Kỳ II: Giải bài toán tài sản dôi dư

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương đúng đắn, vừa góp phần tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa ích nước, tiết kiệm chi ngân sách địa phương. Phú Thọ là tỉnh có số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sáp nhập lớn thứ ba cả nước với gần 30% số xã. Do đó, sau sáp nhập, bài toán sắp xếp, xử lý tài sản nhà, đất dôi dư cần được giải quyết một cách quyết liệt, theo đúng quy định của pháp luật.

Xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Trụ sở UBND xã Văn Lương cũ, huyện Tam Nông được phê duyệt phương án điều chuyển cho Trường Mầm non Văn Lương, hiện đang hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng công trình mới.

Linh hoạt trong xây dựng phương án

Thực hiện Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đồng thời thực hiện chỉ đạo về xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 12/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đã ký ban hành Văn bản số 1121/UBND-KTTH, ngày 25/3/2021 về việc sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh; yêu cầu UBND các huyện, thành, thị phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung chỉ đạo, khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện phương án sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư thuộc phạm vi quản lý.

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã nhanh chóng ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện theo quy định. Khi xây dựng phương án, các địa phương đều tính đến việc phát huy hiệu quả sử dụng của tài sản.

Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, việc sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất là nhà văn hóa khu dân cư dôi dư, các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến, thống nhất với nhân dân địa phương về phương án sắp xếp. Đối với tài sản là trụ sở làm việc, việc sắp xếp tài sản được các địa phương thực hiện đảm bảo các nguyên tắc theo tiêu chuẩn, định mức, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở nhằm đảm bảo hoạt động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; ưu tiên trụ sở có diện tích rộng, vị trí trung tâm, giao thông thuận tiện để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch, có điều kiện phát triển trong tương lai.

Đối với các trạm y tế, trên cơ sở Đề án đã được phê duyệt, ngành Y tế đã tập trung xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà, đất, cơ sở vật chất của các trạm y tế; lựa chọn trạm y tế xã mới sau sáp nhập, giúp mọi người dân thuận tiện đến tiếp cận dịch vụ y tế cả về giao thông và khoảng cách. Mặt khác cũng tính đến yếu tố có sẵn về cơ sở vật chất kiên cố, khang trang, đáp ứng yêu cầu triển khai hoạt động chuyên môn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế của Bộ Y tế ban hành.

Đối với các cơ sở giáo dục, thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới do Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đã được tỉnh phê duyệt, các địa phương đã phối hợp triển khai trên nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất; không làm thất thoát đất đai, kinh phí, tài sản; tạo được sự đồng thuận xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập, tạo thuận lợi cho người dân.

Những tài sản nhà, đất dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thành, thị báo cáo UBND tỉnh quyết định phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình, trụ sở. Mục tiêu là tài sản sau khi sáp nhập được trông coi, bảo vệ, quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, xử lý đúng quy định.

Trong năm 2021, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở UBND xã, nhà văn hóa khu dân cư của 13/13 huyện, thành, thị. Trong đó, số giữ lại tiếp tục sử dụng là 3.070 cơ sở; số thu hồi bảy cơ sở, số điều chuyển 58 cơ sở, số chuyển giao về UBND các địa phương quản lý xử lý 104 cơ sở và số bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 28 cơ sở.

Trụ sở UBND xã Sai Nga cũ, huyện Cẩm Khê được tiếp tục sử dụng làm trung tâm học tập cộng đồng của người dân thị trấn Cẩm Khê.

Quyết liệt giải bài toán dôi dư tài sản

Chúng tôi về Tam Nông, huyện thực hiện sắp xếp 12 xã thành lập bốn xã mới, để tìm hiểu và được biết, sau sáp nhập các xã, số lượng cơ sở nhà, đất dôi dư gồm tám trụ sở làm việc, tám trạm y tế và 18 nhà văn hóa khu dân cư.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khi có chủ trương, huyện đã khẩn trương xây dựng phương án đối với những cơ sở nhà, đất dôi dư tránh việc để lãng phí, quản lý sử dụng không hiệu quả đối với tài sản. Trên cơ sở đề xuất của huyện, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà, đất đối với các đơn vị cấp xã của huyện. Theo đó, huyện thực hiện điều chuyển một số trụ sở, nhà văn hóa khu dân cư cho trường mầm non và trường THCS; một số được chuyển giao về huyện quản lý; số khác giữ lại tiếp tục sử dụng. Đối với các trạm y tế dôi dư, hiện Sở Tài chính đang thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với các trạm, trong đó dự kiến phương án giao về UBND huyện quản lý, sử dụng. Trong thời gian chờ phê duyệt phương án, huyện đã tạm giao các trạm y tế đó cho các xã quản lý, sử dụng. Những tài sản được chuyển giao về huyện quản lý, sử dụng, huyện cũng đã có tờ trình tỉnh đề nghị phê duyệt bán tài sản đối với những tài sản không có nhu cầu sử dụng. Khi được tỉnh phê duyệt phương án bán tài sản, huyện sẽ tổ chức bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.

Với mục tiêu là tài sản công sau khi sáp nhập được trông coi, bảo vệ, quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, xử lý đúng quy định, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành, thị đã tích cực phối hợp thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ.

Đồng chí Vương Thị Bẩy - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Quan điểm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của tỉnh là xây dựng phương án phải đảm bảo phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu về trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, nhu cầu các công trình phục vụ cộng đồng, trường hợp dôi dư không còn nhu cầu sử dụng mới xem xét hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sở Tài chính đã hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của các trạm y tế và cơ sở giáo dục thuộc phạm vi cấp huyện để báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo quy định.

Theo đó, các cơ sở nhà, đất đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ phương án khẩn trương chỉ đạo, thực hiện xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp phương án sắp xếp giữ lại tiếp tục sử dụng, các cơ quan, địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật.

Với các phương án sắp xếp khác như điều chuyển, thu hồi, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… cần nhanh chóng rà soát, lập hồ sơ đề nghị phương án xử lý từng trường hợp cụ thể, tránh bỏ không, thất thoát, lãng phí tài sản.Trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất các trạm y tế do Sở Y tế đã xây dựng, các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành, thị tập trung tham gia ý kiến vào phương án sắp xếp, trình UBND tỉnh phê duyệt ngay trong tháng bảy. Căn cứ Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, các địa phương khẩn trương chỉ đạo, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 8/2022.

Hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý tài sản nhà, đất tại tỉnh sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã rất khẩn trương và quyết liệt. Quá trình triển khai, các địa phương định kỳ báo cáo kết quả sắp xếp, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về những phát sinh để xử lý kịp thời, hiệu quả. Việc xử lý tài sản cần đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, đặc biệt là việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tin liên quan:

Xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã đã hoạt động ổn định, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, sau sáp nhập, một số tài sản nhà, đất dôi dư, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai nhưng xử lý số tài sản dôi dư cần có thời gian, dẫn đến tình trạng một số cơ sở nhà, đất chất lượng công trình không được đảm bảo theo thời gian do không được sử dụng thường xuyên, đặt ra vấn đề cần tiếp tục tập trung giải quyết.

Phương Thảo - Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/ky-ii-giai-bai-toan-tai-san-doi-du/185989.htm