Kỳ I: Hiện đại hóa sản xuất để giữ lửa nghề

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào sản xuất tại các làng nghề, nghề truyền thống là hướng đi tất yếu hiện nay. Bởi đây là yếu tố quan trọng, cấp thiết giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động và bảo vệ môi trường.

Công nhân trang trí sản phẩm tại Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát xã Yên Thành (Yên Mô). Ảnh: Anh Tuấn

Công nhân trang trí sản phẩm tại Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát xã Yên Thành (Yên Mô). Ảnh: Anh Tuấn

Ninh Bình là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhiều làng nghề truyền thống còn lưu tồn đến ngày nay. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 76 làng nghề được công nhận, 3 nghề truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Uy tín, tên tuổi của nhiều nghề, làng nghề đã được khẳng định trên thị trường như: Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề gốm cổ Bồ Bát, nghề thêu truyền thống Văn Lâm, nghề cói Kim Sơn... Nhiều nghề truyền thống, làng nghề tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn của địa phương như mây tre, cói, đất sét.

Bên cạnh đó, với sự khuyến khích, hỗ trợ của các cấp, ngành trong tỉnh, nhiều làng nghề trên địa bàn đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị, nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào, nhiều nghệ nhân có tay nghề cao, giàu tâm huyết với sự phát triển của làng nghề, sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ để gìn giữ nghề. Một trong những làng nghề được lưu danh là làng gốm cổ Bồ Bát, tại thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tương truyền là nơi khởi nguồn của làng gốm Bát Tràng ngày nay.

Với việc chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sản phẩm của làng nghề gốm Bồ Bát đến nay đã được hồi sinh và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường. Đặc biệt, để hỗ trợ nghề gốm Bồ Bát truyền thống phát triển, tỉnh đã hỗ trợ Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp quy mô công nghiệp phát triển thương hiệu gốm Bồ Bát huyện Yên Mô”.

Dự án được thực hiện từ tháng 1/2021, kết thúc tháng 5/2023; với mục tiêu chính là: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao giá trị của sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ, hoàn thiện công nghệ để tạo ra các sản phẩm gốm có chất lượng cao với chi phí thấp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển thương hiệu gốm Bồ Bát.

Ông Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát cho biết: Để triển khai dự án trên, Công ty đã thực hiện thử nghiệm việc xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất gốm sứ dân dụng cao cấp công suất 400 tấn sản phẩm/ năm, 100 tấn sản phẩm gốm sứ dân dụng cao cấp đạt chất lượng độ trắng lớn hơn 75%, sản xuất được 30 tấn bát, đĩa, 30 tấn bộ đồ uống gồm: ấm, chén, ca, cốc và 40 tấn bộ đồ thờ gồm: bát hương, lộc bình, lọ hoa. Cùng với đó là hoàn thiện công nghệ sản xuất gốm sứ dân dụng cao cấp.

Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận các quy trình công nghệ sản xuất, hoàn thiện công nghệ phối liệu xương, men sứ mỏng, công nghệ đổ rót áp lực cao bán tự động, công nghệ sấy sản phẩm mộc bằng tận thu hồi nhiệt thừa trong lò nung và công nghệ nung tự động sử dụng phương pháp nung gián đoạn với vòi đốt cưỡng bức, đã đào tạo 6 công nhân có tay nghề cao, chủ động vận hành và sử dụng thành thạo máy móc, trang thiết bị hiện đại, giảm được 25% lượng tiêu hao nhiên liệu do sử dụng lò nung thiết kế theo công nghệ hiện đại, có chế độ nung tự động.

Với sự quan tâm tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong tỉnh hiện nay, sản phẩm gốm Bồ Bát đã khẳng định được thương hiệu của làng nghề truyền thống 3.000 năm, mở ra mô hình mới, hiệu quả với nhiều sản phẩm có mẫu mã đa dạng, có hình ảnh truyền thống địa phương độc đáo, ứng dụng công nghệ mới, giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là ở vùng nông thôn.

Cũng như làng nghề gốm Bồ Bát, làng nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư) với lịch sử hình thành gần 1 nghìn năm cũng trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được tinh hoa làng nghề nhờ bắt nhịp với công nghệ hiện đại và nhu cầu thị trường để vươn mình mạnh mẽ.

Tương truyền rằng, nghề thêu xuất hiện từ khi Vua Trần thắng giặc Nguyên Mông, dân làng đã được bà Trần Thị Dung dạy cho cách chăn tằm, dệt vải, thêu thùa. Thế kỷ XX, trong làng có 2 anh em dòng họ Đinh lên Hà Nội học thêm nghề thêu ren của người Pháp về dạy cho dân làng. Từ đó đến nay, sản phẩm thêu tay của Văn Lâm phát triển mạnh mẽ.

Theo ông Vũ Huy Toàn, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) cho biết: Là làng nghề nằm trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, ngay tại Khu du lịch Tam Cốc Bích Động, Văn Lâm có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa nét văn hóa làng nghề cũng như những sản phẩm truyền thống đến gần hơn với du khách và bạn bè quốc tế. Do vậy, để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, Ninh Hải đã có nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Hàng năm, xã phối hợp với các Trung tâm đào tạo nghề để dạy nghề cho người dân; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.

UBND xã cũng khuyến khích các doanh nghiệp và người dân làm nghề thêu tập trung đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, nghiên cứu thiết kế đa dạng mẫu sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch và xuất khẩu; mở rộng liên doanh, liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Ứng dụng công nghệ vào việc đổi mới mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế là chìa khóa để sản phẩm thêu ren truyền thống của Văn Lâm khẳng định thương hiệu của mình”.

Đó là khẳng định của chị Đinh Thị Ngân, đại diện Công ty TNHH thêu Minh Trang (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Chị Ngân cho biết, tuy nghề thêu ren đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại công nghệ số nhưng làng nghề này tại Ninh Bình nói chung và Công ty đã và đang linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với xu hướng mới.

Công ty tạo ra những thiết kế thêu ren phù hợp với phong cách và xu hướng thời trang hiện đại. Đến nay, các sản phẩm của Công ty không chỉ được người tiêu dùng trong nước yêu thích mà còn được nhiều khách hàng tại các nước như Đức, Nhật, Anh... đặt hàng.

Với sự quan tâm và đánh giá cao về giá trị văn hóa, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Làng nghề thêu ren Văn Lâm là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Đây là bước quan trọng trong việc tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của Ninh Bình. Từ đó, việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giới hạn trong làng nghề thêu ren Ninh Bình mà còn lan tỏa ra cộng đồng.

Những khóa đào tạo và hội thảo về nghề thêu ren đã được Sở Công Thương tổ chức để truyền dạy kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho thế hệ trẻ, đảm bảo nghề thêu ren không bị mai một và tiếp tục phát triển trong tương lai. Đồng thời, việc xây dựng các chương trình du lịch văn hóa quanh làng nghề thêu ren cũng giúp du khách hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của Ninh Bình.

Có thể khẳng định, với sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các chính sách, các cơ sở công nghiệp nông thôn được tiếp cận phương thức quản lý và công nghệ sản xuất mới đã khai thác có hiệu quả ngành nghề phù hợp tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy các làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh phát triển.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ còn hạn chế trong sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Chính vì vậy, để nghề và làng nghề truyền thống đứng vững trên thị trường cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó việc đổi mới sáng tạo được coi là “chìa khóa” để làng nghề truyền thống phát triển bền vững.

Bảo Yến

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-i-hien-dai-hoa-san-xuat-de-giu-lua-nghe-662914.htm