Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/5/2024
Dự kiến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 27/6/2024. Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày.
Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong 26 ngày làm việc, chia thành 2 đợt
Báo cáo tại phiên họp chiều 17/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 là 26 ngày; trong đó có 2 ngày thứ Bảy (ngày 25/5 và 08/6).
Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 là 17 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024. Đợt 2 là 9 ngày, từ ngày 17/6 đến sáng ngày 27/6/2024.
Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp
Căn cứ đề xuất Chính phủ và các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung 6 nội dung vào dự kiến Chương trình Kỳ họp, bao gồm:
Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Phương án xử lý nguồn tiền thực hiện phán quyết của Trọng tài quốc tế Vụ kiện Hợp đồng dầu khí Lô 01&02; Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng…
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung trình Quốc hội một số nội dung khác như: Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác; Nghị quyết về thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương Quốc Anh và Bắc Ai-Len; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2023; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 20245, tầm nhìn đến năm 2065…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, UBTVQH đã bố trí thời gian dự phòng tại phiên họp tháng 4 và tháng 5/2024 để xem xét, cho ý kiến trong trường hợp Chính phủ gửi hồ sơ tài liệu bảo đảm thời hạn quy định, cơ quan của Quốc hội thẩm tra đủ điều kiện, chất lượng để trình. Trên cơ kết luận của UBTVQH, trường hợp các nội dung đủ điều kiện trình Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp thu và bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 7.
Công tác chuẩn bị nội dung Kỳ họp có chuyển biến tích cực hơn
Tham gia ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhất trí với dự kiến sắp xếp được nêu. Tuy nhiên, liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, có nội dung lớn chưa được Chính phủ xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, chưa gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Do vậy, đề nghị Chính phủ cho biết thêm thông tin về vấn đề này.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong Kỳ họp này, dự kiến nội dung trình là rất lớn, trong đó, có nhiều luật được thông qua cũng như xin ý kiến lần đầu, Chính phủ sẽ tiếp tục tích cực đôn đốc để sớm hoàn thiện các nội dung trình. Tuy nhiên, còn một số nội dung báo cáo cần cập nhật, tổng hợp dữ liệu, số liệu để đảm bảo kịp thời, chính xác, nên các cơ quan trình sẽ tiếp tục cập nhật để gửi tới các đại biểu Quốc hội đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa là chương trình phải báo cáo Bộ Chính trị trước khi chính thức trình Quốc hội. Đây là nội dung quan trọng, có nhiều tính trừu tượng, nhạy cảm. Đến nay, hồ sơ chuẩn bị cho chương trình này chưa đầy đủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nội dung này cần được xem xét, thảo luận qua 2 kỳ họp, đảm bảo cẩn trọng, chặt chẽ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã quan tâm chuẩn bị nội dung từ sớm, từ xa, có nhiều văn bản chỉ đạo, nên so với những kỳ họp trước, Chính phủ đã có chuyển biến tích cực hơn trong chuẩn bị nội dung Kỳ họp.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, UBTVQH đánh giá cao nỗ lực, tinh thần làm việc, sự chủ động, khẩn trương của các cơ quan trong chuẩn bị hồ sơ tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao nhất, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu, cố gắng gửi tài liệu đúng hạn theo quy định./.