Kỳ cuối: Mỗi cá nhân có thể góp phần dừng các hành vi bạo lực

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi chứng kiến ai đó bị bắt nạt trên mạng như trường hợp những người nổi tiếng bị nhóm anti-fan tấn công, hãy ý thức rằng chúng ta có thể góp phần dừng lại hành vi bắt nạt và bạo lực mạng này.

Hội nhóm anti-fan và những hậu quả khôn lường:

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cần phải cân nhắc và kiểm soát cảm xúc trước khi phát ngôn

TS. luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, không phải khi nào fan hâm mộ cũng tốt và cũng không phải khi nào anti-fan cũng là xấu. “Với những người nổi tiếng mà cầu thị, muốn hoàn thiện bản thân thì những thông tin từ các hội nhóm anti-fan đôi khi cũng rất có giá trị, sẽ là những bài học quý giá sau mỗi sai lầm của bản thân. Với những người nổi tiếng mà có anti-fan thì không hẳn là điều không tốt. Nhờ có nhóm anti-fan mà họ sẽ thận trọng hơn, rút kinh nghiệm được nhiều hơn. Các nhóm anti-fan sẽ chỉ ra các lỗi, điểm khiếm khuyết khiến người nổi tiếng cần để ý, nhận ra, sửa mình để phát triển tốt hơn,… Tuy nhiên, nên góp ý bằng sự văn minh, phù hợp”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo TS. luật sư Đặng Văn Cường, một nguyên tắc chung là khi cảm xúc lên cao thì lý trí xuống thấp. Cảm xúc chi phối lí trí thì người ta không còn tỉnh táo minh mẫn nữa và dễ mắc sai lầm. Bởi vậy, khi bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với những người nổi tiếng thì dù chúng ta thuộc nhóm fan hâm mộ hay anti-fan thì cũng đều cân nhắc và cần phải kiểm soát cảm xúc trước khi phát ngôn, trước khi thực hiện hành vi bởi điều đó có thể có những tác động tiêu cực không chỉ đối với người nổi tiếng đó mà còn đối với với cả những người thân, gia đình của họ.

“Đành rằng khen, chê là quyền của mỗi người, bình luận, đánh giá cũng là quyền cá nhân. Tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng khen chê để cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, bí mật gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bởi vậy, khi tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội (MXH) thì mọi người cần phải tỉnh táo, không nên bị dẫn dắt bởi những thông tin chưa được kiểm chứng. Những admin, quản lý các hội nhóm là người có trách nhiệm chính liên quan đến thông tin của các hội nhóm (fan hoặc anti-fan) đó. Bởi vậy nếu vì động cơ cá nhân hoặc thiếu kiểm soát thông tin mà biến các hội nhóm đó trở thành công cụ để thực hiện các hành vi đưa tin trái pháp luật thì người quản lý hội nhóm là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hành vi bịa đặt, vu khống hoặc những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là những hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, TS. luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

TS. luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

TS. luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cộng đồng cần được khuyến khích để đứng lên vì nạn nhân

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Những người nổi tiếng khi rơi vào tình huống bị nhóm anti-fan tấn công, trước hết cần hạn chế thời gian vào check thông tin trên MXH. Hãy tìm cách cân bằng trong cuộc sống thực, giải tỏa năng lượng xấu vào các hoạt động như tập gym, chơi thể thao. Bên cạnh đó, bơi và tập đấm bốc cũng là những hoạt động mà nhiều người đã sử dụng và cảm thấy hiệu quả trong việc kiểm soát tâm trạng.

Thứ hai là cần tự xem và cân nhắc mọi hành vi phát ngôn của bản thân để không cho cộng đồng mạng “kiếm cớ” đổ thêm dầu vào lửa. Vì thế trước khi phát ngôn hay chia sẻ bất cứ điều gì lên trên mạng, hãy thử cân nhắc xem nếu những phát ngôn này lên mạng thì bố mẹ, họ hàng, giáo viên, những người xung quanh tôi có nghĩ thông tin này là phù hợp? Nó có thể khiến tôi gặp rắc rối với pháp luật hay bị đánh giá về mặt đạo đức không? Khi phản hồi lại thông tin người khác bình luận tiêu cực, hãy tự hỏi đáp lại như thế có khiến cho vòng quay giận dữ tiếp tục lăn, hay trong hồi đáp của tôi có kéo ai vào rắc rối, có tiết lộ thêm những thông tin gì mà tôi không nên chia sẻ không? Liệu những phát ngôn đó có thực sự là tôi và thể hiện đúng hình ảnh tôi mong muốn mọi người nhìn thấy không? Tôi phản ứng như thế có ảnh hưởng đến các cơ hội khác của tôi trong tương lai không?

Tóm lại là phải biết cân nhắc và tư duy phản biện trước khi chúng ta định phát ngôn hoặc đáp trả cái gì đó trên không gian mạng. Bản thân những người nổi tiếng cũng có thể nhờ đến đội ngũ cố vấn để ghi lại, khiếu nại, chặn lại hoặc báo cáo các biểu hiện hành vi quá khích. Tư vấn giải quyết hoặc hỗ trợ hồi đáp với cộng đồng một cách tinh tế hơn”.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, với cộng đồng, khi chứng kiến ai đó bị bắt nạt trên mạng như trường hợp những người nổi tiếng bị nhóm anti-fan tấn công, hãy ý thức rằng chúng ta có thể góp phần dừng lại hành vi bắt nạt và bạo lực mạng này. “Nếu cảm thấy thoải mái khi đứng lên ủng hộ việc dừng bắt nạt lại, các bạn hãy thể hiện thái độ không đồng tình với hành vi bắt nạt của nhóm. Không vào bình luận, nhấn "thích" hoặc chia sẻ bất kỳ một cảm xúc nào. Hãy tự nhủ chúng ta không nên để người khác dắt mũi và việc tham gia vào việc bắt nạt chỉ để cảm thấy mình cũng cập nhật tình hình và mình thể hiện ý kiến phù hợp với số đông. Cộng đồng cần được khuyến khích để đứng lên vì nạn nhân. Công chúng có thể ủng hộ họ thông qua các việc gửi tin nhắn văn bản với thái độ thân thiện, tạo bài đăng tích cực trên trang của họ hoặc dành thời gian nói chuyện, đi ra ngoài cùng họ nếu thân thiết.

Chúng ta cũng có thể góp phần dừng hoạt động của nhóm anti-fan nếu mỗi chúng ta đều thực hiện hành vi báo cáo (report) tình trạng bắt nạt hoặc bạo lực với nhà cung cấp dịch vụ MXH. Nếu số lượng báo cáo đủ lớn, nhóm anti-fan sẽ bị đóng cửa”, PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-moi-ca-nhan-co-the-gop-phan-dung-cac-hanh-vi-bao-luc-348700.html