Kỳ I: Từ muôn nẻo mưu sinh

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hàng nghìn lao động của tỉnh đang làm việc ở các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… đã phải trở về quê. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cũng như giải pháp để giải bài toán về cung – cầu giữa lao động và việc làm khi mà số ca mắc COVID-19 mới vẫn đang tăng mạnh ở nhiều địa phương…

Ngay sau khi hoàn thành cách ly y tế theo quy định, chị Thập cùng chồng nhanh chóng đi khắp nơi tìm kiếm việc làm. Thời gian đầu ai thuê gì chị làm nấy nhưng công việc bấp bênh, nguồn thu không đảm bảo khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Tới tháng 9/2021, chị Thập vô tình đọc được thông tin tuyển dụng của HTX Dịch vụ nông nghiệp May Việt Thịnh và đến thử việc.

Chị cho biết: May mắn đã mỉm cười khi tôi có việc làm ổn định tại HTX May Việt Thịnh. Thu nhập trung bình mỗi tháng theo sản phẩm cũng được từ 5 – 8 triệu đồng. Tuy không cao như trước kia nhưng vẫn đủ chi tiêu cho gia đình tại vùng nông thôn như thế này.

Tại xã Đại Phạm, từ đầu năm đến nay, toàn xã có hơn 100 lao động hồi hương trở về. Ông Nguyễn Thế Anh – Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc làm tại địa phương hiện không đáp ứng đủ nhu cầu tìm việc của người dân.

Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, một số người dân làm việc tại các xưởng ván bóc có quy mô nhỏ tại xã; còn phần lớn làm công nhân tại KCN thuộc tỉnh Yên Bái giáp ranh. Tuy nhiên, hiện nay các xưởng bóc cơ bản không tuyển thêm người, nhiều bà con cũng ngại đi làm ăn xa nên tình trạng thiếu việc làm đối với các lao động hồi hương còn khá phổ biến.

Trước khi về, Mùa A Củ đã học tập và làm việc tại thủ đô Hà Nội được 8 năm với công việc văn phòng tại một công ty bất động sản, có mức lương ổn định 10 triệu đồng/tháng. Vợ Mùa A Củ làm công nhân, có thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng.

Với số tiền kiếm được, hàng tháng vợ chồng Củ để lại một ít làm chi phí sinh hoạt, số còn lại gửi về quê cho gia đình và các con. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội, công việc của hai vợ chồng cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, gia đình thường xuyên lo lắng, mong muốn các con sớm trở về nên vợ chồng anh quyết định rời thủ đô về quê làm lại từ đầu với ước mơ mở doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm rau sạch đặc trưng của miền núi.

Với lựa chọn này, tất cả đều mới lạ so với em. Để thực hiện các công việc, đầu tiên, Mùa A Củ lắp mạng wifi để thuận lợi cho việc tìm đọc thông tin về các kiến thức trồng rau củ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Sau đó, dùng số tiền đã tiết kiệm được đầu tư vào các chương trình, kế hoạch được đề ra.

Ông Lã Thái Sơn – Phó Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Tân Sơn cho biết: Theo thống kê đến tháng 10/2021, tại xã Thu Cúc có 236 lao động hồi hương. Trong đó, toàn huyện Tân Sơn là 3.305 người. Số lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm là 2.919 người.

Không như Mùa A Củ, đại đa số lao động hồi hương là lao động tự do, không có bằng cấp (3.290 người). Hầu hết những lao động này đều có chung một mong muốn là sớm tìm được công việc ổn định để trang trải gánh nặng mưu sinh.

Do những ảnh hưởng của dịch bệnh, dòng chảy các lao động hồi hương đổ dồn về các địa phương là khá lớn và hầu như không có sự dự báo trước. Những người đã đi xa để mưu sinh giờ quay trở lại tìm cách thích ứng trên chính mảnh đất quê hương, mong muốn được ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp như thế nào, liệu các lao động hồi hương ấy có đáp ứng được các yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra ?

Vĩnh Hà - Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202201/ky-i-tu-muon-neo-muu-sinh-182186