Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Thảo luận trực tuyến về một số dự án luật, tờ trình, báo cáo

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 29/10, các đại biểu tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); thảo luận tại tổ về một số tờ trình, báo cáo liên quan đến vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Các đại biểu Quốc hội Ninh Bình tham gia phiên họp tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu Quốc hội Ninh Bình tham gia phiên họp tại điểm cầu Ninh Bình.

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham dự thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Ninh Bình.

Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho ra rằng, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát...

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật này với các luật khác có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Thanh tra…

Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, một số đại biểu đánh giá cao việc xây dựng chính sách, điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, quy định còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện, mà chưa quy định cụ thể về việc khuyến khích và tạo điều kiện này.

Có đại biểu đề nghị cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù và cần xây dựng một chương riêng cho dự thảo; cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; quy định rõ các chính sách khuyến khích trong việc tổ chức triển khai sản phẩm là bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm; quy định cụ thể những đối tượng được nhận bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp; thiết kế sản phẩm bảo hiểm, hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp…

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; bảo hiểm bắt buộc; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm; các quy định về bảo hiểm vi mô…

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo chương trình, chiều nay, sau khi nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về: dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về các nội dung này.

Các nội dung của kỳ họp sẽ được Báo Ninh Bình tiếp tục cập nhật.

Mai Lan - Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-truc-tuyen-ve-mot/d2021102914522497.htm