núi phía Bắc như: Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai… Nguyên liệu 5 tạ gạo, 2 tạ đỗ,… phần lớn đều do người dân La Phù đóng góp. Họ chế biến cẩn thận, hút chân không để những gói xôi đến với bà con đảm bảo an toàn thực phẩm. Những thực phẩm khô như bánh mì, nước đóng chai, cháo ăn liền cũng được người dân nơi đây đóng góp, sẻ chia với vùng lũ. Những món quà này được mang tới các địa phương bởi những chuyến xe 0 đồng. Người dân La Phù hy vọng, tấm lòng của mình sẽ phần nào chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân, giúp họ có thêm động lực sớm vượt qua nghịch cảnh, ổn định cuộc sống
“Không đi bây giờ thì bao giờ đi? Nhiều người khổ lắm!”
8h sáng 11/9, 3 xe ô tô xuất phát từ chùa Đình Quán (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đi Thái Nguyên đem theo 1.600 chiếc bánh chưng, 600 bánh tẻ, gần 400 bánh mì, hơn 1.000 chai nước, hơn 1.000 hộp sữa, đèn pin, sạc dự phòng, men tiêu hóa, thuốc berberin, áo phao… đến xóm Cậy, xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên. Những ngày cơn bão đi qua, 360 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu ở đây sống trong cảnh nước lũ vây quanh, không nước sạch, không điện, thiếu thốn đủ thứ.
“Nhìn những chiếc bánh còn nóng được mọi người đón nhận, có người bóc ăn ngon lành tại chỗ mà khóe mắt tôi cay cay. Phải công nhận đi cứu trợ thời điểm này đem theo bánh chưng, bánh mì, nước uống, sữa và đèn pin là thiết thực nhất”, anh Nguyễn Hùng Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) - thành viên chuyến thiện nguyện của chùa Đình Quán chia sẻ.
Được biết, vợ anh Sơn mới ốm dậy nhưng chính chị là người đề nghị chồng tham gia cùng mình chuyến thiện nguyện này. Lo sợ sức khỏe của vợ, cũng như kêu gọi quá gấp, sẽ khó hoàn thành hàng nghìn chiếc bánh trong 1 ngày nhưng bà xã anh Sơn vẫn kiên quyết: “Kệ, em quyết rồi. Không đi bây giờ thì bao giờ đi? Nhiều người khổ lắm… Em vừa lên facebook cũng xin được mấy chục triệu rồi, nếu thiếu bao nhiêu em sẽ bù”. Anh Sơn cho biết thêm, anh cảm thấy xúc động trước tấm lòng của người dân Hà Nội dành cho đồng bào vùng lũ. Hàng trăm người có mặt từ sớm để gói bánh, trong đó có những cháu sinh viên đạp xe 4-5 cây số, thức xuyên đêm gói, luộc bánh, với mong muốn được sẻ chia với bà con vùng lũ sớm nhất.
Sau ngày 11/9, chùa Đình Quán vẫn tổ chức gói thêm hàng nghìn chiếc bánh tiếp theo ủng hộ các tỉnh. Bà Nguyễn Thị Long Vân, một phật tử sinh hoạt tại chùa Đình Quán chia sẻ: “Tôi tham gia gói bánh nhiều ngày liên tiếp. Ngày nào chùa có cũng có rất đông người tới cùng gói bánh, số lượng ngày càng tăng thêm, từ 1.600 đến 2.000 và nhiều hơn nữa. Hoạt động gói bánh diễn ra suốt ngày đêm và nhận được sự ủng hộ của rất đông mọi người, có cả các tình nguyện viên và sinh viên. Nhìn thấy cảnh đồng bào phải chịu sự tàn phá của bão lũ, sạt lở đất, tôi và nhiều người cảm thấy xót xa lắm! Vậy nên chúng tôi cùng nhau dành chút thời gian, công sức gói những chiếc bánh này với mong muốn chia sẻ phần nào cho bà con mình".
Nhận thấy bánh chưng là bữa ăn tiện dụng cho bà con vùng bão lũ vì họ bị mất điện, không thể nấu nướng, Hội Phụ nữ Thủ đô đã phát động hội viện tham gia gói bánh chưng ủng hộ đồng bào. Sau 1 ngày phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cầu Giấy đã nhận được 3.700 bánh chưng, sau đó, vận chuyển tới các địa điểm cứu trợ tại các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang và huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên vừa nấu cơm cứu trợ bà con vùng lũ, vừa gói 1.500 chiếc bánh chưng hỗ trợ người dân bị ngập lụt ở xã Sơn Hà, Phú Minh.
Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, các cán bộ, giảng viên, người lao động cùng sinh viên nhà trường đã cùng nhau chuẩn bị gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt lợn,... để gói gần 800 chiếc bánh chưng cứu trợ bà con ở Yên Bái, Lạng Sơn. Dù công đoạn để làm ra những chiếc bánh chưng với những người “không chuyên” không hề đơn giản, lại mất nhiều thời gian nhưng trên khuôn mặt mỗi thầy trò đều ánh lên niềm vui khi được chung tay tạo nên những chiếc bánh nghĩa tình, ấm bụng bà con vùng lũ. Bên cạnh đó, trường cũng ủng hộ 100 triệu đồng cho đồng bào bị thiên tai do Bộ GD&ĐT phát động.
Ngoài ra, tại Hà Nội, rất nhiều tổ nhóm cũng đã triển khai nấu cơm, gói bánh chưng giúp đỡ bà con huyện Quốc Oai; hỗ trợ địa điểm ăn ở, điểm trông giữ xe, hỗ trợ phương tiện di chuyển, lập nhóm hỗ trợ mua nhu yếu phẩm thiết yếu ở Chương Mỹ; thành lập lực lượng hỗ trợ người dân di dời và ăn uống đầy đủ tại nơi tạm cư ở huyện Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ,… Nhiều nhóm thiện nguyện cũng kêu gọi áo phao, quần áo, nhu yếu phẩm, thuốc men, tiền… gửi tận tay người dân các tỉnh.
Những đĩa xôi, những chiếc bánh chưng thường xuất hiện vào ngày lễ, Tết hay những dịp quan trọng của mỗi gia đình, giờ đây đã trở thành món quà thắm thiết nghĩa tình của người dân Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước hướng về đồng bào vùng bão lũ. Càng trong khó khăn, nguy nan, chúng ta càng thấm đẫm nghĩa tình đồng bào dành cho nhau. Đó cũng là chân lý không bao giờ thay đổi, rằng: người dân Việt Nam luôn một lòng đoàn kết, mở rộng trái tim và vòng tay yêu thương giúp đỡ dân tộc mình.
(Còn nữa…)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-nhung-chiec-banh-nghia-tinh-395490.html