Kỳ 5: Giành quyền kiểm soát Iran - thành viên then chốt của OPEC
Trong quá trình giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ trên khắp thế giới, Mỹ xác định Iran là một trong những mục tiêu trọng điểm bởi Iran là một trong những quốc gia đầu tiên đứng ra thành lập Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào năm 1960 cùng các nước Iraq, Kuwait, Arab Saudi và Venezuela. Do không chịu khuất phục trước sức ép cấm vận của Mỹ, Iran bị Washington xếp vào danh mục 'các quốc gia bất trị', thậm chí là 'quốc gia tài trợ khủng bố' hoặc 'trục tội ác'.
Chính sách của Mỹ giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của Iran có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử. Trước năm 1951, hệ thống chính trị của Iran theo thể chế quân chủ với quốc vương cuối cùng trị vì từ năm 1941 là Mohammed Reza Pahlavi. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chịu ảnh hưởng của phong trào xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, đứng đầu là Liên Xô - quốc gia đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, ngày 28-4-1951, Iran tiến hành cải cách thể chế. Nhân vật có tư tưởng dân chủ là Mohammad Mosaddegh được bổ nhiệm làm thủ tướng với 79 phiếu thuận và 12 phiếu chống trong Quốc hội. Trước đó, ngày 15-3-1951, Mohammad Mosaddegh đề xuất sáng kiến cải cách kinh tế thông qua Luật quốc hữu hóa các mỏ dầu của Iran đang do các công ty dầu mỏ của Anh và Mỹ kiểm soát. Sáng kiến của Mohammad Mosaddegh nhận được sự ủng hộ của người dân và đa số thành viên Quốc hội Iran.
Từ đó, xung đột giữa Iran với Vương quốc Anh và Mỹ bùng nổ. Thủ tướng Mohammad Mossadegh quyết định trục xuất tất cả các chuyên gia và cố vấn của Mỹ và Anh ra khỏi Iran. Tháng 10-1952, Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vương quốc Anh. Đáp trả, Mỹ và Anh tuyên bố tẩy chay hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran và bắt đầu chuẩn bị kế hoạch đảo chính để lật đổ Mohammad Mosaddegh. Trong cuộc đảo chính ngày 19-8-1953 do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Tình báo Anh (MI-5) đứng sau tổ chức, Mohammad Mossadegh buộc phải lánh nạn tới Iraq. Lên cầm quyền thay Mohammad Mossadegh, Tướng Fazlollah Zahedi quyết định nhượng quyền khai thác dầu mỏ cho Mỹ và Vương quốc Anh. Từ đó, toàn quyền trị vì Iran thuộc về Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi.
Trong những năm cầm quyền của Mohammed Reza Pahlavi, Iran ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, trong đó khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày một lớn, nạn tham nhũng tràn lan, cơ cấu kinh tế và hệ thống chính trị rơi vào trạng thái trì trệ và gây nên sự bất mãn đến cùng cực của người dân. Trước tình trạng đó, người đứng đầu lực lượng đối lập cấp tiến là Giáo chủ Ayatollah Khomeini theo dòng Hồi giáo Shiite chủ trương xóa bỏ thể chế quân chủ ở Iran. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cuộc Cách mạng Hồi giáo vào năm 1979, lật đổ chính thể của Quốc vương Mohammed Reza Pahla, buộc ông ta phải chạy trốn khỏi đất nước. Người biểu tình ở Thủ đô Teheran ủng hộ Giáo chủ Ayatollah Khomeini xông vào chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ, bắt giữ 52 nhân viên. Cuộc Cách mạng Hồi giáonăm 1979 khai sinh nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và được các nước Hồi giáo gọi là “cuộc cách mạng vĩ đại thứ ba trong lịch sử”, sau Cách mạng tư sản Pháp và Cách mạng Tháng Mười Nga. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Mỹ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Teheran yêu cầu Washington dẫn độ cựu Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi đang ẩn náu ở Mỹ về Iran để xét xử và buộc phải trả lại số của cải mà ông ta chiếm đoạt, tẩu tán sang Mỹ và các nước phương Tây. Trong khi đó, Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đầu tiên đối với Iran. Theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ngày 14-11-1979, Washington cấm vận dầu mỏ Iran và đóng băng tài khoản của Iran tại các ngân hàng Mỹ và các chi nhánh nước ngoài, đồng thời cấm bán phụ tùng thiết bị quân sự cho Iran.
Năm 1984, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung đối với Teheran và đưa Iran vào danh sách “các quốc gia bảo trợ khủng bố”. Năm 1995, Tổng thống Bill Clinton ra lệnh cấm công ty của Mỹ Conoco hợp tác với Công ty dầu mỏ quốc gia Iran thăm dò 2 mỏ dầu ngoài khơi Iran, cấm các công ty Mỹ mua dầu của Iran để xuất sang các nước thứ ba, cấm các công ty nước ngoài hợp tác với Iran trong lĩnh vực sản xuất dầu khí. Năm 2006, Tổng thống George W. Bush ký ban hành Đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng, công ty và cá nhân của Iran có liên quan đến ngành công nghiệp vũ khí và hạt nhân của Iran.
Các lệnh cấm vận của Mỹ chống Iran còn liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran mà Washington cho rằng Teheran muốn phát triển vũ khí hạt nhân, còn Teheran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình. Để khẳng định chủ trương này, từ năm 2006, Teheran tham gia các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran với Nhóm P5+1 - nhóm 6 quốc gia trung gian hòa giải gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama vừa đắc cử tuyên bố “cài đặt lại” quan hệ với Iran. Theo đó, Mỹ giảm bớt các biện pháp cấm vận Iran, đồng thời khuyến khích Teheran cải cách theo hướng “dân chủ hóa” hệ thống chính trị cùng với phong trào chính trị mang tên “Mùa xuân Arab” được Washington kích động và cổ súy để dựng lên ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông các chính thể thân Mỹ. Từ đó, các công ty của Mỹ được phép xuất khẩu nông sản, dược phẩm sang Iran và nhập lương thực, thực phẩm của quốc gia này. Năm 2013, Mỹ cho phép các hiệp hội cứu trợ thiên tai, động vật hoang dã, nhân quyền và thể thao phi lợi nhuận hoạt động ở Iran.
Năm 2015, Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân sau hơn 1 thập niên đàm phán và ký kết Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy cam kết của Teheran hạn chế các hoạt động hạt nhân và đặt nó dưới sự kiểm soát quốc tế. Năm 2016, Iran xác nhận việc thực hiện các nghĩa vụ theo JCPOA và đặt các hoạt động hạt nhân của mình dưới sự kiểm soát của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Cũng từ năm 2016, các giao dịch bằng USD giữa Iran và các tổ chức ngân hàng nước ngoài đã được phép với điều kiện không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đình chỉ các hạn chế đối với những tổ chức nước ngoài thực hiện các giao dịch liên quan đến xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Iran, buôn bán vàng và kim loại quý ở Iran, đồng thời cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp ô tô của Iran. Các tập đoàn Boeing và General Electric của Mỹ được phép cung cấp phụ tùng thay thế và sửa chữa động cơ máy bay của Iran. Đổi lại, Iran đồng ý hạn chế mức độ làm giàu urani dưới ngưỡng có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Căng thẳng trong quan hệ 2 nước từ đó có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Tuy nhiên, sau khi đắc cử vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump xóa bỏ hoàn toàn di sản ngoại giao của người tiền nhiệm Barack Obama, liên tục cáo buộc Teheran “tài trợ khủng bố”, chỉ trích gay gắt Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran và tiếp tục siết chặt chế độ cấm vận đối với Iran. Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran và ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp cấm vận Iran theo 2 giai đoạn. Từ ngày 7-8-2018, Mỹ ngừng giao dịch USD với Iran, cấm mua vàng và các kim loại có giá trị khác từ Teheran, cấm mua trái phiếu của Iran, cấm giao dịch với ngành công nghiệp ô tô, sản xuất nhôm, than chì, than, thép và sản xuất các chương trình máy tính cho các doanh nghiệp công nghiệp của Iran. Giai đoạn 2 từ tháng 11-2018, khôi phục các biện pháp cấm vận liên quan đến xuất khẩu dầu và lĩnh vực năng lượng, vận chuyển và đóng tàu, cũng như hoạt động của các tổ chức tài chính thực hiện hoạt động với Ngân hàng Trung ương Iran. Đồng thời, Mỹ bổ sung Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức “bảo trợ khủng bố”. Ngày 3-1-2020, Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công sát hại Tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh Bộ chỉ huy Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - khi ông đang trên đường công tác tại Sân bay Baghdad của Iraq. Đáp trả, Iran tuyên bố phát lệnh truy nã Tổng thống Donald Trump cùng 35 người Mỹ mà họ cáo buộc liên quan đến vụ không kích hạ sát Tướng Qassem Soleimani.
Phản ứng trước các quyết định và hành động gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố: “bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, Mỹ muốn làm tê liệt và ngăn chặn sự phát triển của Iran. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó đã buộc Iran phải chuyển sang chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào Iran vì đi ngược lại các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phía Nga lưu ý rằng, JCPOA là giải pháp hòa bình đã thể hiện có hiệu quả và cộng đồng quốc tế không nên để một thành tựu ngoại giao quan trọng như vậy sụp đổ theo ý thích bất chợt của một quốc gia công khai vi phạm các quy tắc của luật pháp quốc tế. Liên minh châu Âu, Anh, Pháp và Đức phản đối các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran, khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ các công ty của họ, đồng thời cam kết nỗ lực duy trì và duy trì hợp tác với Iran, cũng như tiếp tục nhập khẩu dầu khí của Iran. Trong bối cảnh Mỹ áp đặt các biện pháp phong tỏa 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Moscow ở các ngân hàng Mỹ và phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina, Arab Saudi - đồng minh then chốt của Mỹ trong OPEC lo ngại mình cũng có thể chịu số phận tương tự một khi không nghe theo Washington - đã quyết định thông qua vai trò trung gian của Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Iran - quốc gia mà trong nhiều thập niên Ryad coi là “kẻ thù không đội trời chung”. Ngoài ra, Iran cùng 20 quốc gia khác quyết định xin gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) - 2 tổ chức do Nga và Trung Quốc đồng sáng lập. Chiến dịch cấm vận Iran của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ không những không khuất phục được Iran, mà còn tạo ra những chuyển dịch địa - chính trị bất lợi cho Washington.