Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ
Ngày 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, buổi sáng Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các nội dung: Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đoàn ĐBQH Hà Nam thảo luận ở tổ 16 gồm các tỉnh: Hà Nam, An Giang, Lai Châu, Kon Tum.
Tham gia ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng cho rằng: Đây là một dự án luật lớn, sửa đổi toàn diện về tổ chức, hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, có tác động đến mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước ở địa phương, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, là cơ sở để bộ máy nhà nước thành lập sau khi luật có hiệu lực được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, đại biểu đề xuất một số ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về đơn vị hành chính, tại khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật quy định: "Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp gồm có: tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã)". So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, điểm a, khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật đã bỏ cụm từ "trực thuộc trung ương”. Tuy nhiên, khái niệm " tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương" vẫn được quy định tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cụ thể: "Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: (1) Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố)…(2) Đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương)". Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bảo đảm thống nhất giữa quy định của dự thảo luật với các văn bản có liên quan của Đảng, Nhà nước.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu ý kiến thảo luận.
Đối với với quy định về phân quyền khoản 3, Điều 12 của dự thảo Luật quy định: "UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương", tuy nhiên dự thảo luật chưa có quy định về cơ chế xem xét, giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất UBND cấp tỉnh, tương tự như quy định tại khoản 6, Điều 13 của dự thảo luật về phân cấp, cụ thể: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh và UBND cấp xã sau khi nhận được nội dung đề xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 5 Điều này có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Trường hợp không thực hiện theo nội dung đề xuất thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do". Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định tương ứng về trách nhiệm xem xét, giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất của UBND cấp tỉnh về phân quyền quy định tại khoản 3 Điều 12 để bảo đảm tính thống nhất, thuận lợi trong thực hiện.
Về ủy quyền điểm a khoản 2 Điều 14 dự thảo luật quy định “Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải xác định cụ thể nội dung, phạm vi và thời hạn ủy quyền, cách thức thực hiện và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền”. Tuy nhiên tại khoản 5, Điều 14 quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền điều chỉnh nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền; không được ủy quyền tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền”.
Như vậy việc điều chỉnh chỉ thực hiện về nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền mà không quy định việc điều chỉnh cách thức thực hiện và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 5 Điều 14 theo hướng cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị điều chỉnh tất cả các nội dung của văn bản ủy quyền để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền, trong đó quy định về cách thức thực hiện và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền…
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương 02 cấp theo quy định của dự thảo luật, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây, tránh bỏ sót, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.
Đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (CBCC), đại biểu Phạm Hùng Thắng đề xuất một số ý kiến cụ thể về quyền của CBCC. Theo đó quy định tại Điều 10 dự thảo đã bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ của CBCC. Tuy nhiên, để bảo đảm tốt hơn các điều kiện cho CBCC thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhất là sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều CBCC, nhất là CBCC không giữ chức vụ lãnh đạo phải làm việc xa nơi ở thì việc bố trí phương tiện, nhà ở công vụ giúp đội ngũ này sớm ổn định chỗ ở, điều kiện làm việc là hết sức cần cần thiết. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và điểm b khoản, 2 Điều 45 của Luật Nhà ở năm 2023 để các đối tượng CBCC nhất là CBCC không giữ chức vụ lãnh đạo được bố trí và thuê nhà ở công vụ…
Góp ý vào dự án Luật CBCC và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Hà Nam Trần Văn Khải cho rằng: Dự án Luật CBCC và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này đã có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, một số chủ trương quan trọng của Đảng nêu trong Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 18-NQ/TW chưa được thể chế hóa đầy đủ trong các dự thảo. Đề nghị cần tiếp tục thảo luận, bổ sung để luật pháp bám sát chủ trương, đường lối, đáp ứng yêu cầu phát triển…