Kỳ lạ: Khu đất múc lên rồi lại tự đầy
Nhiều năm qua, khu đất sét bên bờ sông Quao (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) được người Chăm đến múc về làm gốm. Điều đặc biệt của khu đất này là cứ múc đất lên rồi lại tự đầy.
Khu đất độc đáo
Khu đất sét bên bờ sông Quao được người dân địa phương gọi là cánh đồng Nu Lanh. Khu đất sét này chính là nơi cung cấp nguyên liệu cho các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) làm nên những sản phẩm bằng gốm nổi tiếng cả vùng.
Điều kỳ lạ là người dân cứ múc đất, ở khu vực đó đất lại đầy lên theo thời gian. Phóng viên đem thắc mắc này đi hỏi người dân.
Là người hiểu rõ cánh đồng Nu Lanh, ông Đàng Chí Quyết (53 tuổi, Bí thư chi bộ Khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân) chia sẻ, cánh đồng Nu Lanh được các gia đình người Chăm dùng để trồng lúa 1 vụ, còn 1 vụ để cho các trai tráng, nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đến múc đất về làm gốm.
"Thông thường, cứ thu hoạch lúa xong (khoảng cuối tháng 4 dương lịch), bà con đến cánh đồng Nu Lanh múc đất sét. Sở dĩ cứ múc đất hõm xuống lại đầy lên là do cánh đồng này nằm ở ngã 3 sông Quao, cứ mưa to, cánh đồng lại ngập trắng và được bồi đắp phù sa lẫn đất sét từ thượng nguồn đưa xuống".- ông Quyết bộc bạch.
Một số người già khác ở Khu phố Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân) cũng chung lý giải như ông Quyết khi nhắc đến cánh đồng Nu Lanh cứ múc đất hõm xuống lại đầy lên.
Ông Đàng Phán, một cao niên ở làng gốm Bàu Trúc chia sẻ thêm: "Nổi tiếng là làng chuyên làm đồ gốm mỹ nghệ, gốm gia dụng nhưng đa số gia đình người Chăm ở Bàu Trúc sống chủ yếu bằng nghề nông. Họ vẫn bám vào cánh đồng Nu Lanh bên bờ sông Quao để trồng lúa.
Sau vụ gặt, các chủ lò gốm đến cánh đồng Nu Lanh mua đất sét của chủ ruộng. Quy trình lấy đất sét được thực hiện bằng cách cào đất trên bề mặt ruộng bỏ qua một bên, đào lấy đất sét bên dưới, sau đó lấp lại như cũ. Người dân ở đây rất ý thức là khi đào xuống cánh đồng để lấy đất sét sẽ không đào quá sâu, để sau mỗi mùa mưa, phù sa và đất sét mới còn kịp bồi đắp".
Mong muốn mở điểm du lịch trải nghiệm tại cánh đồng Nu Lanh
Theo ông Đàng Chí Quyết, nhiều người đến thăm làng gốm Bàu Trúc xong rất thích nghe kể chuyện về cánh đồng Nu Lanh.
Đặc biệt, cạnh cánh đồng này còn có đền thờ Pô Klong Chanh, nên người dân địa phương ước mong trong tương lai, cánh đồng Nu Lanh thành 1 điểm tham quan trong chuỗi các điểm đến của khách du lịch khi về với thị trấn Phước Dân.
"Trong nhiều cuộc họp ở khu phố, thị trấn, bản thân tôi và người dân đã kiến nghị cần sớm đưa cánh đồng Nu Lanh trở thành điểm du lịch trải nghiệm. Bởi nhiều người chưa biết cách lấy đất sét làm sao, cách tạo nên sản phẩm gốm thế nào.
Theo truyền thống nơi đây, đất sét sau khi múc từ cánh đồng Nu Lanh về được đập nhuyễn, rồi pha trộn với 1 ít cát trắng, loại hạt nhỏ, rồi chế tác nên các sản phẩm gốm. Khâu chuẩn bị đất phải rất kỹ lưỡng, chỉ cần sót ít bụi bẩn thì sản phẩm gốm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng ngay. Người làm gốm ở Bàu Trúc gửi cả tình cảm, tâm huyết của mình vào từng sản phẩm.
Do đó, sản phẩm gốm của mỗi người thợ đều có những nét tinh tế riêng không thể trộn lẫn được. Có sản phẩm đã bán đi 5-10 năm, khi gặp lại, người thợ vẫn nhận được mặt hàng do tay mình làm ra"- ông Đàng Chí Quyết trải lòng.
Cũng theo ông Quyết, đất sét từ cánh đồng Nu Lanh sau khi nặn thành các sản phẩm gốm không đưa vào lò nung bằng điện hay than mà dùng củi đốt khoảng 4-5 tiếng. Điều này cũng tạo nên nét riêng cho gốm Bàu Trúc.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-la-khu-dat-muc-len-roi-lai-tu-day-169240321133222688.htm