Kỳ I: 'Người bạn vĩ đại' của cựu Đại tá tình báo Mỹ
Bác Hồ đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với cựu Đại tá tình báo Mỹ Archimedes Patti, nhân chứng quốc tế hiếm hoi chứng kiến Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.
LTS: Vừa qua, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam (ngày 10-11/9/2023). Tại đây, lãnh đạo hai nước đã chính thức nhất trí nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Nhận định về động thái này, Đại sứ Hà Huy Thông (*) cho rằng điều này là phù hợp với mong muốn từ lâu của Bác Hồ về xây dựng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ngay cả khi hai nước từng trải qua những “chương buồn nhất”. Quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ này cũng phù hợp lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước, trong đó có những người Mỹ kính trọng và ngưỡng mộ Hồ Chí Minh.
Trong những người Mỹ đó, 4 nhân vật đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với Đại sứ Hà Huy Thông. Dù tiếp xúc với Việt Nam nói chung và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở hoàn cảnh khác nhau song trong các phát biểu riêng biệt, họ đều coi Bác Hồ là “vĩ nhân” và khẳng định: “Vĩ nhân tư duy giống nhau (Great Men think alike)”.
Người đầu tiên trong số đó là ông Archimedes Patti, nguyên là Đại tá tình báo thuộc Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ (OSS), tiền thân của Cục Tình báo Trung ương (CIA), ở Nam Ninh. Ông phụ trách khu vực Đông Dương năm 1943-1945 và đã giúp đỡ Việt Nam trong những ngày đầu.
Đặc biệt, không chỉ nhiều lần gặp “người bạn vĩ đại” là Bác Hồ, ông được đích thân Người mời tới Hà Nội cuối tháng 8/1945 để trở thành chứng nhân quốc tế hiếm hoi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với trích dẫn nổi tiếng từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ ngày 4/7/1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Sau đó, dù đã kết thúc nhiệm vụ, ông vẫn gắn bó với Việt Nam. Năm 1980, ông viết cuốn “Tại sao Việt Nam? Khúc dạo đầu của chim Hải Âu của Hoa Kỳ” (Why Viet Nam? Prelude to America’s Albatross) để góp phần trả lời “câu hỏi cấp thiết” nhất với học giả châu Á lúc đó là: “Điều gì đã xảy ra ở Việt Nam vào năm 1945?”
Năm 1982, ông đã trở lại Việt Nam theo lời mời của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học Xã hội). Trong thời gian ở Hà Nội từ 30/8-10/9, ông đã gặp và tặng cuốn “Tại sao Việt Nam?” khi làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Khoa học Xã hội, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao, mấy viện nghiên cứu và những người đã từng phục vụ hay nghiên cứu về Bác Hồ.
Ông đề nghị được thăm những nơi ông đã được gặp Hồ Chủ tịch. Đồng thời, ông gặp gỡ Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Minh Giám (Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ từ 30/8/1945 đến 22/3/1946, rồi Bộ trưởng Ngoại giao tháng 3/1947-4/1954), thăm Phủ Chủ tịch, 19-21 phố Hai Bà Trưng (nguyên trụ sở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ), 48 phố Hàng Ngang (nơi ông kể đã được Bác Hồ mời đến gặp và hỏi về Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776), Học viện Ngoại giao, các Viện Bảo tàng, Viện nghiên cứu… ở Hà Nội.
Tối ngày 1/9/1982, ông được mời tham dự buổi Lãnh đạo cấp cao Việt Nam chiêu đãi khách quốc tế nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Quốc khánh (2/9/2945-1982).
Trong các sự kiện đó, tôi may mắn được Bộ giao tháp tùng ông vào viếng Lăng Bác và thăm Nhà sàn của Bác Hồ, để ông “gặp lại Người bạn vĩ đại” khi việc người Mỹ vào viếng Lăng Bác phải được cân nhắc và thu xếp rất chu đáo.
Đứng trước cửa Lăng Bác, ông đề nghị tôi dịch dòng chữ “Không gì quý hơn độc lập và tự do” trước cửa vào. Suy nghĩ một lúc, cựu Đại tá OSS nói: “Đây không thể là câu của một người châu Á thường theo đạo Phật, đạo Khổng…. Đây là tư tưởng văn minh của nhân loại và là tư tưởng lớn của nhiều vĩ nhân trên thế giới hàng nghìn năm nay, ở cả phương Đông và phương Tây, về Hòa bình, Dân chủ, Độc lập, Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Hạnh phúc... Nhưng có lẽ, Hồ Chí Minh là người đúc kết lại thành chân lý này ngắn gọn và súc tích nhất. Chính Hồ Chí Minh đã đặt tên nước ‘Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’ ngay từ ngày 2/9/1945.”
Khi thăm Nhà sàn Bác Hồ, ông Patti cho biết lần đầu tiên đến vì năm 1945 chưa có khi gặp Hồ Chí Minh. Ông xem kỹ cảnh quan, bố trí các căn phòng, nhà sàn, các cuốn sách Bác đọc… và rất ngưỡng bộ sự bình dị, khiêm tốn, chia sẻ với đất nước đang bị chiến tranh, đời sống nhân dân còn khó khăn.
Theo ông, dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng phong cách sống của Hồ Chủ tịch rất tinh tế như ham đọc sách báo về tình hình trong nước cùng quốc tế, sống rất nhân văn, yêu quý cán bộ phục vụ, động vật như chim, cá, yêu thiên nhiên, chăm lo cây hoa trong vườn…. như nhiều vĩ nhân khác trên thế giới.
Trước khi rời khu Nhà sàn, ông Patti nhắc lại với chúng tôi đi theo tháp tùng và những anh chị em trông nom khu Nhà sàn đã đón và hướng dẫn, kể những câu chuyện về Hồ Chủ tịch khi sống và làm việc ở đây cho ông, câu: “Great Men think alike” (Vĩ nhân tư duy giống nhau).
Khi đó, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn khó khăn, thậm chí bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của khủng hoảng. Sau khi đi thăm một số nơi tại Hà Nội, ông hỏi về tình trạng khó khăn ở Việt Nam lúc đó. Trao đổi với chúng tôi, ông nhấn mạnh: “Từ các cuộc trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945, tôi tin rằng những khó khăn này chắc chắn không phải điều “Ông Hồ” mong muốn cho nhân dân mình”.
Bẵng đi một thời gian, vào một ngày đầu năm 1990, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của ông Archimedes Patti gọi đến Phái đoàn Việt Nam ở Liên hợp quốc. Ông hỏi thăm và muốn cập nhật tình hình Việt Nam. Ông tỏ rất vui khi được biết Việt Nam đã bắt đầu Đổi mới từ năm 1986, rút hết quân khỏi Campuchia từ 26/9/1989, phối hợp các nước liên quan thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Campuchia, giải quyết khủng hoảng kinh tế-xã hội từ giữa những năm 1980. Việt Nam, từ một nước nông nghiệp phải đi nhập khẩu gạo, đã bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 1989. Đồng thời, đất nước đạt nhiều thành tựu đối ngoại quan trọng. Quan hệ với các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, từng bước cải thiện….
Gửi lời chúc mừng Việt Nam, ông cũng đề nghị tôi và Phái đoàn thu xếp để ông vào dự Hội thảo khoa học quốc tế nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch (19/5/1890-1990) và cho biết ông dự kiến có tham luận, chủ yếu đề cập khía cạnh “con người” và “nhân văn” của Hồ Chí Minh.
Sau khi dự Hội thảo nhân dịp 100 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch ở Hà Nội, tháng 5/1990, khi trở về Hoa Kỳ, ông Patti lại gọi điện cảm ơn và nói: “Ông ấy (Chủ tịch Hồ Chí Minh) là vĩ nhân”.
Khi được biết Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày lập quốc (2/9/1945-1990), cựu Đại tá OSS cũng chúc đất nước và nhân dân Việt Nam xây dựng một nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập, Tự do và Hạnh phúc” như “Ông Hồ” hằng mong ước ngay từ thuở lập quốc, ngày 2/9/1945.
Đại sứ Hà Huy Thông nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, từng có nhiều năm năm công tác tại Vụ Châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao. Ông từng tham gia cuộc đàm phán Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức đầu tiên về bình thường hóa quan hệ ở New York (năm 1991), làm Trưởng đoàn tiền trạm (năm 1994) đi mở Cơ quan liên lạc (sau là Đại sứ quán) Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-i-nguoi-ban-vi-dai-cua-cuu-dai-ta-tinh-bao-my-243294.html