Kỳ lạ lớp học 'dạy yêu', giới trẻ trèo lên cửa sổ nghe giảng
Vì số sinh viên tham gia lớp học quá đông, không đủ ghế ngồi nên nhiều người chấp nhận trèo lên bậu cửa sổ hay chen chúc ngoài hành lang để nghe giảng.
Mới đây, thông tin về lớp học có tên "Tâm lý học tình yêu" của Đại học Vũ Hán bùng nổ trên mạng xã hội tại Trung Quốc. Vì số lượng ghế ngồi trong phòng học có hạn, những sinh viên đến muộn chấp nhận trèo lên bậu cửa sổ, ngồi ở hành lang, chen chúc trước cửa ra vào. "Đối với nhiều sinh viên, khóa học "tình yêu" này rất hiếm có. Lớp học do giáo sư Dụ Phong, khoa Tâm lý, viện Triết học, Đại học Vũ Hán giảng dạy. Do sinh viên đại học thường ngày cũng rất quan tâm đến tình yêu nên lớp học này được mở ra", một sinh viên cho hay.
Sinh viên tới nghe giảng chật cứng hội trường. Ảnh: Weibo
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên diễn ra một khóa học đại học "bất thường" như vậy. Trước đó, các lớp học trèo cây, leo núi,... ở các trường đại học cũng từng khiến dân tình xôn xao. Theo The Paper, giáo dục đại học không chỉ là để bồi dưỡng tài năng của sinh viên mà còn là nền tảng để sinh viên bước vào xã hội. Khi sinh viên có nhu cầu, nhà trường đáp ứng kịp thời, các khóa học thực tế cũng là khóa học bắt buộc đối với sinh viên đại học.
Trang tin này cũng nhận định, tại một số ngôi trường, giáo dục hôn nhân đã bị bỏ quên trong một thời gian dài. Hầu hết các sinh viên chỉ được dạy cách giải quyết vấn đề chứ ít ai được dạy cách đối nhân xử thế, hòa hợp với người khác giới. Cảm xúc là gì? Làm thế nào để đối mặt tranh chấp tình cảm? Nhiều sinh viên đại học không thể tìm ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi như vậy; đối với vấn đề tình cảm dễ xuất hiện cách xử lý không thỏa đáng, thậm chí có những hành vi cực đoan.
"Hỏi thế gian tình ái là chi?", những câu chuyện hay truyền thuyết về Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài, Hứa Tiên - Bạch nương tử, Lý Thanh Chiếu - Triệu Minh Thành, Lâm Đại Ngọc - Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng đều có những miêu tả, khắc họa khác nhau về tình yêu.
"Tình yêu là gì?", "Làm thế nào có thể đời sống tình cảm diễn ra một cách suôn sẻ?". Từ xa xưa đến hiện đại, mỗi người đều có câu trả lời của riêng mình. Theo quan điểm của giáo sư Dụ Phong: "Tình yêu không nên là sự bất hòa về nhận thức sau những lựa chọn bốc đồng dựa trên cảm xúc nhất thời. Ở một mức độ nhất định, tình yêu cũng là sự thích nghi, nhượng bộ, thỏa hiệp. Đó là sự thỏa mãn lẫn nhau chứ không phải 'cho hay nhận' một cách mù quáng".
Nhiều người trèo lên bậu cửa sổ, đứng dọc hành lang để nghe giảng. Ảnh: Weibo
Một lớp học tình yêu trong trường đại học chưa chắc có thể giúp những sinh viên đại học đang hoang mang, bối rối tìm kiếm tình yêu đích thực. Ngày nay, khi thông tin nằm trong tầm tay, thế giới quan của sinh viên đại học ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Một số cái "khung" của xã hội như môn đăng hộ đối, thu nhập, hoàn cảnh gia đình,... khiến họ thêm phần bối rối về tình yêu và hôn nhân.
Thế nhưng, sự bùng nổ của lớp học "Tâm lý học tình yêu" phản ánh một cách khách quan sự thiếu thốn tình cảm của sinh viên đại học hiện nay, tuy nhiên, nó cũng là một khóa học bắt buộc đối với những sinh viên luôn "ôm" vọng tưởng về một tình yêu đẹp.
Giống như nhiều khóa học trong các trường đại học, "Tâm lý học tình yêu" dạy phương pháp luận. Làm thế nào để rèn luyện tính dũng cảm, sinh viên sau khi học sẽ áp dụng kiến thức trên lớp vào thực tế, có dũng khí bày tỏ cảm xúc. Đối với sinh viên đại học, đây không chỉ là một sự thử nghiệm, mà còn là một quá trình trưởng thành.