Kỳ cuối: Tạo dựng môi trường tín dụng lành mạnh, an toàn

Trên tinh thần bám sát vào sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSHS, Công an TP Hà Nội và các cục nghiệp vụ đã phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong làm sạch dữ liệu khách hàng vay, tạo môi trường 'sạch', thông thoáng cho những người dân thật sự cần nguồn vốn để đầu tư kinh doanh, sản xuất, tránh không để họ bị lôi kéo, mắc bẫy hay sa chân vào vũng lầy 'tín dụng đen'.

Làm sạch dữ liệu ngừa rủi ro

Đề cập đến nguyên nhân vì sao hoạt động “tín dụng đen” vẫn còn đất sống, lãnh đạo Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, bên cạnh sự hoạt động tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng, băng, nhóm tội phạm trên thì nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn. Thực tế, do nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp trong khi các hình thức tín dụng chính thống của Nhà nước vẫn khó tiếp cận, thủ tục vẫn còn rườm rà, thời gian giải ngân vốn vay kéo dài nên nhiều cá nhân, tổ chức đã đến vay vốn tại các cơ sở kinh doanh tài chính “tín dụng đen”.

Nạn nhân trong các vụ việc cho vay lãi nặng khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan Công an thường tỏ rõ thái độ lo ngại, sợ phiền hà vì cho rằng số tiền ít, có thể tự trả được; sợ các đối tượng cho vay lãi nặng khống chế, đe dọa, trả thù; sợ cơ quan Công an sẽ làm rõ mục đích các khoản vay sử dụng vào những hoạt động không chính đáng; sợ hệ lụy xấu có thể xảy ra đối với bản thân và gia đình. Do đó, đa phần nạn nhân thường né tránh không khai báo với cơ quan Công an, gây khó khăn đối với công tác thu thập chứng cứ, tài liệu để xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng. Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng sơ hở trong quản lý Nhà nước để mua bán thông tin, đăng ký tài khoản Ngân hàng “ảo”, sử dụng sim “rác”, lập “công ty ma”… để thực hiện hoạt động phạm tội.

Từ Đề án 06, các ngân hàng ứng dụng dữ liệu để đánh giá khả tín khách hàng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, phòng, chống “tín dụng đen”.

Từ Đề án 06, các ngân hàng ứng dụng dữ liệu để đánh giá khả tín khách hàng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, phòng, chống “tín dụng đen”.

Trung tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cũng đánh giá, hoạt động vay tiền qua ứng dụng trên mạng Internet thông qua các hình thức vay trực tuyến APP… đang ngày càng gia tăng và phức tạp. Các công ty cung cấp ứng dụng kết nối giữa người có tiền cho vay và người có nhu cầu vay tiền, lãi suất theo quy định của Nhà nước với những biến tướng bằng hình thức thu “phí dịch vụ” nên số tiền lãi suất thực tế thường cao gấp nhiều lần so với quy định của ngân hàng Nhà nước. Mặc dù là ứng dụng trên mạng Internet nhưng việc đòi nợ của các đối tượng được thực hiện như các giao dịch vay “tín dụng đen” thông thường và sẽ có đội ngũ đòi nợ sử dụng số điện thoại gọi đến người vay tiền hoặc trực tiếp đến nhà, trụ sở công ty, nơi làm việc, thậm chí các đối tượng còn nhắm đến cả những người là cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật đến nhà trường, học sinh gây áp lực để đòi nợ.

Thời gian vừa qua, Công an các tỉnh, thành trên cả nước trong đó có Hà Nội đã đánh mạnh vào các công ty núp bóng doanh nghiệp, công ty hoạt động kinh doanh tài chính “tín dụng đen” và các công ty hoạt động mua bán nợ; cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ thuê dẫn đến các công ty này có thể tan rã và một số đối tượng đang nhen nhóm chuyển địa bàn hoạt động ra các tỉnh phía Bắc, trong đó có địa bàn Hà Nội. Dự báo hoạt động mua bán nợ và đòi nợ trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng, do lợi nhuận thu được từ hoạt động này là rất lớn. Các đối tượng sẽ thay đổi phương thức hoạt động, thu hẹp lại mô hình tổ chức, chia ra nhiều bộ phận ở nhiều nơi khác nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT.

Phát triển môi trường tín dụng “sạch”

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 với 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, đã đem lại nhiều tiện ích.

Mặc dù các ngân hàng áp dụng các công nghệ hiện đại nhưng chỉ mang tính chất công cụ, thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ các ngân hàng, tổ chức tài chính tín dụng ra quyết cho vay, do vậy việc vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng “tín dụng đen” vẫn diễn ra. Thống kê trong 3 năm (từ 15/4/2019 đến 14/4/2022) thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan điều tra trong CAND đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ, 4.941 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”; đã khởi tố, điều tra 1.575 vụ, với 3.399 bị can. Riêng về tội "cho vay lãi nặng" trong giao dịch dân sự, đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, 2.025 bị can... Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do ngân hàng không có cơ sở để đánh giá xác định đối tượng cho vay, chưa có chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, thiếu cơ chế quản lý Nhà nước về kiểm soát tín dụng đen và hỗ trợ người dân.

Nắm rõ về thực trạng như trên, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư để xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay. Các đơn vị sử dụng công nghệ máy học, trí tuệ nhân tạo theo tiêu chuẩn tham khảo tín dụng FICO tại Mỹ được sử dụng trong rất nhiều nghiệp vụ và hoạt động hàng ngày như: Ra quyết định cho vay, xác định lãi suất của các khoản vay, xin việc làm, mua và thuê nhà, mua và thuê ôtô, mua sản phẩm bảo hiểm, mua các sản phẩm viễn thông, sử dụng các dịch vụ công và một số lĩnh vực khác. Đến nay, đã hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với các trường thông tin dân cư, dữ liệu về CCCD, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao.

Với cơ sở đó, triển khai giải pháp đánh giá khả tín đã khẳng định những giá trị đem lại giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng dựa trên điểm khả tín của công dân cho ra kết quả chính xác đối với các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn, nhân viên không thể trục lợi; chỉ cung cấp dữ liệu, điểm tín dụng người dân khi được người dân yêu cầu và chỉ các giao dịch ứng dụng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay công dân đạt đủ điều kiện thì mới thực hiện cho vay, tạo sự minh bạch, công bằng trong vay vốn.

Người dân được hưởng các tiện ích không giấy tờ, có thể thực hiện vay vốn trực tuyến dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức. Đặc biệt, việc đánh giá khả tín khách hàng vay còn giúp phòng, chống tội phạm. Doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thống và trợ cấp lãi suất từ Chính phủ, qua đó làm giảm tỷ lệ “tín dụng đen”, mâu thuẫn trong xã hội. Cùng với đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khi các nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng, Chính phủ được giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số. Việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 còn giúp đẩy mạnh an sinh xã hội, nhất là cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Các đối tượng an sinh, xã hội tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả.

Thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong năm 2023, trong Quý 1/2024, có hơn 1 triệu người đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản, không dùng tiền mặt. Các tổ chức tín dụng như Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), đã thực hiện tra cứu điểm khả tín và giải ngân cho 628 người với số tiền khoảng 6,6 tỷ đồng. Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã giải ngân cho 588 người với số tiền khoảng 8.925 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng đang triển khai đánh giá khả tín khách hàng cho vay để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, cùng đẩy mạnh phòng, chống “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, hàng nghìn tờ rơi về sản phẩm cho vay tín chấp được tuyên truyền đến người dân. Hiện, các đơn vị chức năng đang thực hiện nhiều nội dung phục vụ cho vay tín chấp dựa trên đánh giá khả tín khách hàng từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính đáng, phòng ngừa“tín dụng đen”, nâng cao hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội cũng như phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/ky-cuoi-tao-dung-moi-truong-tin-dung-lanh-manh-an-toan-i732643/