'Kỳ lân' công nghệ từng được định giá 33 tỉ USD lần đầu báo lãi

Kết quả kinh doanh của Revolut trong năm 2022 trở thành 'điểm sáng' của giới fintech trong bối cảnh các công ty đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sa thải hàng loạt và bị định giá lại hậu kỷ nguyên 'tiền rẻ'.

 ‘Kỳ lân’ công nghệ được định giá 33 tỉ USD lần đầu báo lãi (Ảnh: Bloomberg)

‘Kỳ lân’ công nghệ được định giá 33 tỉ USD lần đầu báo lãi (Ảnh: Bloomberg)

Revolut – công ty công nghệ tài chính (fintech) từng được định giá 33 tỉ USD – báo lãi sau thuế 59,1 triệu bảng (71 triệu USD) trong năm 2022, theo CNBC. ‘Kỳ lân’ này lần đầu báo lãi theo năm nhờ số lượng người dùng đăng ký các gói trả phí và lượt sử dụng ứng dụng tăng mạnh.

Dẫn lời trên CNBC, ông Mikko Salovaara – Giám đốc tài chính của Revolut – cho biết, kết quả đạt được của công ty là nhờ đa dạng hoạt động kinh doanh và kiểm soát tốt chi phí.

“Thực tế là chúng tôi không cần gọi thêm vốn từ bên ngoài. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào hoạt động kinh doanh để cung cấp những sản phẩm mà khách hàng có thể tin tưởng”, ông Mikko nói. Vị này cũng kỳ vọng doanh thu của Revolut sẽ tăng trưởng 30%, lên mức 850 triệu bảng (khoảng 1 tỉ USD).

Kết quả kinh doanh của Revolut trong năm 2022 là ‘điểm sáng’ trong bối cảnh các fintech đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sa thải hàng loạt và bị định giá lại khi ‘tiền rẻ’ không còn.

Revolut được thành lập từ năm 2015 bởi cựu nhân viên Lehman Brothers Nikolay Storonsky và nhà phát triển phần mềm Vlad Yatsenko.

Công ty này được định giá ở mức 33 tỉ USD sau đợt gọi vốn vào tháng 4/2018. Thương vụ giúp Revolut trở thành ‘kỳ lân’ fintech lớn nhất Châu Âu. Trong khi đó, theo CB Insights, Revolut có mức định giá lớn thứ 9 trên thế giới, xếp ngay sau Databricks, Canva và SHEIN.

Giám đốc tài chính của Revolut cho rằng rất khó để đưa ra định giá cho fintech này vì công ty đã không huy động tiền mặt kể từ năm 2021. Song, ông tin rằng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hài lòng với hiệu suất hoạt động của công ty.

Theo CNBC, kế hoạch tăng trưởng của Revolut đang gặp một số trở ngại khi công ty vẫn chưa được cấp giấy phép ngân hàng tại Anh. Với giấy phép này, Revolut có thể mở thêm hoạt động cho vay.

Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động ra thị trường nước ngoài, nổi bật là Mỹ, với 25 triệu người dùng trên toàn cầu./.

Nguồn tham khảo: CNBC, CB Insights

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ky-lan-cong-nghe-tung-duoc-dinh-gia-33-ti-usd-lan-dau-bao-lai-post164616.html