Kỷ luật nghiêm khắc với nạn bạo lực học đường
Bạo lực ở lứa tuổi học sinh luôn là nỗi lo của gia đình và xã hội. Thời gian gần đây, trong cả nước xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau được quay clip tung lên mạng. Thật sự đau lòng trước hình ảnh nạn nhân van xin, ôm đầu tuyệt vọng nhưng bạn bè vẫn không buông tha.
Điều đáng nói, thay vì gọi giáo viên, giám thị, phụ huynh, cơ quan chức năng hay bất kỳ người lớn nào đến can thiệp thì các em xoay thành vòng tròn reo hò cổ vũ như đang xem đấu võ đài. Thậm chí nhiều em còn cảm thấy hả hê khi bạn mình bị đánh thương tích đầy mình. Tình bạn, pháp luật và đạo đức ở đâu khi những trang sách luôn dạy các em những điều tốt đẹp?
Thực tế, bạo lực học đường không chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng chưa được xử lý nghiêm túc, rốt ráo nên vẫn tiếp diễn. Chỉ cần vào Youtube, Google gõ các từ khóa “bạo lực học đường, học sinh đánh nhau, đánh bạn...” là sẽ có rất nhiều kết quả tìm kiếm. Với mức báo động đỏ thế này thì nhà trường, cơ quan chức năng, gia đình cần tìm ra nguyên nhân để chấm dứt nạn bạo lực học đường. Trẻ em đang học rất nhiều thói xấu từ phim ảnh bạo lực, game online, mạng xã hội, thích thể hiện cái tôi, chứng tỏ, đua đòi... nên mới xảy ra cớ sự. Thử tượng tượng, một thế hệ học sinh đánh nhau như thế thì tương lai, ở tuổi thanh niên sẽ như thế nào?
Thiết nghĩ, gia đình cần giám sát con kỹ hơn, hạn chế cho con chơi game đánh nhau, xem phim bạo lực... Tôn trọng con không có nghĩa là nuông chiều mà phải cho con thấy cái gì cần làm và không nên làm, đúng và sai, tốt và xấu. Cha mẹ nên cho con tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, tránh xa mạng ảo và đánh thức tâm thiện trong trẻ.
Đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực học đường bằng hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Chẳng những với học sinh có thói ngổ ngáo mà ngay cả những học sinh cổ vũ, a dua, hội đồng, biết và thấy cái xấu trước mắt nhưng vẫn bàng quan cổ xúy thì cũng cần xử lý thật nghiêm khắc. Khi kỷ luật chưa thực sự hiệu quả thì nên có biện pháp mạnh tay hơn, phụ huynh nên đưa con em vào trường giáo dưỡng, nơi có kỷ luật thép để uốn nắn. Không thể để một vài “hạt sạn” trong môi trường giáo dục làm hư hỏng, ảnh hưởng cả tập thể, làm các em hoang mang không chuyên tâm học hành. Đừng cho rằng giải pháp này thể hiện nhà trường bất lực mà vì các em quá cá biệt, không còn dạy dỗ được nữa. Hiện nay, tội phạm ngày càng trẻ hóa, nhiều thiếu niên ngổ ngáo, nếu cha mẹ dung dưỡng chẳng những hủy hoại môi trường giáo dục, bất công với các học sinh ngoan mà còn làm hỏng cả một thế hệ.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/267735/ky-luat-nghiem-khac-voi-nan-bao-luc-hoc-duong.html