Kỳ cuối: Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn tội phạm liên quan đến pháo nổ
Trong thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ đã được tòa án Nhân dân các quận, huyện, Thành phố trên toàn quốc đưa ra xét xử. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để các hành vi liên quan đến pháo nổ, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ là phần ngọn.
Đằng sau những tiếng nổ “vui” tai:
Liên tiếp các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ được đưa ra xét xử
Ngày 16/1, Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tiến hành xét xử công khai 6 bị cáo trong 2 vụ án về các tội buôn bán hàng cấm và gây rối trật tự công cộng. Điểm chung của 2 vụ án là các bị cáo bị đưa ra truy tố, xét xử đều có các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ.
Theo đó, hội đồng xét xử đã tiến hành xét xử đối với các bị cáo Bùi Văn Thành (SN 1995), Đặng Văn Thiện (SN 1993) cùng trú thôn Ái Quốc, xã Nam Thanh và Vũ Văn Luân (SN 1998, trú thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh) đều thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình về tội "Buôn bán hàng cấm" theo quy định tại Khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, ngày 24/9/2023, tổ công tác Công an huyện Tiền Hải phát hiện và bắt quả tang Bùi Văn Thành khi đối tượng đang có hành vi vận chuyển và tàng trữ 21,782kg pháo. Đối tượng Thành khai buôn bán số pháo này nhằm mục đích bán kiếm lời. Qua đấu tranh điều tra mở rộng, đối tượng khai nhận nguồn gốc số pháo trên mua của Đặng Văn Thiện và Vũ Văn Luân.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Thành 1 năm 6 tháng tù giam, Vũ Văn Luân và Đặng Văn Thiện 1 năm tù.
Ở vụ án thứ 2, Tòa án nhân dân huyện Tiền Hải tiến hành xét xử đối với 3 bị cáo gồm Phạm Khánh Toàn (SN 1991) và Phí Văn Hạnh (SN 1985) đều trú thôn Vĩnh Trà; Trần Mạnh Cường (SN 1990, trú thôn Độc Lập) đều thuộc xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tiền Hải truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng thể hiện, ngày 27/9/2023, tại khu vực đường ĐH.30 thuộc địa phận thôn Vĩnh Trà (xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), lực lượng Công an huyện Tiền Hải phát hiện các đối tượng gồm Phạm Khánh Toàn, Phí Văn Hạnh và Trần Mạnh Cường có hành vi đốt pháo nổ trái phép. Ngoài ra, riêng Phí Văn Hạnh còn đưa một hộp pháo cho một người khác để đốt làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Hội đồng xét xử đã tuyên Phan Khánh Toàn và Phí Văn Hạnh mỗi bị cáo 1 năm tù, Trần Mạnh Cường 6 tháng tù.
Trước đó, ngày 10/1, Tòa án Nhân dân huyện Thường Tín mở phiên toàn sơ thẩm xét xử điểm đối với bị cáo Phạm Minh Đức (SN 2003, HKTT thôn Hoàng Xá, xã Thống Nhất) về tội tàng trữ hàng cấm là pháo hoa nổ trái phép.
Theo cáo trạng, vào 21h ngày 15/12/2023, tổ công tác Công an huyện Thường Tín gồm Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy, phối hợp với Công an xã Thống Nhất trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực đường đê sông Hồng (gần bến đò Dấp) thuộc địa phận thôn Giáp Long, xã Thống Nhất, phát hiện chiếc xe ô tô Hyundai đang dừng đỗ có biểu hiện nghi vấn.
Tổ công tác tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe có 1 túi nilong màu đen, bên trong có chứa 4 khối hình hộp. Chủ xe ô tô khai tên Phạm Minh Đức và nhận đó là 4 hộp pháo hoa nổ loại 49 quả, với tổng khối lượng 6,68kg vừa mua về dự định đốt trong dịp Tết.
Đức đặt mua số pháo hoa nổ trên của một đối tượng trên mạng xã hội có tên Hiếu Nguyễn, với giá 5 triệu đồng. Khi chuẩn bị về nhà, thì đối tượng Đức bị tổ công tác Công an huyện phát hiện, bắt giữ.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Minh Đức 9 tháng tù giam về tội tàng trữ hàng cấm là pháo hoa nổ trái phép.
Cần có sự theo dõi sát sao hơn nữa của xã hội, nhà trường, đặc biệt là gia đình
Hậu quả về sức khỏe, chế tài xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, buôn bán pháo nổ là có, tuy nhiên, việc tàng trữ, buôn bán, chế tạo pháo nổ vẫn diễn ra phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo các cơ quan chức năng, mặc dù lực lượng công an các địa phương trong cả nước đã triển khai các đợt ra quân, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ. Nhưng tình trạng sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển và tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo đang ngày càng phức tạp.
Ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Tĩnh… đều phát hiện các vụ vận chuyển, mua bán pháo nổ, chất liệu sản xuất pháo nổ. Pháo nhập lậu đều đưa về các tỉnh thành trong nước tiêu thụ.
Ngoài vận chuyển, mua bán pháo nổ, lo ngại hơn là việc mua các loại hóa chất, thuốc pháo, công cụ chế tạo pháo về tự sản xuất pháo nổ.
Để không còn tình trạng mua bán, vận chuyển, sản xuất, sử dụng và tự chế pháo nổ ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng cần hơn nữa sự phối hợp đồng bộ, sát sao của xã hội, nhà trường và gia đình.
Mỗi gia đình cần quản lý, giáo dục con em mình nâng cao nhận thức về những hiểm nguy do pháo nổ, không tự ý mua bán, chế tạo, sử dụng pháo nổ để tránh những vụ việc đáng tiếc do pháo nổ gây ra. Lực lượng an ninh các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc các trường hợp sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, tạo sức răn đe.
Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán vận chuyển, chế tạo pháo nổ đã được lực lượng quản lý nhà nước triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phải có sự theo dõi sát sao hơn nữa của xã hội, nhà trường, đặc biệt là gia đình trong quản lý, giáo dục con em. Bởi việc đấu tranh với hoạt động buôn lậu chất cấm vẫn luôn gặp rất nhiều khó khăn.