Kỳ họp thứ Chín - minh chứng rõ nét khẳng định ý Đảng hợp với lòng dân, phù hợp yêu cầu cấp thiết của thực tiễn
Chiều 10/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ Chín và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử quan trọng
Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Chín và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XV do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày. Theo đó, Kỳ họp thứ Chín đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, kết quả nổi bật và thành công của Kỳ họp là minh chứng rõ nét khẳng định ý Đảng hợp với lòng dân và phù hợp với yêu cầu cấp thiết có tính tất yếu khách quan của thực tiễn đất nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; vai trò, trách nhiệm cao của Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ; sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng nội dung của Kỳ họp; sự tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các ĐBQH; sự tham gia, đưa tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả Kỳ họp của các cơ quan thông tấn, báo chí ở cả Trung ương và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp.
Hạn chế đề nghị điều chỉnh chương trình trong thời gian diễn ra Kỳ họp
Về bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 19 dự án luật và cho ý kiến về 2 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác.
Ngoài ra, hiện nay Chính phủ đã có đề nghị bổ sung thêm nhiều dự án khác vào Chương trình lập pháp năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ điều chỉnh dự kiến nội dung Kỳ họp theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về dự kiến thời gian họp, Văn phòng Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 10 theo 2 đợt (thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp khoảng từ 7 - 9 ngày) và dự kiến Kỳ họp diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc, trong đó: đợt 1 kéo dài khoảng 20 ngày; đợt 2 kéo dài khoảng 10 ngày.
Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Mười, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo các cơ quan chủ động rà soát đầy đủ các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp; hạn chế đề nghị bổ sung, điều chỉnh chương trình trong thời gian diễn ra Kỳ họp; chỉ đạo hoàn thiện sớm tài liệu bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ trì khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, tổ chức thẩm tra các dự án luật, nghị quyết, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề xuất những nội dung, dự án cần thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức…
Công tác điều hành khoa học và phù hợp với diễn biến thực tế tại Kỳ họp
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp thứ Chín đã diễn ra thành công tốt đẹp chương trình đề ra, có ý nghĩa lịch sử cả về tính chất và số lượng nội dung, là những quyết sách quan trọng được sự thống nhất cao trong Đảng và Nhân dân.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chương trình Kỳ họp được bố trí linh hoạt, hợp lý, công tác điều hành khoa học và phù hợp với diễn biến thực tế tại Kỳ họp. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng hết sức linh động trong rà soát các nội dung. Các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp được chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo, tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và các luật, nghị quyết đều rất cao.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rút kinh nghiệm một số vấn đề trong chuẩn bị tổ chức Kỳ họp, như: một số nội dung được các cơ quan đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp trong thời gian rất gấp; một số tài liệu gửi đến ĐBQH sát thời điểm tiến hành thảo luận; một số nội dung đã được bố trí từ đầu nhưng phải điều chỉnh thời gian, tiến hành nhiều lần…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến, hoàn thành Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV gửi các ĐBQH và các cơ quan hữu quan theo quy định.
Về việc chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Văn phòng Quốc hội.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Về các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát kỹ lưỡng, dự án Luật nào trình theo quy trình 2 Kỳ họp thì có thể rút lại vì Quốc hội chỉ còn 1 kỳ họp nữa; tập trung chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Mười nhằm giải quyết cấp bách những vướng mắc, khó khăn trong điều hành lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhất trí tại Kỳ họp thứ Mười, các cơ quan chuẩn bị báo cáo về công tác nhiệm kỳ, trong đó có lồng ghép báo cáo công tác năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Văn phòng Quốc hội tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Mười tại phiên họp tới.