Kỳ II: Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ (CBG) là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, phát triển kinh tế rừng bền vững, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân vùng miền núi và đóng góp chung vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả kinh tế ngành chế biến gỗ
Phú Thọ có tiềm năng đất đồi núi để phát triển cây lâm nghiệp.
Để bảo đảm phát triển bền vững, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, cần thiết tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp và các chính sách, trong đó cần tập trung vào hai nhóm giải pháp, gồm nhóm giải pháp trọng tâm, cấp bách và nhóm giải pháp thường xuyên, lâu dài...
Về nhóm giải pháp trọng tâm, cấp bách, trước hết đề nghị sớm xây dựng và ban hành “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030”. Trong đó, cần xác định rõ các mục tiêu, quan điểm phát triển rừng và ngành công nghiệp CBG của tỉnh; cơ cấu lại các sản phẩm, ngành hàng gỗ chế biến và lâm sản có lợi thế bảo đảm hợp lý và đáp ứng xu thế phát triển và tiêu dùng sản phẩm gỗ ở Việt Nam và trên thế giới; xác định cụ thể thị trường đối với từng sản phẩm lợi thế của tỉnh để tập trung ưu tiên chỉ đạo phát triển và thu hút đầu tư, có các chính sách hỗ trợ liên quan; gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ chế biến trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục duy trì, phát triển ổn định, bền vững và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng của 170.052,7ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ và 122.268,6ha rừng sản xuất hiện có; từng bước giảm nguồn nguyên liệu chế biến giấy, bột giấy hoặc sản phẩm chế biến thô, tiến tới khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu. Phấn đấu đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến từ 47,3% hiện tại lên 60% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; 30% còn lại từ các vùng trồng rừng khác và nhập khẩu các loại gỗ từ thị trường quốc tế để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu thị trường.
Xưởng chế biến gỗ ghép thanh của Công ty TNHH Hùng Bích (Đoan Hùng).
Quy hoạch lại mạng lưới chế biến gỗ phù hợp với đặc điểm nguyên liệu của tỉnh. Ưu tiên phát triển ba vùng CBG động lực: Khu vực Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập; khu vực Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê; khu vực Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì. Tại các khu vực này cần tập trung một số cơ sở CBG chuyên sâu, hiện đại; khuyến khích các cơ sở chế biến thành lập mới tại các khu, cụm công nghiệp, đồng thời từng bước di dời các cơ sở chế biến không phù hợp đến các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến từ chọn, tạo, kiểm soát chất lượng cây giống, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng… chú trọng đầu tư vào các khâu then chốt như: Đổi mới, đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới, thiết kế, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước xây dựng thương hiệu gỗ tỉnh Phú Thọ.
Về nhóm giải pháp thường xuyên, lâu dài, đầu tiên là giải pháp về quản lý Nhà nước, chỉ đạo, điều hành phát triển ngành công nghiệp CBG. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 523/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 327/2022/QĐ-TTg, ngày 10/3/2022 của TTCP về Đề án phát triển ngành CNCBG bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021- 2030 và Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp CBG và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Triển khai có hiệu quả các chính sách của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư của tỉnh như: Đất đai, hạ tầng, ứng dụng, đổi mới công nghệ; liên kết trồng rừng, CBG theo chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp hỗ trợ,… khuyến khích doanh nghiệp liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu để hình thành các vùng cung ứng, chế biến tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về rào cản thương mại và phòng, chống gian lận thương mại.
Khắc phục rủi ro liên quan đến tính hợp pháp nguồn gỗ nguyên liệu, các doanh nghiệp cần tăng cường thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, tiến tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ đều có chứng chỉ kiểm soát chuỗi cung hiệu quả như ISO 9901/2008, FSC FM/CoC, BSCI, SA 8000... Nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Hình thành chuỗi liên kết giá trị giữa nghiên cứu, sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm gỗ. Khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, hộ trồng rừng thay đổi tư duy trong hoạt động, sản xuất; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tiến bộ KHCN; hỗ trợ chứng chỉ FM/CoC hệ thống FSC, FLEGT, liên kết chuỗi giá trị.
Phát triển nguồn nhân lực cho ngành CBG, trong đó chú trọng vào công tác đào tạo nghề; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết, mở các chuyên ngành đào tạo để tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, lành nghề; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, cán bộ kỹ thuật và chuyên gia về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ cũng như các vấn đề về phòng vệ thương mại. Khuyến khích, nâng cao trình độ cho các giám đốc doanh nghiệp CBG, phấn đấu 100% giám đốc DNCBG có trình độ cao đẳng trở lên.
Chủ trương, chính sách về phát triển lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp CBG của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Phú Thọ ban hành trong giai đoạn vừa qua đã thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Nhà nước đối với phát triển lâm nghiệp, bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng phù hợp và sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tin tưởng trong 10 năm tới, ngành công nghiệp CBG sẽ đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tin liên quan:
Nâng cao hiệu quả kinh tế ngành chế biến gỗ
Thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Phú Thọ có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ. Nhưng trên thực tế, ngành chế biến gỗ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn một số bất cập.
Th.s Khổng Mạnh Tiến
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/ky-ii-giai-phap-thao-go-kho-khan/191553.htm