Kỳ cuối: Xây dựng văn hóa giao thông
Nếu mỗi người khi tham gia giao thông có ý thức tuân thủ quy định pháp luật, lái xe theo phương châm an toàn, đúng luật thì sẽ cải thiện diện mạo giao thông đô thị Thủ đô đẹp đẽ, văn minh hơn là hình ảnh đang trở nên 'xấu xí' hiện nay.
Bất cập từ thói quen “hạ sách” của người tham gia giao thông:
Tuyến buýt nhanh BRT vẫn trở thành điểm “nóng”
Lấn làn xe buýt nhanh BRT là nỗi ám ảnh của nhiều phương tiện xe máy, ô tô lưu thông trên tuyến đường Lê Văn Lương đoạn nối với đường Tố Hữu kéo dài vào giờ cao điểm. Tốc độ các chủ phương tiện thì khỏi bàn khi tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu để có thể lấn làn thành công diễn ra thường xuyên. Không ít người giao thông đúng luật tại đây ngao ngán thốt lên: “Lưu thông trên tuyến đường này vào giờ cao điểm không khác một cuộc đua xe tốc độ cao”. Ở đó, phần thưởng trước mắt chính là nguy cơ mất an toàn giao thông.
Dù những “án tử” được dự báo trước song vì muốn đi nhanh, nhiều người mất kiên nhẫn đi đúng làn, đúng luật. Tại “điểm nóng” giao thông này còn diễn ra tình trạng người dân đi xe máy không chấp hành biển báo giao thông, vượt ẩu. Theo quy định, tại 2 đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ (quận Đống Đa) được lực lượng chức năng gắn biển báo cấm phương tiện trong các khung giờ cao điểm (6h-9h và 16h-19h30). Thực tế, lượng lớn xe máy vẫn lưu thông khu vực cấm, lấn làn xe buýt nhanh BRT, phớt lờ quy định.
Là người dân Thủ đô, lựa chọn phương tiện di chuyển chính là xe buýt công cộng, ông Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ ý kiến không hài lòng với ý thức tham gia giao thông của khá nhiều người dân. Ngoài lỗi vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, đỗ xe ô tô trái quy định, nhiều người còn vô tư đi ngược chiều. Phố Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) là tuyến đường quy định một chiều, nối từ đường Phan Đình Phùng hướng về đường Trần Phú. Tuyến đường có chiều rộng khoảng 4-5m nhưng vẫn có tình trạng xe máy, ô tô đi ngược chiều. Chưa kể, việc nhiều xe ô tô đỗ sai quy định, đỗ xe tĩnh trên vỉa hè, bất kể ngày và đêm.
Ghi nhận tại tuyến phố Trần Phú, đầu năm nay vỉa hè mới được lát gạch đẹp đẽ, khang trang, nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, hiện trạng vỉa hè có nhiều chỗ xuống cấp, xuất hiện ổ gà, Sụt lún,…
Một bất cập khác tại tuyến phố Trần Phú, có đoạn chắn ngang đường sắt, dù có lệnh cấm kinh doanh cà phê phố đường tàu từ năm 2022, song nhiều người dân bất chấp quy định cấm, mở cửa kinh doanh khi vắng bóng các lực lượng chức năng, Đội cảnh sát trật tự đô thị. Khu vực này thường xuyên là nơi tụ tập của xích lô, xe ôm đưa đón khách du lịch gây ách tắc giao thông và cản trở lưu thông của các phương tiện giao thông. Ghi nhận nhiều người dân vẫn phớt lờ quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường.
Dù hình ảnh giao thông vẫn tồn tại nhiều bất cập nhưng gần đây, cá nhân ông Trịnh Thanh Phi hoan nghênh tinh thần quyết liệt của lực lượng CSGT Hà Nội ra quân kiểm tra nồng độ cồn của các phương tiện đi ô tô, xe máy. Nhiều người vi phạm đã chấp nhận chịu nộp phạt, giảm được rất nhiều số lượng chủ phương tiện ô tô, xe máy KHÔNG tuân thủ quy định “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
“Mặc dù các quy định pháp luật có tính răn đe, vẫn chưa giảm được hết tình trạng nhiều vỉa hè, quán bia hơi vẫn choáng ngợp đỗ xe lộn xộn. Kể đến là số nhà số 5, số 7, số 9 phố Trần Phú”, ông Trịnh Thanh Phi cho biết.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023, địa bàn TP Hà Nội tình hình “điểm đen” ách tắc giao thông đã được cải thiện rõ rệt.
Hiện, cơ quan chức năng đã xóa bỏ 5 điểm gồm: Km4+800 đường Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, huyện Thạch Thất); Km35+500-Km35+600 quốc lộ 6 (huyện Chương Mỹ); Km26+800-Km27+300 và Km23+300 quốc lộ 3 (huyện Sóc Sơn); Km53+500 - Km53+530 quốc lộ 32 (huyện Ba Vì).
Về tình hình số vụ tai nạn, trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 419 vụ tai nạn, làm 212 người tử vong, 337 người bị thương, giảm 221 vụ, giảm 100 người tử vong, giảm 96 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều tuyến phố vẫn còn tình trạng tắc đường vào các khung giờ cao điểm, lực lượng chức năng đã ra quân, túc trực, xử phạt các phương tiện vi phạm.
Số liệu thống kê tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong 9 tháng năm 2023, đã xử lý 234.850 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 480 tỷ đồng; tạm giữ 59.533 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 42.735 trường hợp. Nguyên nhân các vụ vi phạm do không chú ý quan sát, đi sai phần đường, vượt sai quy định, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông,…
Kết quả tích cực trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CSGT, đa dạng hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các khu phố, trường học,…
Thông qua các hội nghị, trưng bày chuyên đề, tuyên truyền sâu rộng về trật tự an toàn giao thông tại các cấp trường học, trên hệ thống loa phường tại các khu phố, nút giao giao thông. Với sự chung tay của người dân và các cấp chính quyền trên tinh thần “thượng tôn pháp luật” sẽ từng bước cải thiện hình ảnh giao thông đô thị văn hinh, hiện đại hơn.
Qua kết quả rà soát của liên ngành (Sở Giao thông - vận tải Hà Nội và Công an TP Hà Nội), TP Hà Nội đã xử lý được 10/37 điểm ùn tắc giao thông, điều chỉnh tổ chức giao thông 37 nút giao, 6 tuyến trục chính nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời xử lý được 6/7 điểm đen tai nạn giao thông.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-xay-dung-van-hoa-giao-thong-356586.html