Kỳ II: Vực dậy nghề dệt
Trước 'ngưỡng cửa' thất truyền, nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng có thể 'hồi sinh' hay không? Câu trả lời nằm ở sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của các cấp ngành, chính quyền địa phương và người dân ngay lúc này !
Hồi sinh làng dệt
Loay hoay tìm giải pháp
Công cuộc “giải cứu” nghề dệt xóm Chiềng trải qua quá trình không ít thăng trầm. Dấu mốc đầu tiên là năm 2008, nghề dệt xóm Chiềng được khôi phục, cũng trong năm đó được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Xóm Chiềng, xã Kim Thượng được xây dựng là một trong những điểm đến cho du khách tham quan trong tuyến du lịch tới Vườn Quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn) và kết nối với một số tour, tuyến du lịch với các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Sơn La... Với kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thổ cẩm xóm Chiềng được xác định là sản phẩm địa phương đặc trưng, phát triển thành sản phẩm OCOP tiềm năng của xã, hứa hẹn trở thành sản phẩm du lịch được du khách ưa chuộng, tạo sinh kế giúp các hộ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên đến nay, những hoạch định trên đang gặp nhiều trở ngại do hoạt động bấp bênh của làng nghề.
Thời điểm mới được công nhận làng nghề, xã Kim Thượng có 50 hộ tham gia với tổng số 350 người có kỹ năng cơ bản để thực hiện dệt vải thổ cẩm, doanh thu làng nghề ước tính 100 triệu đồng/năm. Nhưng, hiện cả xã chỉ có khoảng 10-20 người biết thực hành nghề dệt thổ cẩm, trong đó chủ yếu là phụ nữ đã ngoài độ tuổi lao động. Thừa nhận giải quyết vướng mắc trong hoạt động của Làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng đang là bài toán khó chưa có lời giải, đồng chí Nguyễn Xuân Việt- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Sơn cho biết: Việc sản xuất, kinh doanh của làng nghề dệt đang gặp nhiều khó khăn, hiện ở địa phương không có vùng nguyên liệu sản xuất, người dân phải mua nguyên liệu ngoài thị trường, để dệt nên 1 tấm vải thổ cẩm cần phải trải qua rất nhiều công đoạn và công sức, chưa đảm bảo nguồn thu cho người làm nghề, nên cũng không thu hút được lao động bám nghề. Bên cạnh đó, các sản phẩm không có sự đổi mới, sáng tạo nên thiếu sức cạnh tranh so với các địa phương khác, không có thị trường tiêu thụ ổn định. Mặt khác, du lịch của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng kéo theo hoạt động của làng nghề kém hiệu quả.
Cũng theo đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện, thời gian qua, UBND huyện triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất. Tuy nhiên hoạt động hỗ trợ làng nghề đang bị hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn. Hiện, việc hỗ trợ chủ yếu dựa vào nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách hỗ trợ phát triển nông thôn và miền núi, chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với làng nghề, cơ chế chính sách áp dụng được với làng nghề dệt thổ cẩm lại càng “hiếm hoi”. Do đó, số phận của nghề dệt thổ cẩm phụ thuộc lớn vào công tác bảo tồn của ngành VH,TT&DL.
Nỗ lực “giải cứu”
Nhận thấy sự cấp thiết của việc bảo tồn Di sản nghề dệt thổ cẩm người Mường, thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Tân Sơn đã tham mưu với UBND huyện ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, kế hoạch bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn, trong đó có nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xóm Chiềng. Phối hợp với các địa phương, các tổ chức đoàn thể, MTTQ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch; đưa di sản nghề dệt người Mường Tân Sơn vào nội dung giáo dục địa phương tại các trường học trên địa bàn; tăng cường quảng bá đưa những nét đẹp di sản văn hóa của huyện đến gần hơn với du khách...
Đồng chí Hà Thị Tố Nguyệt - Phó trưởng Phòng VH&TT huyện Tân Sơn cho biết: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và góp phần vực dậy nghề dệt xóm Chiềng, huyện tập trung bảo tồn và phát huy bản sắc di sản văn hóa nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng xóm Chiềng, xã Kim Thượng là một điểm đến trong các tour, tuyến du lịch trên địa bàn. Huyện cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng trong các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa, các dịp sự kiện, hội chợ, triển lãm, thường xuyên phối hợp Sở VH,TT&DL tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, năm 2023, huyện đã phối hợp với Sở VH,TT&DL tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Mường tại 2 xã Kim Thượng và Xuân Đài. Sở VH,TT&DL cũng hỗ trợ huyện Tân Sơn xây dựng hồ sơ, video, hình ảnh làm tư liệu nghiên cứu, cơ sở phục vụ khôi phục và bảo tồn nghề dệt với toàn bộ kinh phí được hỗ trợ từ nguồn vốn của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Trương Phương Hà - Phó trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở VH,TT&DL cho biết: Việc tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho người dân tộc Mường huyện Tân Sơn nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thông qua chương trình góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay của tỉnh.
Song, để thực sự vực dậy nghề dệt, không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ cấp trên. Mà điều then chốt chính là cần thay đổi tư duy, cách nhìn của người dân và chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo tồn di sản, làm cách nào để phát huy vai trò của người dân- chủ thể triển khai thực hiện, vừa quản lý, bảo vệ nhưng cũng chính là người thụ hưởng di sản. Đặc biệt là nâng cao nhận thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - đối tượng kế thừa và phát huy di sản.
Đánh thức trách nhiệm
Hồi tháng 11 năm trước, về tham dự lớp truyền dạy nghề dệt, ngay từ đầu ngõ, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cười, nói rôm rả của đám đông hòa cùng nhịp đưa thoi lách cách. Tôi nhận ra bóng dáng quen thuộc của nghệ nhân Sa Thị Tâm. Trông thấy chúng tôi, bà phấn khởi: “Khoảng giữa tháng 9, tôi nhận được thông báo của xã, Sở VH,TT&DL hỗ trợ chúng tôi mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, tôi mừng lắm. Ngoài được cấp cho nhiều loại vật liệu như: Sợi, chỉ màu, vải... chúng tôi còn được đầu tư trang bị 2 chiếc khung cửi mới, 3 chiếc khung cửi cũ hư hỏng trước đây cũng được hỗ trợ sửa chữa. Cả 5 chiếc khung cửi này được chuyển về tập trung ở khu Chiềng 2, để thuận tiện cho các chị em phụ nữ đến học nghề. Lớp có 6 nghệ nhân truyền dạy và 20 học viên, nhưng có khi còn đông hơn thế bởi nhiều bà con trong khu, xóm thấy lớp học đông vui cũng đến xem, tập dệt vải. Nhìn mọi người hào hứng tôi và các nghệ nhân làng dệt ai nấy đều phấn khởi, dốc lòng truyền dạy, mong rằng các học viên sau này cũng trở thành nghệ nhân, sẽ tiếp nối truyền dạy nghề cho các thế hệ mai sau”.
Là học viên nhỏ tuổi nhất, em Hà Thị My sinh năm 2005, ở độ tuổi giống như mọi thiếu nữ Mường của nhiều năm trước đang chăm chú dệt vải, bàn tay em khéo léo đưa thoi tạo những bông hồi đỏ tươi nhấn lên tấm thổ cẩm mộc, My vui vẻ nói: “Ở lớp học, em được các bà, các cô truyền dạy nghề dệt từ những điều nhỏ nhặt nhất, sau gần 2 tháng tham gia, em đã biết sử dụng thành thạo khung cửi, nắm vững kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống cũng như các công đoạn sản xuất thổ cẩm, may và tạo hoa văn trên vải. Em cảm thấy rất tự hào và nhận thấy trách nhiệm của mình là cần gìn giữ và phát huy giá trị di sản mà cha ông để lại”.
Trong lần trở lại này, chúng tôi nhận thấy đã có sự chuyển biến tích cực ở xóm Chiềng, đó chính là nhận thức của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của di sản đã được đánh thức, nảy mầm.
Lần gần nhất về Tân Sơn, tôi được đồng chí Hà Thị Tố Nguyệt thông báo tin vui: Huyện Tân Sơn vừa phối hợp với Sở VH,TT&DL hoàn thiện hồ sơ khoa học, gửi Tờ trình đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa nghề dệt thổ cẩm của người Mường, huyện Tân Sơn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia sẽ là một tin vui, không chỉ với làng dệt xóm Chiềng, mà còn của cả cộng đồng đồng bào Mường huyện Tân Sơn.
Con đường “hồi sinh” làng dệt xóm Chiềng vẫn còn là câu chuyện dài, đầy thách thức. Liệu 5 năm, 10 năm hay lâu hơn, nghề dệt xóm Chiềng sẽ lại rơi vào bờ vực, cần khôi phục thêm một lần nữa? Khi mất đi những nghệ nhân cao tuổi kia, ai sẽ đảm bảo “Làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng” sẽ không là cái tên chỉ tồn tại trong một vài văn bản lưu trữ? Câu trả lời nằm ở sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của các cấp ngành, chính quyền địa phương và người dân ngay lúc này !
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-ii-vuc-day-nghe-det-214513.htm