Kỳ 5: 'Tốc chiến, tốc thắng' cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng

Tinh thần 'Thần tốc, thần tốc hơn nữa… Quyết chiến và toàn thắng' mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi gắm trong bức điện khẩn ngày 7/4/1975 đã được lan tỏa trọn vẹn khắp chiến trường. Tất cả cùng một khí thế 'tốc chiến, tốc thắng', quyết tâm hoàn thành trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi thời cơ đã chín muồi…

Sau bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta trên chiến trường ra sức tạo thế, tạo lực. Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công Xuân Lộc - tuyến phòng thủ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn từ phía đông của quân đội Sài Gòn. Ngày 16/4, quân ta đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, ngày 18/4/1975, giải phóng thị xã Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận. Đại sứ Mỹ Martin mật báo tình hình tuyệt vọng về Washington: “Các đơn vị đối phương đang hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng chính phủ (ngụy quyền Sài Gòn) rất nhiều…”

Ngày 21/4/1975, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy. Địch bị tổn thất nặng nề về lực lượng và phương tiện, tinh thần hoang mang. Mỹ lập cầu hàng không viện trợ khẩn cấp cho chính quyền, quân đội Sài Gòn nhằm cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn, hy vọng tìm kiếm một giải pháp qua đàm phán.

 Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh (tháng 4/1975). Ảnh tư liệu: TTXVN

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh (tháng 4/1975). Ảnh tư liệu: TTXVN

Nắm bắt ngay thời cơ, ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị họp bàn, phát lệnh: “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”.

5 cánh quân bao vây Sài Gòn

Theo nhiều tài liệu, sau những thắng lợi từ hai đòn tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, với khí thế và quyết tâm rất cao, ta đã tập trung được lực lượng ưu thế hơn hẳn địch cả về số lượng và chất lượng, bằng cách nhanh chóng cơ động hầu hết lực lượng chủ lực từ miền Bắc, miền Trung vào địa bàn chiến dịch, tổ chức thành công nhiều binh đoàn chiến lược hành quân thần tốc đường dài, vừa đi, vừa chuẩn bị chiến đấu, vừa liên tục chiến đấu. Đơn cử như cánh quân hướng Đông Nam - cánh quân Duyên hải, do Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2) đảm nhiệm.

Theo hồi ức của Thượng tướng Trần Quang Phương, sau 18 ngày đêm (từ ngày 7 đến 24/4/1975) liên tục vừa hành quân vừa chiến đấu từ Đà Nẵng đến Bắc Sài Gòn, với sức mạnh tiến công như “thác đổ, triều dâng” và tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Quân đoàn đã vào vị trí tập kết chiến dịch đúng thời gian, giữ được bí mật nhiệm vụ và đủ sức bước vào chiến đấu ngay khi có lệnh. Quá trình hành quân trong hành tiến, Quân đoàn vượt qua chặng đường dài gần 1.000km, xuyên qua địa bàn 3 quân khu của địch gồm 11 tỉnh, 18 thị xã, thị trấn thuộc miền Trung và miền Nam Trung Bộ…

Từ tinh thần “tốc chiến, tốc thắng” ấy, tính đến ngày 25/4/1975, ta đã tập trung cho chiến dịch được khoảng 270.000 quân (chủ lực 250.000 quân) với 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh, tổ chức thành 4 quân đoàn và Đoàn 232 (tương đương 1 quân đoàn), một số trung đoàn, lữ đoàn độc lập. Binh khí kỹ thuật cũng được ta tập trung khối lượng rất lớn với hơn 1.000 khẩu pháo các loại, 1 đại đội máy bay A-37; 320 xe tăng, thiết giáp, huy động được hơn 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải và một khối lượng vật chất lên tới gần 60.000 tấn, trong đó có 15.000 tấn đạn (190.000 viên đạn pháo lớn)...

Để chuẩn bị cho những trận đánh cuối cùng, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1975, Đoàn vận tải Trường Sơn vận chuyển vào Nam Bộ 115.000 quân và 90.000 tấn hàng (trong đó có 37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu). Riêng trong những ngày “chuẩn bị nước rút” từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 4, vừa khai thác vừa vận chuyển, ta đã đưa vào chiến trường 10.100 tấn đạn, 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, 2.600 tấn xăng dầu... lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với tổng số 10.000 giường, phục vụ bộ đội tiến công Sài Gòn - Gia Định….

Nhờ vậy, như nhìn nhận của Trung tướng, Tiến sĩ Đào Tuấn Anh, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng: “Về ta, trong chiến dịch, ta đã tập trung khối chủ lực với một ưu thế áp đảo quân địch. Lực lượng tương đương với 5 quân đoàn. Đặc biệt là tinh thần chiến đấu của bộ đội và quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam của bộ đội ta rất cao. Các lực lượng tham gia chiến dịch cũng đã bố trí tạo lập được thế trận vững chắc, mạnh, hiểm hóc cài thế bao vây, chia cắt và cô lập hoàn toàn quân địch ở Sài Gòn với lực lượng địch ở bên ngoài”.

Trước đó, Bộ Tổng Tư lệnh xác định cách đánh của Chiến dịch Hồ Chí Minh là tiêu diệt, ngăn chặn và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn phòng ngự vòng ngoài, mở đường cho các binh đoàn đột kích thọc sâu, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu, kết hợp tiến công và nổi dậy, kết hợp đánh bên trong và đánh bên ngoài. Hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là hướng Bắc và Tây Bắc, trong đó, hướng Tây Bắc là chủ yếu nhất; hướng Đông và Tây Nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng. Các mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm gồm Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Dinh Độc Lập; trong đó, Dinh Độc Lập là hợp điểm chiến dịch.

Những ngày trung tuần tháng 4/1975, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cơ động lực lượng của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành, các binh đoàn chủ lực mạnh hình thành thế bao vây Sài Gòn trên 5 hướng, chuẩn bị sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3; hướng Bắc - Quân đoàn 1; hướng Đông Nam - Quân đoàn 2; hướng Đông - Quân đoàn 4; hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8).

Duyệt lại lần cuối kế hoạch tấn công

Cũng trong ngày 22/4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch duyệt lại lần cuối kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong cuốn “Đại thắng mùa Xuân” (NXB Quân đội nhân dân, xuất bản lần đầu tháng 7/1976), Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Tại buổi duyệt này, Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được trải trên bàn mang những nét vẽ đỏ tươi chỉ 5 hướng tấn công của các binh đoàn vào Sài Gòn - Gia Định, giống “như 5 bông sen nở tung ra từ năm mục tiêu tấn công chủ yếu… Dinh Độc lập trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn”.

Đêm 24/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch hành quân đến Căm Xe, ở phía Tây và Bắc Bến Cát, xây dựng Sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch.

Ngày 26/4 đơn vị cuối cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đã vào đến vị trí tập kết, sẵn sàng chờ lệnh tiến công vào Sài Gòn.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-5-toc-chien-toc-thang-cho-tran-quyet-chien-chien-luoc-cuoi-cung-post340239.html