Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV: ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và kết quả thực hiện phát triển kinh tế – xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ, tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.
Dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và các Đoàn ĐBQH. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận về các nội dung đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và các nội dung như: phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, sàn giao dịch bất động sản, điều tiết thị trường bất động sản, thanh toán tiền đặt cọc trong mua, bán, thuê mua công trình xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai… và các nội dung khác các đại biểu quan tâm.
Tại phiên thảo luận đã có 25 ý kiến phát biểu, 5 ý kiến tranh luận liên quan đến các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp, đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đối với nội dung về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu Triệu Quang Huy đồng tình với phương án 1. Cụ thể, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và đã được thực hiện giao dịch theo đúng quy định của pháp luật. Theo đại biểu, phương án này là phù hợp, ít rủi ro hơn đối với khách hàng…
Liên quan đến quy định thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu Triệu Quang Huy lựa chọn phương án 1 để thống nhất trong công tác quản lý, hài hòa giữa quyền lợi của nhà đầu tư và khách hàng. Cụ thể, nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung 3 nguyên nhân nêu tại báo cáo số 577 của Chính phủ, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.
Về độ mở của nền kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở cao nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy. Vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta; xác định độ mở phù hợp cũng như nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta. Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.
Về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu đề nghị phải rà soát kỹ để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp và nhiệm vụ. Trên sơ sở rà soát, đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao. Trong đó, đại biểu đề nghị Quốc hội quan tâm đến 3 nhóm giải pháp về tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa, tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; đại biểu nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công. Cùng với đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề nghị trong Kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Nhóm giải pháp thứ ba, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/ tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Đại biểu mong các vị ĐBQH quan tâm, ủng hộ quy định này.