Ký hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt trị giá 2.821 tỷ đồng

Chiều 24/5, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 giữa Cục Đường sắt Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với giá trị 2.821 tỷ đồng.

 Hơn 11.000 công nhân, lao động ngành đường sắt sẽ không còn bị nợ lương khi đã có ngân sách bảo trì đường sắt mà không giải ngân được.

Hơn 11.000 công nhân, lao động ngành đường sắt sẽ không còn bị nợ lương khi đã có ngân sách bảo trì đường sắt mà không giải ngân được.

Theo hợp đồng được ký, Tổng công ty Đường sắt có trách nhiệm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và theo quy định của pháp luật; đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác.

Hợp đồng về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ký kết với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Phạm vi hợp đồng được ký kết bao gồm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; công tác khắc phục hậu quả bão lũ bước 1; công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất khác.

Thời gian thực hiện hợp đồng từ 0h ngày 1-1-2021 đến hết 31-12-2021. Tổng giá trị hợp đồng là 2.821 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, trong vòng 5 ngày làm việc, Bộ Giao thông vận tải sẽ tạm ứng cho Tổng công ty Đường sắt 50% giá trị phần công việc.

Trước đó, ngày 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công văn yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24-5-2021.

Trong 2.821 tỷ đồng ngân sách nhà nước dành cho bảo trì, duy tu tuyến đường sắt quốc gia có 10% dùng cho sửa chữa định kỳ các công trình hư hỏng nặng, gần 10% sắm vật tư thay thế, 2% chi máy móc thiết bị, dự phòng bão lũ, hơn 70% là trả lương cho 11.315 công nhân duy tu, tuần đường, gác chắn, lao động gián tiếp.

Chỉ đạo này đã chốt lại tranh luận giao tiền bảo trì cho Bộ Giao thông vận tải hay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam suốt thời gian qua. Cùng với đó, hơn 11.000 công nhân, lao động ngành đường sắt sẽ không còn bị nợ lương khi đã có ngân sách bảo trì đường sắt mà không giải ngân được.

Viết Dinh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ky-hop-dong-bao-tri-ket-cau-ha-tang-duong-sat-tri-gia-2821-ty-dong-d21330.html