Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng Khóa XVITháo gỡ 'điểm nghẽn', quyết đáp kịp thời
6 tháng đầu năm 2025, trước yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương trước hợp nhất đã chủ động đổi mới phương thức hoạt động, rà soát và điều chỉnh kịp thời chính sách đáp ứng hiệu quả các yêu cầu cấp thiết. Hoạt động giám sát được triển khai trọng tâm, góp phần tháo gỡ 'điểm nghẽn' ở cấp cơ sở, đặc biệt trong các dự án sử dụng vốn ngân sách...
Đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp thiết
Nhìn lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2025 có thể thấy, thực hiện chủ trương của Trung ương, chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Hải Dương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thường trực HĐND hai tỉnh, thành đã chủ động, đổi mới cách thức hoạt động để phù hợp, thích ứng với thực tiễn.
Thường trực HĐND đã chỉ đạo tổ chức rà soát, xác định các chính sách chịu tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm việc thực hiện rà soát thống nhất, hiệu quả. Trên cơ sở xác định các quy định pháp luật, nghị quyết của HĐND hai tỉnh, thành phố nhằm phân tích, đánh giá, từ đó kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới các văn bản; đồng thời, không tạo khoảng trống trong việc triển khai thực hiện chính sách, nhất là đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực an sinh, xã hội, quốc phòng, an ninh... Tại các kỳ họp, HĐND hai tỉnh, thành phố đã xem xét và thông qua 93 nghị quyết quan trọng, cấp bách, phục vụ yêu cầu sắp xếp tinh gọn bộ máy, bố trí vốn đầu tư công, quyết định một số cơ chế, chính sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố Hải Phòng (trước hợp nhất) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh Hoàng Tùng
Cùng với đó, hoạt động giám sát được tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đối với tỉnh Hải Dương trước hợp nhất, đáng chú ý đã tổ chức 1 Hội thảo tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do UBND cấp xã là chủ đầu tư. Kết luận Hội nghị đã được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện. Đến nay, cơ bản đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc tồn tại trong những năm qua của các dự án do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.
Kiến nghị chính sách đột phá thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học
Đối với thành phố Hải Phòng trước hợp nhất, Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo Đoàn giám sát của HĐND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND thành phố về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2024.
Đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả nổi bật của thành phố trong lĩnh vực luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Theo đó, cùng với hệ thống các văn bản pháp luật chuyên ngành ngày càng hoàn thiện tạo hành lang pháp lý cho các địa phương xây dựng chính sách, góp phần nâng cao tính minh bạch, phân cấp, trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong quản lý giáo dục. Giai đoạn 2020 - 2024, thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều chương trình, đề án, chính sách đặc thù trong lĩnh vực GDĐT có tính đột phá, sáng tạo. Nguồn lực ngân sách thành phố được ưu tiên bố trí ở mức cao, nhiều chính sách có quy mô lớn, tác động sâu rộng như hỗ trợ học phí, tăng thu nhập, hỗ trợ học sinh giỏi, giáo viên giỏi, đào tạo nghề trọng điểm.
Phương pháp dạy học từng bước chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, từ lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Hình thức tổ chức dạy học chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Mô hình phòng học thông minh, trường học thông minh được triển khai tạo đà thúc đẩy cho việc chuyển đổi số trong phương pháp, hình thức dạy học.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT của thành phố liên tục được duy trì trong nhóm dẫn đầu toàn quốc. Đặc biệt, thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường, gắn với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ số, góp phần cung ứng lực lượng lao động có kỹ năng cho các khu công nghiệp, lĩnh vực ưu tiên của thành phố cho mục tiêu xây dựng Hải Phòng thành trung tâm giáo dục - đào tạo hàng đầu khu vực duyên hải Bắc Bộ. Giáo dục thành phố tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Cùng với đó là những kiến nghị nổi bật về cơ chế, chính sách đáng chú ý như: kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành chính sách miễn học phí đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) thuộc ngành, nghề trọng điểm nhằm thu hút người học. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hệ thống chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề đào tạo làm căn cứ đánh giá, nghiệm thu chất lượng đào tạo, làm căn cứ đặt hàng đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Thành ủy, HĐND thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng phát triển đại học vùng duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo của thành phố, nhất là đối với giáo dục nghề kỹ thuật cao và giáo dục đại học...