Kỳ bí cụm đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên

Kỳ 3: Đền Thượng - điểm đến gần với Quốc Mẫu Tây Thiên

(Tiếp theo và hết)

Nằm trên núi Thạch Bàn của dãy núi Tam Đảo, trong quần thể Khu di tích danh thắng Tây Thiên - đền Thượng được coi là “nơi ở” của Quốc Mẫu Tây Thiên trước khi bay về trời, cũng là nơi thờ chính của bà với thần hiệu “Tam Đảo sơn Trụ Quốc Mẫu”. Để đến được ngôi đền cuối cùng của cung đường “gặp Mẫu”, không ít người đã từng phải bỏ mạng vì thử thách “rừng thiêng, nước độc”.

Ngôi đền Thượng trên đỉnh Tây Thiên thờ Quốc Mẫu uy linh và huyền bí

Ngôi đền Thượng trên đỉnh Tây Thiên thờ Quốc Mẫu uy linh và huyền bí

Chuyện xưa kể lại, Quốc Mẫu Tây Thiên là vị tiên nữ tu tiên, nên bà chọn nơi đất Phật Tây Thiên - cái nôi của Phật giáo để tu hành. Đây cũng là dãy núi thanh long bạch hổ hai bên thành một cỗ non rồng, cũng là huyệt đất linh địa. Khi còn ở trần gian, Mẫu đã từng dạy dân trồng lúa, giữ lửa, lập kho lương, đánh giặc. Khi hết hạn dưới trần phải về trời, Mẫu đã từ Tây Thiên xuống đền Mẫu Hóa mộc dục (tắm gội) rồi bay trời.

Từ thời Vua Đinh, Lê đã ghi nhận công lao của Quốc Mẫu với đất nước, giang sơn, nhà Vua đã truyền lệnh lập đền để tri công đức lại của Quốc Mẫu và chọn nơi đất linh địa - đất Phật Tây Thiên để đặt đền thờ, trên đó nay vẫn còn có các ngôi mộ của thiền sư.

Sau này, ngôi đền bị đổ nát. Đến năm 1937, ông Cụ Chánh Hội Mai (người huyện Lập Thạch) cùng nhiều người dân lên phát nguyện công đức. Năm 1958, cụ Vũ Văn Kỳ (người huyện Tam Đảo) được Mẫu báo mộng, phát hiện ngôi đền đổ nát, chỉ còn lại nền móng và cùng con cháu phục dựng lại. Đến năm 1997, được sự đồng ý của Nhà nước, ngôi đền Thượng được xây dựng lại khang khang như hiện nay.

Đền Thượng trước đây không có đường đi, cũng đã từng có người trèo đèo, lội suối gặp rắn rết, sốt rét, gió độc… mà bỏ mạng. Để lên được núi Thạch Bàn - nơi có ngôi đền Thượng (Mẫu ngự), độ cao hơn 500 mét phải trải qua bao vất vả, hiểm nguy. Ấy cũng là thử thách lòng kiên trì của con người trên con đường đi tìm chân lý của Thiện, Tâm.

Tương truyền lại thì ngôi đền Thượng không có tượng, chỉ là một miếu thờ trong đặt long ngai, bên ngoài thờ ngũ hổ. Thời gian cụ Vũ Văn Kỳ ở đền Thỏng đã cùng con cháu và dân làng dốc tâm bê đá, mở đường. Khi ấy, dọc đường đi là những ngôi đền Cô, đền Cậu… diện tích nhỏ hẹp, hoang sơ, lạnh lẽo. Trong rừng chỉ có bóng những người đi săn. Khi con đường hơn 7 km được hình thành với những lối đi lại thuận tiện, du khách muôn nơi bắt đầu đổ về, hành hương đến với Mẫu và ước nguyện một lần được tới nơi “Mẫu ngự”.

Năm 1991, đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên chính thức được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia thì càng có sức hút lớn đối với nhân dân và du khách thập phương.

Giờ đây, đường đến với Mẫu không còn trắc trở như xưa, du khách đã có thể đi cáp treo chỉ mất vài phút là có thể lên tới nơi một cách nhanh chóng. Cũng có những du khách vì muốn ngắm cảnh, trải nghiệm khám phá rừng và ghé thăm đền Cô, đền Cậu nên vẫn kiên trì đi bộ bằng đường rừng.

“Nhà Mẫu” quả thật uy linh giữa núi rừng Tam Đảo, bất kỳ ai tới được đây cũng cảm thấy nhẹ lòng, bởi họ như được “gặp” Mẫu bằng chính sự ước vọng của mình, để tri ân, để cầu mong những điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất.

Bước tới phía cổng đền là không gian lớn khiến du khách choáng ngợp bởi cảnh núi non mây trời huyền ảo, bảng lảng trong sương. Cổng đền có tam quan tám mái, bên trong cung Mẫu uy linh, sơn son thiếp vàng. Cạnh đó là đền cô Chín, phía bên - nhà thờ Phật, Địa Mẫu chân kinh và Miếu sơn thần dựng sau cung Mẫu được uy linh tố hảo.

Người con trai của cụ Vũ Văn Kỳ là Vũ Văn Vượng, hiện đang là thủ từ của đền vẫn đang tiếp tục ngày đêm trông nom, giữ cho “ngọn đèn đỏ, bát nước trong” để nhân dân và du khách thập phương có thể đến với Mẫu gần hơn, được bày tỏ, tri ân tấm lòng công đức của Mẫu với hàng vạn người dân.

Trải qua hằng nghìn năm lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh cũng như sự biến thiên của thời gian, sự tích về Quốc Mẫu Tây Thiên vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trong ký ức nhân dân ta nói chung và người dân thị trấn Đại Đình nói riêng, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Di tích cũng được Nhà nước, tỉnh và chính quyền, nhân dân địa phương giữ gìn, không ngừng tu sửa, tôn tạo. Quần thể khu đền Thượng hiện nay đã được UBND tỉnh và huyện Tam Đảo quy hoạch xây dựng khang trang hơn trên diện tích 28.650 m2 với các công trình đền Thượng, đền Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Cô Chín, đền Mẫu Hoàng Thiên cùng với các công trình phụ trợ khác; nhà Tả, Hữu mạc, nhà công quán, điểm thường trực của Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên, khu ki ốt dịch vụ… Ngôi đền, cung Mẫu ngày càng khang trang và uy linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/73658/ky-bi-cum-den-tho-quoc-mau-tay-thien.html