Kỳ cuối: Kỷ nguyên phi đô la hóa nền kinh tế thế giới
Đứng trước hàng loạt hành động của Mỹ sử dụng USD như một thứ vũ khí hiệu nghiệm để tiến hành các cuộc chiến tranh địa - kinh tế và địa - chính trị nhằm giành quyền bá chủ thế giới, nhiều quốc gia bắt đầu tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào USD và hình thành xu hướng phi đô la hóa (dedollarization) trên phạm vi toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc chia tay trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát sau Chiến tranh lạnh.
Sau Chiến tranh lạnh, là siêu cường độc nhất vô nhị về kinh tế, chính trị và quân sự, Mỹ biến quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới dựa trên cơ sở USD thành quá trình “Mỹ hóa thế giới” và xây dựng “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” do Washington áp đặt. Chính tham vọng này của Mỹ đã đưa thế giới lâm vào nhiều cuộc chiến tranh, xung đột và khủng hoảng, trong đó có 3 cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Cuộc khủng hoảng thứ nhất bùng phát vào năm 1997 - 1998 xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là các tập đoàn tài phiệt Mỹ thao túng thị trường đầu tư bằng USD, được châm ngòi bằng đợt thoái lui ồ đạt vốn đầu tư nước ngoài bằng USD ra khỏi Thái Lan, khiến nền kinh tế quốc gia này tê liệt, sau đó nhanh chóng lan tỏa tới các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hồng Kong (Trung Quốc), thậm chí tới cả Nga.
Cuộc khủng hoảng thứ hai bùng phát từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ vào năm 2008. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất, nặng nề nhất trên thế giới trong hơn 60 năm qua từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933. Châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này là sự sụp đổ hàng loạt tập đoàn tài chính và ngân hàng của Mỹ như Bear Stearns, Lehman Brothers, Bank ofAmerica, Merrill Lynch,Solomon Brothers, Morgan Stanley, Chrysler Fannie Mae và Freddie Mac. Để cứu nguy cho các tập đoàn này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) huy động cỗ máy in tiền tung ra thị trường 9.000 tỷ USD!. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ kéo theo cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu và là dấu hiệu cảnh báo kết thúc kỷ nguyên thống trị của USD. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc khủng hoảng của mô hình tân tự do của chủ nghĩa tư bản thế giới. Là quốc gia đóng vai trò chi phối hệ thống tài chính thế giới, Mỹ buộc cả thế giới phải trả giá cho hành động thao túng tiền tệ của các tập đoàn tài chính - ngân hàng Mỹ.
Cuộc khủng hoảng thứ ba bùng phát kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Để trừng phạt Nga, Mỹ lôi kéo các đồng minh và đối tác gồm thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Anh, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand,... áp đặt hơn 14.000 biện pháp cấm vận “địa ngục”, trong đó có biện pháp được ví như “quả bom hạt nhân tài chính” là chặt đứt mối quan hệ của hàng loạt ngân hàng Nga ra khỏi Hệ thống Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) do Mỹ kiểm soát, đồng thời phong tỏa tài sản dự trữ của Nga trong các ngân hàng Mỹ và châu Âu trị giá 300 tỷ USD với toan tính làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận Nga đã không thể làm cho nền kinh tế quốc gia này sụp đổ nhưng đã đẩy hệ thống tài chính toàn cầu lâm vào khủng hoảng vàlà động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhiều nước từ bỏ vai trò của USD trong các thanh toán thương mại quốc tế.
Theo nhận định của tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại trước hành động của Mỹ sử dụng USD làm vũ khí để thực hiện các mục đích địa-kinh tế và địa-chính trị. Trong đó, Mỹ sẵn sàng và tùy tiện áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với những quốc gia không tuân theo “luật chơi” của Washington. Thí dụ, Mỹ ngang nhiên “đóng băng” tài sản dự trữ của Iraq vào năm 2003 và Libya vào năm 2011 sau các cuộc chiến tranh xâm lược do Washington phát động. Maxim Oreshkin - Trợ lý của Tổng thống Nga về các vấn đề kinh tế - gọi USD là một loại “ma túy cực độc” mà Mỹ sử dụng để “gây nghiện” thế giới nên nhiều nước đang phải áp dụng các biện pháp tài chính để thoát khỏi ma lực của “cơn nghiện” này. Nhiều quốc gia lo sợ bị rơi vào tình cảnh tương tự Iraq, Libya hay Nga trong tương lai và họ tìm kiếm phương án không sử dụng USD trong giao dịch thương mại song phương và chuyển sang sử dụng đồng nội tệ. Giới nghiên cứu ở Trung Quốc dự báo về kỷ nguyên kết thúc quyền thống trị kinh tế thế giới của USD.
Đi đầu trong trào lưu phi đô la hóa là Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) theo nhiều hướng. Theo hướng thứ nhất, BRICS đã đạt được thỏa thuận thanh toán các hợp đồng thương mại song phương bằng đồng nội tệ, không thông qua vai trò trung gian của USD như trước đây. Trong năm 2022, Nga sử dụng đáng kể đồng ruble và nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc trong thanh toán thương mại quốc tế do một nửa dự trữ ngoại tệ bằng USD của nước này bị “đóng băng” và các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi SWIFT. Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga ký thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc thanh toán các hợp đồng khí đốt của Nga xuất sang Trung Quốc bằng đồng ruble và NDT. Tháng 10-2022, NDT lần đầu tiên vượt qua USD để trở thành ngoại tệ được sử dụng nhiều nhất trên sàn giao dịch Moscow. Việc sử dụng NDT ở Nga tăng từ dưới 0,26% vào năm 2020 lên 2,57% vào tháng 1-2023. Từ năm 2022, Brazil bắt đầu thanh toán các hợp đồng thương mại và đầu tư bằng đồng NDT theo thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc.
Năm 2022, tài sản ngoại hối bằng đồng NDT của Brazil đạt mức 5,37%, vượt qua tài sản bằng đồng euro. Tháng 7-2022, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho phép thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng rupee của Ấn Độ, đồng ruble và đồng NDT. Trong năm 2022, Ấn Độ và Nga đạt được thỏa thuận thanh toán các hợp đồng thương mại song phương bằng đồng ruble và đồng rupee. Trước hết là các hợp đồng xuất nhập khẩu dầu mỏ và vũ khí. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, trong năm 2022, Ấn Độ đã thay thế châu Âu trở thành khách hàng nhập khẩu dầu mỏ số 1 của Nga không sử dụng USD. Dầu thô của Nga hiện chiếm khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ và tăng tới 16 lần so với trước khi Tổng thống V. Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina.
Các khách hàng của Ấn Độ cũng lựa chọn thanh toán các hợp đồng xuất nhập khẩu dầu bằng đồng nội tệ và từ bỏ USD. Ngân hàng Quốc gia Ấn Độ mở tài khoản bằng đồng ruble của Nga, còn nhiều ngân hàng từ Nga cũng mở tài khoản bằng đồng rupee của Ấn Độ để tạo thuận lợi cho thương mại giữa 2 nước. Sau khi châu Âu cấm vận dầu thô cùng các sản phẩm dầu của Nga và thực hiện các biện pháp loại bỏ Nga khỏi SWIFT, Moscow thực hiện nhiều biện pháp để phi đô la hóa nền kinh tế và thiết lập nhiều cơ chế thanh toán không sử dụng đồng USD với các quốc gia “không thân thiện”, đồng thời yêu cầu các quốc gia châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Theo hướng thứ hai, BRICS thành lập ngân hàng phát triển chung. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brazil năm 2014, BRICS chính thức ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) để tài trợ cho các dự án phát triển bền vững của các nước thành viên, cũng như các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác không sử dụng USD. Giới phân tích kinh tế cho rằng, trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do Mỹ kiểm soát vẫn tiếp tục chi phối kinh tế thế giới kể từ khi được thành lập năm 1944, việc BRICS mong muốn có được tiếng nói có trọng lượng hơn trong nền kinh tế toàn cầu là điều dễ hiểu. Ngoài nỗi thất vọng về việc có quá ít quốc gia đại diện trong WB và IMF, nhóm BRICS nhận thấy NDB với nguồn vốn khoảng 100 tỷ USD là công cụ phù hợp nhất để giúp đỡ các nước đang phát triển và là cơ chế đối trọng với WB và IMF. Không mang màu sắc chính trị, việc BRICS thành lập NDB được xem là cách thức thay đổi sự chi phối thế giới của hệ thống tài chính dự trên cơ sở USD.
Theo hướng thứ ba, các nước BRICS nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế thay thế hệ thống SWIFT do Mỹ kiểm soát. Đi đầu trong xu hướng này là Trung Quốc với hệ thống CIPS nhằm cung cấp dịch vụ thanh toán cho những quốc gia tham gia giao dịch xuyên biên giới và thanh toán bằng NDT. Trung Quốc khởi động CIPS từ năm 2015 trong một nỗ lực nhằm quốc tế hóa việc sử dụng NDT, trước hết là giữa các quốc gia tham gia và Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” đồng thời giảm phụ thuộc vào USD trong các giao dịch thanh toán quốc tế. Hiện tại CIPS đã có một số ngân hàng nước ngoài là cổ đông bao gồm HSBC, Standard Chartered, Ngân hàng Đông Á, DBS Bank, Citi, Australia và New Zealand Banking Group, BNP Paribas.
Cùng với Trung Quốc, từ năm 2018, Nga đã đưa vào sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế riêng SPFS, cho phép trực tiếp thực hiện các giao dịch tài chính xuyên biên giới bằng đồng ruble. Tuy độ phủ và tầm ảnh hưởng của SPFS còn khiêm tốn nhưng Nga đang đàm phán với các nước phát triển tham gia, đồng thời có kế hoạch tích hợp với hệ thống CIPS của Trung Quốc. Hiện tại, SPFS chỉ có 399 định chế tài chính từ 23 nước kết nối bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhtan, Kyrgyzstan, Đức và Thụy Sĩ. Ngân hàng Trung ương Nga đang xúc tiến mời gọi các ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia SPFS. Quyết định phi đô la hóa của BRICS có ý nghĩa rất quan trọng bởi ngoài Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Cộng hòa Nam Phi còn có nhiều quốc gia đã đệ đơn yêu cầu được tham gia nhóm này như Arab Saudi - đồng minh then chốt và truyền thống của Mỹ, Iran, Ai Cập, Indonesia, Argentina, Algeria, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Ngoài BRICS, Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm các quốc gia thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgystan) và ASEAN cũng đang có chủ trương phi đô la hóa. Theo đó, Liên minh kinh tế Á - Âu đang chuyển sang cơ chế thanh toán các hợp đồng thương mại song phương bằng đồng nội tệ. Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên ký kết Hiệp định tự do thương mại với Liên minh kinh tế Á - Âu đang đàm phán với Nga về việc thanh toán thương mại song phương bằng đồng ruble và VND. Ngày 11-5-2023, 10 thành viên của ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) ký thỏa thuận sử dụng thanh toán nội tệ trong thương mại nội khối. Thỏa thuận này là sự mở rộng khuôn khổ từng được Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines xây dựng và triển khai từ năm 2017. Động thái này phù hợp với xu hướng toàn cầu là giảm bớt sự phụ thuộc vào USD trong các giao dịch xuyên biên giới và trong tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương.
Theo Bloomberg, tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối quốc tế giảm từ 73% năm 2001 xuống 58% vào năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của đồng NDT đang tăng lên và chiếm vị trí thứ 3 sau USD, ruro và đồng bảng Anh trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Theo nhận định của giới phân tích, phi đô la hóa sẽ là một quá trình lâu dài và USD sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới trong những năm tới.