Kỳ II: Khởi sắc vùng kinh tế mới

Hơn nửa thế kỷ đã qua, chủ trương đi xây dựng Khu kinh tế thanh niên đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Các thế hệ cán bộ, đoàn viên thanh niên ngày đó đã hoàn thành tốt sứ mệnh tiên phong xây dựng khu kinh tế mới. Vùng đất hoang vu được họ đặt chân khai phá năm xưa giờ thành những vùng nông nghiệp mới, khu vực miền núi nghèo khó tự túc, tự cấp dần dần có những sản phẩm hàng hóa giá trị, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có thêm việc làm, thu nhập ổn đinh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống....

Những người khai phá vùng đất mới

Từ trồng thí điểm 2ha chè ở Minh Đài, nay huyện đã có trên 3.800ha chè, trong đó trên 3.700ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 11,8 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 43.000 tấn/năm

Từ cây chè thanh niên…

Sáng tháng Tám lịch sử, chúng tôi lại đặt chân lên mảnh đất ghi dấu tích của thế hệ thanh niên xung phong đi trước mở đường, xây dựng vùng kinh tế mới- địa chỉ đỏ cách mạng. Khu Bông Lau, xã Minh Đài ngày trước nơi đã oằn mình hứng những đợt mưa bom của kẻ thù, đau xót chứng kiến sự anh dũng hy sinh của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ và rồi vui mừng chứng kiến những quả đồi hoang hóa thành những nương chè xanh mơn mởn. Vết thương chiến tranh đã lành miệng, đất quê Minh Đài đang bừng sáng trong diện mạo mới. Ông Nguyễn Tuyên Huấn vui mừng nói: Minh Đài từng ngày thay đổi, đời sống nhân dân được nâng lên đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa lực lượng xung phong gương mẫu lên khai phá vùng đồi núi này.

Minh chứng cho sự đổi thay đó, năm 2018, Minh Đài là xã đầu tiên của huyện Tân Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Xã đã huy động hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao. Toàn xã có trên 398 ha chè, năm 2021 năng suất đạt 13,7 tấn/ha, sản lượng 5.438,9 tấn, giá trị ước 19 tỷ đồng. Tổng giá trị các ngành nghề của xã Minh Đài ước đạt 218,554 tỷ đồng, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản gần 95 tỷ đồng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gần 44 tỷ đồng, dịch vụ và thu nhập khác gần 80 tỷ đồng; giá trị tăng thêm 3,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm.

Sản lượng lương thực cây có hạt trên 1.267 tấn, bình quân lương thực đầu người trên 188kg/người/năm. Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh. Trên địa bàn có một hợp tác xã, sáu doanh nghiệp thương mại, một siêu thị, 260 hộ kinh doanh dịch vụ và 148 xe ô tô các loại trong đó có 75 xe phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Công tác giáo dục đào tạo được nâng cao, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; nội bộ luôn đoàn kết thống nhất, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền, yên tâm lao động sản xuất và kinh doanh để phát triển kinh tế…

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương- Chủ tịch UBND xã Minh Đài chia sẻ: “Phát huy truyền thống cách mạng, noi gương thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi thanh xuân xây dựng Khu kinh tế thanh niên, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, mũi nhọn là cây chè, cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ; chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao; định hướng phát triển quy mô đàn lợn. Tuyển chọn giống mới đưa vào sản xuất. Tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Từng bước xây dựng khu dân cư Minh Tâm trở thành khu nông thôn mới kiểu mẫu…”

Từ diện tích hoang hóa, nay xã Minh Đài phát triển TMDV, thu nhập người dân đạt 33 triệu đồng/người/năm

… Đến cây kinh tế chủ lực

Từ Khu kinh tế thanh niên cây chè được nhân rộng ra bảy xã, bắt đầu từ Minh Đài, lên Tân Phú, xuống Văn Luông…với hàng trăm ha chè làm vùng nguyên liệu cung ứng cho Xí nghiệp chè Thanh Niên, Tân Phú, Tân Long sản xuất chè đen xuất khẩu sang Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Đến nay, huyện Tân Sơn đã có trên 3.800ha chè, trong đó trên 3.700ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 11,8 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 43.000 tấn/năm. Trên địa bàn hiện có hơn 160 cơ sở sơ chế, chế biến chè trong đó có bảy cơ sở chế biến chè đen, công suất từ năm tấn chè búp tươi/ngày trở lên, 158 cơ sở chế biến chè xanh với quy mô đa dạng. Giá trị mang lại từ cây chè đạt trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Cây chè đang là cây giảm nghèo của địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho bà con nông dân.

Những đồi chè trước kia được kiến tạo thành hình bát úp, hiện đang là thế mạnh để Tân Sơn khai thác du lịch, trong đó nổi tiếng là đồi chè Long Cốc thu hút đông đảo du khách khắp các vùng miền. Toàn xã Long Cốc hiện có gần 700ha chè, năm 2021 cho thu hoạch chè tươi với năng suất 121 tạ/ha. Với nguồn nguyên liệu này, Long Cốc cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn chè khô/năm, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương. Chị Phạm Thị Hạnh- Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn xã Long Cốc cho biết: “Toàn bộ diện tích chè Long Cốc được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất chè an toàn VietGAP. Mỗi sản phẩm chè trước khi đưa ra thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc”. Ngoài đồi chè xã Long Cốc, trên địa bàn huyện còn có nhiều đồi chè khác, như: Đồi chè xã Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông. Để kiểm soát chất lượng và sản lượng chè an toàn, UBND huyện chỉ đạo, vận động các hộ kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan chuỗi liên kết hoạt động trồng chè, nhà máy sản xuất, giới thiệu sản phẩm... để kích thích nhu cầu của khách hàng.

Từ một huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, nay Tân Sơn đã thay da đổi thịt. Từ sự hỗ trợ hữu hiệu của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Toàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả như nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi gà nhiều cựa, trồng chè, trồng rừng, chế biến lâm sản. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên vùng núi cao, địa hình chia cắt, nhưng thiên nhiên lại ưu đãi cho Tân Sơn Vườn quốc gia Xuân Sơn rộng lớn, với phong cảnh kì thú; có khu vực đồi chè Long Cốc điệp trùng, là tiềm năng lớn để Tân Sơn khai thác phát triển du lịch cộng đồng.

Đồng chí Vũ Tiến Bắc- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, huyện đặt mục tiêu xây dựng năm chuỗi chế biến chè xanh tại các xã Long Cốc, Văn Luông, Minh Đài, Mỹ Thuận, Thu Cúc; hình thành vùng chè nguyên liệu; xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ sở chế biến và hộ trồng chè. Với hai làng nghề chè và bảy HTX chuyên sản xuất chè xanh, huyện khuyến khích sản xuất, chế biến theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu để từng bước mở rộng quy mô sản xuấ, từ đó cùng với tỉnh xây dựng và nâng cao thương hiệu Chè Phú Thọ”.

Huyện vùng cao đã có nhiều khởi sắc tích cực. Đến nay, huyện duy trì xã Minh Đài đạt chuẩn nông thôn mới; ba xã Văn Luông, Long Cốc, Xuân Đài cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đều đạt từ chín tiêu chí trở lên; 28 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn; có một khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Khu Đồng Tâm xã Minh Đài). Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự thay đổi căn bản. Bình quân thu nhập đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm, tăng năm triệu đồng so với năm 2015. Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ; khắc phục cơ bản tình trạng chia cắt về giao thông khi có mưa lũ; tỷ lệ xã có đường nhựa đến trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa trên 70%; tỷ lệ khu dân cư có điện lưới quốc gia đạt 100%.

Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, nỗ lực vượt khó của toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn, thành tựu này còn có sự đóng góp quan trọng của lớp người đi trước đã khai sơn phá thạch, xây dựng khu kinh tế Thanh niên hơn nửa thế kỷ trước.

Tin liên quan:

Những người khai phá vùng đất mới

Hơn nửa thế kỷ trước, với lòng yêu nước sục sôi và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, 600 đoàn viên thanh niên ưu tú được lựa chọn ở các tỉnh Nam Hà, Hải Hưng, Vĩnh Phú (cũ) và Thái Bình đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng vùng kinh tế mới - Khu kinh tế Thanh niên, một mô hình lao động, trường học thực tiễn kiểu mới, góp phần đào tạo, rèn luyện thanh niên vừa lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước và đi đến bất cứ đâu khi Tổ quốc cần…

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/ky-ii-khoi-sac-vung-kinh-te-moi/185988.htm