Kỳ 4: Góp sức xây dựng nếp sống văn hóa, thượng tôn pháp luật
Với tinh thần trách nhiệm cùng tấm lòng cống hiến vì cộng đồng, hễ có tranh chấp, bất đồng, mâu thuẫn… trong xóm làng, khu phố thì bất kể ngày đêm, chẳng quản ngại mưa nắng đều có sự xuất hiện của hòa giải viên cơ sở, những người nguyện 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng', lo chuyện 'bao đồng' để giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó trong nội bộ Nhân dân…
Chuyện những người “vác tù và hàng tổng”:
Người gắn kết những hạnh phúc gia đình
Vốn có kiến thức về pháp luật lại đam mê công tác hòa giải, bà Thạch Thị Sự, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc ở cơ sở, góp phần hóa giải mâu thuẫn, giúp cho tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Sau hơn 20 năm công tác tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng, đến lúc nghỉ hưu bà Sự cũng chẳng để mình nhàn rỗi, thảnh thơi. Bà vẫn tất bật lo cho con cháu, vẫn cứ tư vấn cho bà con xóm giềng cách phòng, chống bệnh và chữa trị bệnh. Công tác ở một viện lớn, va chạm với xã hội, bao nhiêu năm trải nghiệm đủ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống, hơn ai hết bà thấu hiểu cuộc sống nhân tình thế thái…
Bà Sự chia sẻ, công việc hòa giải viên yêu cầu người ta phải thật khéo léo, phải thật linh động và kiên trì. Bà con nhớ như in trường hợp có cặp vợ chồng trong thôn đệ đơn ly hôn, tổ hòa giải cùng với các tổ, ngành khác cũng đến gặp gỡ, nhằm hàn gắn nhưng không thành. Bởi người chồng dăm lần bảy lượt đều trốn tránh, bất hợp tác.
Biết chuyện này sử dụng sức mạnh tập thể không xong, bà Sự nghĩ, tự mình phải “hành động”. Và thế là bà tìm hiểu “đường đi lối lại” của anh chồng rồi lên kế hoạch “phục kích”. Sau 3 ngày “phục kích” ở đường liên thôn gần bãi tha ma, bà đã gặp được anh này. “Lúc này không thể dùng tư cách làm hòa giải viên, mà phải dùng tư cách của người thân, họ hàng để mà tâm tình, khuyên bảo. Ừ thì cũng bởi mình đã cao tuổi, những điều gì mình nói, mình khuyên cũng là những lý lẽ, đạo lý ở đời nên có lẽ cánh trẻ cũng dễ tiếp thu, dễ nhìn nhận”, bà Sự kể lại.
Với bà, trong cuộc sống vợ chồng, cả hai phải nhìn về một phía, cơm sôi thì bớt lửa, chín bỏ làm mười… mỗi người nhường nhau một chút thì cuộc sống mới ấm êm được. Sau khi nghe bà Sự thủ thỉ, tâm sự, anh chồng cũng có thay đổi. “Một thời gian sau, khi gặp cô vợ, tôi biết tình trạng đã được cải thiện rất nhiều. Và rồi, từ căn nhà cấp 4, giờ vợ chồng họ đã xây được căn nhà tầng khang trang, có của ăn, của để. Cuộc sống gia đình, vợ chồng con cái hạnh phúc, sum vầy bên nhau”.
Cuộc sống mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có những câu chuyện sẽ rất khó nếu người làm hòa giải không đủ kiên nhẫn. Bà Sự kể có cặp vợ chồng đã trên dưới 60 tuổi, vợ bệnh nan y nhưng chồng thì suốt ngày rượu chè, viện cớ chửi bới, đánh đập. Cứ phân tích, cứ lý lẽ… lần một hòa giải không thành thì tiếp tục lần hai và cứ kiên trì. Cuộc sống gia đình không phải chỉ sống vì nhau, mà phải sống vì cả gia đình, con cái, có thấu hiểu điều đó thì suy nghĩ mới xuôi được… Cuối cùng, nhờ bà mà người chồng đã nhận ra và thay đổi tâm tính.
Không chỉ trong những câu chuyện hôn nhân gia đình, mà còn rất nhiều câu chuyện tranh chấp giữa hàng xóm, anh em họ hàng trong thôn khiến tổ hòa giải vất vả. Lúc này, ngoài chuyện phân tích đúng sai, còn phải thể hiện sự công bằng giữa hai bên. Có những cuộc tranh chấp mà họ đâm đơn lên huyện, lên thành phố. Đôi khi chỉ vì 50-60cm đất cũng khiến hàng xóm, anh chị em trong gia đình sẵn sàng đưa nhau ra tòa. Đấy là mảng khó khăn nhất trong câu chuyện hòa giải mà bà Sự từng trải qua.
Hai người con đều khôn lớn và trưởng thành, cháu chắt ngoan ngoãn, giỏi giang là điều khiến bà Sự hạnh phúc hơn cả. Công tác xã hội là để chia sẻ, giúp đỡ hàng xóm láng giềng với nhau, góp phần tạo nên một môi trường sống văn minh, thượng tôn pháp luật. Chẳng phải để lưu danh, càng không phải để mọi người nhớ đến. Với những đóng góp của mình cho thôn xóm, nhiều lần được xã đề xuất lên huyện để khen thưởng, bà Sự vẫn ngượng ngiụ, bởi với bà có làm bao nhiêu thì vẫn là chưa đủ tốt!
Những người góp sức xây dựng nếp sống văn hóa
Ai cũng nói ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ấy thế nhưng với hòa giải viên Ngô Phúc Hậu, Tổ trưởng tổ hòa giải số 6, thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì thì mỗi câu chuyện mà ông đã gặp, mỗi hoàn cảnh ông đã góp tay vun đắp mãi đọng lại trong ông những ký ức ý nghĩa, vui vẻ.
Ông Hậu còn nhớ lần hòa giải cho một cặp vợ chồng hiếm muộn ở trong thôn. Yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng nhưng nhiều năm trôi qua, căn nhà nhỏ ấy vẫn vắng tiếng khóc, cười, nô đùa của trẻ thơ. Niềm tin theo đó mà cũng bắt đầu vơi bớt dần đi, tình yêu không đủ lớn để vượt lên thử thách của cuộc đời. Và hai vợ chồng tính đến chuyện ly hôn.
Biết chuyện, ông Hậu cùng tổ hòa giải đã tìm cách hàn gắn. Trong mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện tâm tình, ông lại vờ như vô tình khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp của đôi bên. Rồi ông kể về những cặp vợ chồng này, những gia đình kia cũng hiếm muộn 5 năm, 10 năm nhưng vẫn yêu thương nhau và cùng nhau bền bỉ chạy chữa và đã có quả ngọt… Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, ngọn lửa tình yêu tưởng như đã lụi tàn nhờ sự kiên trì động viên, thuyết phục của các hòa giải viên đã dần được nhen nhóm lại.
“Đến nay thì hai vợ chồng đã có với nhau hai mặt con. Tình cảm vợ chồng trải qua được quãng thời gian khó khăn càng thêm khăng khít, sâu nặng. Cô chú ấy cũng đã cùng nhau gom góm để xây dựng một ngôi nhà khang trang…”, ông Hậu phấn khởi kể lại.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chỉ, năm nay đã gần 70 tuổi và đã có gần 10 năm làm Trưởng thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì và cũng ngần ấy năm ông gắn bó với công tác hòa giải cơ sở. Ông Chỉ chia sẻ, thôn An Nam có gần 800 nhân khẩu, đời sống người dân nơi đây chủ yếu là làm nông nghiệp, chăn nuôi, việc va chạm giữa người này, người kia, giữa các gia đình, dòng họ, bà còn lối xóm là điều không thể tránh khỏi và có lẽ ở địa phương nào cũng thế.
Chính vì vậy, công tác hòa giải cơ sở vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giúp gắn kết tình cảm của mọi người, cùng nhau xây dựng xóm làng, khu phố ngày càng phát triển trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Và để làm được điều đó, cán bộ địa phương nhất là cán bộ thôn, hòa giải viên là những người gần dân nhất cần phải cố gắng giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Bản thân ông Chỉ là người luôn nỗ lực trong công tác hòa giải.
Gần 18 năm gắn với “nghề” hòa giải, bà Nguyễn Thị Bầu, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 15 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy như con thoi chăm chỉ ngày ngày se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Dù nhiều người nói bà hay “lo chuyện bao đồng” nhưng với bà đó là việc làm ý nghĩa cho đời, cho người.
Mỗi câu chuyện được hòa giải thành thì không chỉ riêng bà mà tất cả những người làm công tác hòa giải đều là niềm vui, niềm hạnh phúc. Và hơn thế nữa là được góp sức cùng chính quyền xây dựng nếp sống văn hóa trong khu dân cư, mang lại bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà.
(Còn nữa)