Ký hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng lao động?
Nếu bà Hồng có sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương với công ty và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp thì 2 bên phải ký hợp đồng lao động
HỒ THỊ HỒNG (quận Tân Bình, TP HCM) hỏi: "Tôi được công ty ký hợp đồng dịch vụ làm vệ sinh văn phòng theo giờ, 3 giờ/ngày, 3 buổi/tuần. Tôi thuộc quản lý của phòng tổ chức - hành chính và tiền lương sẽ trả căn cứ vào thời gian thực tế làm việc, không được tham gia BHXH, BHYT. Xin hỏi trường hợp của tôi là ký hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng lao động (HĐLĐ)?".
Luật sư TRẦN HỮU TÍN, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trả lời: Điều 13 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ. Trước khi nhận NLĐ vào làm việc thì NSDLĐ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ.
Bên cạnh đó, tại điều 32 bộ luật này quy định NLĐ làm việc không trọn thời gian là NLĐ có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. NLĐ thỏa thuận với NSDLĐ làm việc không trọn thời gian khi giao kết HĐLĐ. NLĐ làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với NLĐ làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Như vậy, nếu bà Hồng có sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương với công ty và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của doanh nghiệp thì 2 bên phải ký HĐLĐ.