Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sớm hơn thông lệ với nhiều nội dung quan trọng
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sớm hơn thông lệ với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến về 06 dự án luật khác.
Chiều 4/5, tại Nhà Quốc hội diễn ra họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể vào ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025 với tổng thời gian làm việc là 37 ngày
Về dự kiến chương trình và nội dung của Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 5/5 đến ngày 29/5/2025; Đợt 2: từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác;
Đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến về 06 dự án luật khác.
Quốc hội sẽ xem xét 14 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, cụ thể: xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025;
Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;
Xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sớm hơn thông lệ với nhiều nội dung quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề thực sự cấp thiết vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11 phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; điều chỉnh những luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Kỳ họp thứ 9. Ảnh: quochoi.vn
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Kỳ họp thứ 9; tuyên truyền về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhất là việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chú trọng thông tin tại vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, lưu ý các cơ quan báo chí cần bám sát Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền và Đề cương tuyên truyền về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, đối với công tác thông tin, tuyên truyền về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các cơ quan báo chí cần lưu ý việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Do đó, đề nghị các cơ quan báo chí cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; bám sát Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự án do Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công khai trình Quốc hội...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quốc hội phối hợp với Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, kết quả nghiên cứu của Đảng ủy Quốc hội và các cơ quan, đã được báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có tờ trình gửi đại biểu và sẽ báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc 5/5 về việc sửa đổi Hiến pháp. Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, nội dung sửa đổi cụ thể chưa được đề cập, nhưng các vấn đề tập trung nghiên cứu đã được nêu. Cụ thể là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định tại chương 9 của Hiến pháp liên quan chính quyền địa phương các cấp.
Với nội dung, phạm vi nghiên cứu sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu theo hướng ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Số điều của Hiến pháp có khả năng sửa khoảng 8 điều trên tổng số 120 điều.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho biết, ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Sau khi thành lập, Ủy ban này sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.
Cùng với đó, dự thảo nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ được công bố lấy ý kiến toàn dân trong khoảng 1 tháng, bắt đầu từ 6/5. Sau đó, Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến của Nhân dân và đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, chậm nhất trước ngày 26/6, để làm cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương 2 cấp.