Kỳ cuối: Có yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy

Kỳ 1: Xé nát tương lai

Kỳ 2: Khát vọng hoàn lương

Kỳ 3: Nơi hồi sinh những phận đời lầm lỗi

Chỉ cần những người một thời lầm lỡ nỗ lực “gột rửa” quá khứ để trở về làm lại cuộc đời, gia đình và xã hội sẵn sàng giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ).

NHỮNG MÔ HÌNH “TRUYỀN LỬA”

Theo báo cáo của UBND tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 600 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú. Phần lớn trong số này là những người có hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn; trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật không đầy đủ; chưa có việc làm; xã hội còn phân biệt, kỳ thị dẫn đến một số người có tư tưởng tiêu cực dễ tái phạm tội.

Anh C. hòa nhập tốt với cộng đồng và nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.

Anh C. hòa nhập tốt với cộng đồng và nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.

Những năm qua, cùng với Đảng, Nhà nước, ngành Công an và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách thiết thực, nhiều chương trình, mô hình mang lại hiệu quả đã được cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt tù thuận lợi THNCĐ.

Cụ thể, năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2011 “Quy định các biện pháp bảo đảm THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù” (gọi tắt Nghị định 80). Nghị định 80 ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm THNCĐ cho người chấp hành xong án phạt tù, phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cấp chính quyền hỗ trợ và tạo điều kiện về tinh thần lẫn vật chất đối với các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống và làm việc, giảm tỷ lệ người tái vi phạm trở lại, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội.

Sau 6 năm thực hiện Nghị định 80 đã cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể thực sự vào cuộc, có sự phối hợp thường xuyên; ở đâu huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân thì ở đó công tác THNCĐ đạt hiệu quả cao, tỷ lệ tái phạm tội và số lượng tội phạm cũng giảm theo.

Hiệu quả của các mô hình THNCĐ là một trong những minh chứng cụ thể cho kết quả thực hiện Nghị định 80 của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã xây dựng và ra mắt được 50 mô hình THNCĐ. Hoạt động của mô hình là đối tượng chấp hành xong án phạt tù về sẽ được đoàn thể, đảng viên, Công an và đại diện gia đình giúp đỡ. Mô hình hoạt động có 2 tiêu chí là cảm hóa, giáo dục và hỗ trợ, giúp đỡ.

Với hình thức quản lý trên, lực lượng Công an cơ sở đã phối hợp với các ngành, đoàn thể cảm hóa, giáo dục đối tượng tiến bộ; giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định. Một số xã thực hiện tốt mô hình này là Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo), Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông), Đông Hòa (huyện Châu Thành), Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây)...

Những mô hình trên đã giúp đỡ, hỗ trợ cho 32 người được vay vốn, với tổng số tiền 280 triệu đồng và đã tạo việc làm ổn định cho 20 người chấp hành xong án phạt tù phát triển kinh tế. Chính nhờ làm tốt công tác giúp người lầm lỗi THNCĐ, nên tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái phạm tội trên địa bàn tỉnh giảm hẳn.

Công an xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) nắm bắt tình hình, động viên người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Công an xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) nắm bắt tình hình, động viên người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Gò Công Tây là một trong những huyện thực hiện hiệu quả Nghị định 80. Theo Công an huyện Gò Công Tây, tính đến tháng 5-2018, toàn huyện đã xây dựng và ra mắt được 2 mô hình THNCĐ. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Gò Công Tây có 312 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; trong đó, có nhiều người đã tìm được việc làm ổn định, hòa nhập tốt với cộng đồng.

Để tìm hiểu về hiệu quả của mô hình này, chúng tôi đã đến xã Long Vĩnh, một trong những xã được chọn thực hiện thí điểm mô hình THNCĐ. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh Đặng Công Tiên khẳng định: “Trước đây, công tác hỗ trợ giúp người chấp hành án xong THNCĐ vẫn được xã làm, nhưng làm theo cảm tính. Từ khi có Nghị định 80, mô hình THNCĐ được tổ chức thực hiện bài bản, đã giúp đỡ nhiều phạm nhân hòa nhập tốt với cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình. Riêng xã Long Vĩnh, những năm gần đây không có trường hợp phạm nhân tái phạm tội. Đây là mô hình hay cần tiếp tục được tuyên truyền và nhân rộng”.

Còn nói về công tác hỗ trợ THNCĐ, Trưởng Công an xã Phú Thạnh Trần Văn Sang cho biết, từ năm 2002 đến năm 2016, Công an xã đã tiếp nhận bàn giao của cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện 50 đối tượng (trong đó có 47 nam, 3 nữ) chấp hành án phạt tù trở về địa phương.

Theo đó, các ngành, đoàn thể xã đã tiếp nhận quản lý, cảm hóa, giáo dục có tiến bộ được 35 đối tượng (số liệu năm 2016) chấp hành tốt và đề nghị Tòa án xóa án tích, trở thành công dân tốt, THNCĐ.

Đồng thời, xã còn quản lý 15 đối tượng chưa xóa án tích được đưa vào xây dựng mô hình THNCĐ. Cụ thể hóa mô hình này, Công an xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã bằng mọi biện pháp tạo điều kiện, động viên, hướng nghiệp để các đối tượng có việc làm, phát triển kinh tế.

Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; thường xuyên gặp gỡ, động viên người có quá khứ vi phạm pháp luật để giáo dục, thuyết phục, tổ chức cho các đối tượng ký cam kết không tái phạm.

Bên cạnh đó, xã biểu dương những tấm gương tích cực, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, làm giàu chính đáng, tham gia tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

HÒA NHẬP VỚI CỘNG ĐỒNG

Luôn quan tâm dạy con chăm ngoan, học tốt.

Luôn quan tâm dạy con chăm ngoan, học tốt.

Trên thực tế, có không ít người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã trở thành những tấm gương về nghị lực và ý chí vươn lên để xóa bỏ định kiến và sự kỳ thị nhằm gây dựng lại trang đời mới, tươi sáng hơn cho bản thân. Xóa bỏ những mặc cảm đã từng lầm lỗi, họ đã tự tin vươn lên, trở lại đóng góp một phần công sức cho xã hội...

Anh Lê Huy C. (sinh năm 1975, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) là một trong những trường hợp như thế. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh C. vẫn tỏ vẻ dằn vặt và hối tiếc về quá khứ lầm lỡ của mình.

Thế nhưng, anh không che giấu quá khứ cũng như không ngại tiếp xúc với người lạ. Như một vệt buồn đã hằn sâu vào ký ức bao nhiêu năm nay, anh C. chia sẻ: “Tôi cũng được học hành đến nơi đến chốn, tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng trong một lúc nông nổi đã vi phạm pháp luật và vướng vào vòng lao lý. Trong những ngày chấp hành án, tôi đã hối hận và thấm thía những sai lầm mà mình đã gây ra. Nhưng tôi có được may mắn là cha mẹ tôi, đặc biệt là vợ tôi luôn là nguồn động viên to lớn giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực cải tạo tốt để sớm đoàn tụ với gia đình”.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương, được chính quyền địa phương và gia đình giúp đỡ, anh C. đã vượt qua mặc cảm xã hội và quyết tâm khởi nghiệp làm ăn, phát triển kinh tế gia đình bằng chính nghị lực của mình.

Với tay nghề điện dân dụng đã học trước đây, anh mạnh dạn mượn tiền người thân mở cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, mua bán thiết bị điện cơ. Hiện anh C. đã xây dựng được ngôi nhà khang trang hơn 1 tỷ đồng, có cuộc sống ổn định. Ngoài ra, anh còn giúp đỡ 2 người chấp hành xong án phạt tù làm ăn có cuộc sống ổn định.

Anh T. không những hòa nhập tốt với cộng đồng, mà còn phát triển kinh tế gia đình bằng chính nghị lực của mình.

Anh T. không những hòa nhập tốt với cộng đồng, mà còn phát triển kinh tế gia đình bằng chính nghị lực của mình.

Hay trường hợp của anh Nguyễn Bá T. (sinh năm 1982, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây), sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh T. đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, quyết tâm làm lại cuộc đời. Từ 2 con bò giống ban đầu, đến nay anh đã phát triển đàn bò lên đến 20 con với 4.000 m2 đất trồng cỏ, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Tương tự như trường hợp của anh T., anh Trương Văn H. (sinh năm 1972, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông), sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh đã nhận thức, sửa chữa sai lầm, vượt qua mặc cảm, trồng và chăm sóc 3 ha sả, rồi phát triển cơ sở sản xuất thu mua sả đã mang về thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng.

Ngoài ra, anh H. còn giúp đỡ một số người cùng cảnh ngộ có việc làm, ổn định cuộc sống. Với sự nỗ lực của mình, anh Lê Huy C., anh Nguyễn Bá T. và anh Trương Văn H. đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định 80.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng cần chung tay giúp đỡ các phạm nhân trở về địa phương THNCĐ. Bởi chỉ có tình thương yêu, thông cảm, sự giúp đỡ chân thành mới có thể giúp cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, trở thành công dân lương thiện và có ích. Đó cũng là để con đường tìm về nẻo thiện của họ không lẻ bóng.

HOÀI THU - VĂN THẢO

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-su-ky-su/201908/phia-sau-ban-an-duong-ve-neo-thien-ky-cuoi-co-yeu-thuong-hanh-phuc-se-dong-day-869711/