Kỷ luật tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc: Bài cuối: Cảm hóa học trò bằng vòng tay nhân ái
Ngay sau khi loạt bài 'Kỷ luật tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc' được đăng tải trên báo giấy, báo điện tử và các nền tảng xã hội khác, Báo Đại Đoàn Kết đã nhận được hàng trăm phản hồi từ bạn đọc.
Đa số những ý kiến đóng góp đều bày tỏ sự đồng tình với việc xử phạt học trò trên tinh thần nhân ái, nhân văn, bao dung, độ lượng. Những phân tích ở mọi góc độ cho thấy học sinh là chủ thể của quá trình dạy - học cũng như đổi mới giáo dục. Vì vậy, việc xử phạt cần giúp cho học trò nhận ra cái sai để sửa, chứ không phải để các em thấy mình bị phân biệt đối xử, bị cô lập khỏi tập thể lớp, từ đó sinh cảm giác chán chường, tiêu cực. Xử phạt văn minh là xử phạt giúp học trò trưởng thành, chứ không phải xử phạt kiểu định kiến. Nếu xử phạt quá cứng rắn, đẩy học trò ra khỏi cánh cổng trường, tương lai của các em có nguy cơ khép lại.
Nhất trí với việc cần thiết phải áp dụng kỷ luật trong nhà trường để định hình, giáo dục nhân cách học sinh, nhưng các ý kiến đồng quan điểm rằng phương pháp và hình thức xử phạt cân nhắc linh hoạt và phù hợp trong những trường hợp, hoàn cảnh cụ thể. Để sau này các em trưởng thành, thành đạt - trong số ấy dù có cả các học trò từng mắc lỗi, họ đều nhớ về thời thơ ấu, về quãng thời gian cắp sách tới trường với những cảm xúc đẹp đẽ, những kỷ niệm khó quên bên thầy cô, bè bạn.
Khép lại loạt bài, chúng tôi xin trích đăng một số tương tác, phản hồi từ bạn đọc.
Chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên Nguyễn Đình Sơn – Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Đừng đẩy học sinh ra khỏi lớp vì một lần vấp ngã

Chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên Nguyễn Đình Sơn.
Việc đình chỉ học, đuổi học từng được xem như một biện pháp mạnh để răn đe. Nhưng thực tế, điều này thường chỉ gây tổn thương tâm lý cho học sinh, khiến các em mặc cảm, mất động lực học tập, thậm chí có hành vi tiêu cực như nổi loạn, tụ tập, bỏ học... Khi ấy, kỷ luật không còn là công cụ để giáo dục mà trở thành lý do khiến học sinh mất cơ hội sửa sai. Như Báo Đại Đoàn Kết đã nêu trong loạt bài phản ánh, những biện pháp như đình chỉ học tập hay phê bình công khai có thể để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt tinh thần. Chính vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất bỏ hình thức đình chỉ học tập trong dự thảo Thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh là hoàn toàn hợp lý. Những hình thức kỷ luật làm gián đoạn việc học không chỉ thiếu tính giáo dục mà còn có nguy cơ đẩy học sinh ra khỏi hành trình trưởng thành của chính mình.
Nếu chúng ta cứ trừng phạt khi trẻ vấp ngã, sẽ không tạo được động lực hay nội lực. Đáng tiếc là hiện nay, giáo dục vẫn thiên về đánh giá qua ngoại lực – chấm điểm hành vi dựa trên quan sát mà chưa chú trọng đủ vào việc xây dựng nội lực từ bên trong. Do đó, mọi quy định, trong đó có quy định về kỷ luật, cần được thiết kế dựa trên nguyên lý phát triển của trẻ em, cả về tâm lý, sinh lý và khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin ở từng giai đoạn lứa tuổi.
PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Cải cách kỷ luật cần thí nghiệm xã hội

PGS.TS Lê Quý Đức.
Theo dự thảo đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến, mức kỷ luật cao nhất đối với học sinh THCS và THPT là viết bản tự kiểm điểm, bỏ hình thức đình chỉ học tập. Đây là một chủ trương mang tính nhân văn, thể hiện sự tôn trọng nhân phẩm và quyền được học tập của học sinh, và tôi hoan nghênh quan điểm này. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa, tôi cho rằng việc thay đổi này cần có lộ trình nghiên cứu và thí nghiệm xã hội nghiêm túc, có tổng kết, đánh giá. Đối tượng nghiên cứu cần tập trung là học sinh gắn trong từng môi trường cụ thể, từ hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa của phụ huynh, đặc thù địa phương cho đến yếu tố tôn giáo, bởi mỗi môi trường đều mang truyền thống văn hóa và phương thức giáo dục riêng, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và hành vi của các em. Nếu chúng ta vội vàng xóa bỏ một hình thức kỷ luật mà chưa có đủ dữ liệu thực tế để kiểm chứng tác động, thì tôi e rằng hiệu quả không cao. Một chính sách muốn phát huy hiệu quả cần được đặt trong một hệ sinh thái văn hóa – xã hội cụ thể.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT): Cần thiết phản biện những vấn đề nóng của giáo dục

TS Hoàng Ngọc Vinh.
Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều liên quan tới dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng - kỷ luật học sinh. Tôi ủng hộ việc Báo Đại Đoàn Kết đã chạm đến vấn đề nóng của giáo dục vốn là lĩnh vực mà tất cả mọi người đều quan tâm, theo dõi với những góc nhìn đa chiều, phân tích từ thực tế, ý kiến phụ huynh, học sinh, giáo viên, chuyên gia… rất đa dạng. Đây chính là một kênh góp ý quan trọng để các cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách tham khảo, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện quy định, để chính sách sau này sớm đi vào thực tiễn với sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Với thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tôi thấy rằng đình chỉ học tập là việc “cực chẳng đã”. Dù hoàn toàn ủng hộ việc bỏ hình thức đình chỉ học tập, nhưng theo tôi bên cạnh việc nhắc nhở, phê bình, viết bản kiểm điểm, mỗi nhà trường cần có thêm các hình thức giáo dục hiệu quả khác như yêu cầu học sinh lao động công ích, đọc sách, viết bài thu hoạch… với sự đồng hành của giáo viên chủ nhiệm, giám thị, cán bộ tâm lý học đường để các em nhận ra lỗi sai của mình, từ đó sửa đổi tốt lên. Đặc biệt quan tâm đến công tác phòng tránh, ngăn ngừa để hạn chế tối đa việc học sinh vi phạm kỷ luật, nội quy, giữ cho môi trường học đường an toàn, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Chị Nguyễn Thu Phương – phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội): Mọi đứa trẻ đều xứng đáng có cơ hội sửa sai

Chị Nguyễn Thu Phương.
Là một phụ huynh có con đang học cấp ba, tôi đồng tình với việc bỏ hình thức đình chỉ học tập. Trẻ con ở tuổi này rất dễ nông nổi, bốc đồng, nhưng đây cũng là giai đoạn các con cần nhất sự hướng dẫn và bao dung. Nếu vì một sai phạm mà các con bị đình chỉ học, bị tạm thời “đẩy ra khỏi lớp”, thì các con sẽ cảm thấy bị chối bỏ, dễ mất phương hướng và tụt lại phía sau. Tôi nghĩ cách kỷ luật tích cực như cho con tham gia lao động công ích, viết bản kiểm điểm, tư vấn tâm lý… sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Quan trọng là phải giúp các con hiểu hành vi sai trái của mình ảnh hưởng thế nào và phải học cách chịu trách nhiệm. Mọi đứa trẻ đều xứng đáng có cơ hội sửa sai và trưởng thành trong một môi trường bao dung.
Cô giáo Hoàng Thị Tú Anh (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Việt Nam Ba Lan, Hà Nội): Nên linh hoạt khi xử phạt trò mắc lỗi

Cô giáo Hoàng Thị Tú Anh.
Nhiều năm gắn bó với công tác chủ nhiệm, tôi cũng không ít lần áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học tập với học sinh 1 - 3 ngày và nhận thấy có những hiệu quả rõ rệt của các em sau khi trở lại lớp. Quan điểm của tôi là trong thời gian đình chỉ học sinh vẫn phải ghi bài, chép bài đầy đủ. Nghỉ học ở nhà là để dành thời gian suy ngẫm lại, tự mình học tập khi không có thầy cô, tập thể lớp thì thấy như thế nào… Nhưng thời gian chỉ giới hạn trong 1 - 3 ngày còn nếu đình chỉ học 1 năm không khác gì lưu ban, ở lại lớp và thậm chí tệ hơn vì các em 1 năm không đến trường, bị đẩy ra ngoài xã hội thì không có tác dụng giáo dục.
Mỗi học sinh một tính cách, một giai đoạn khác nhau cần áp dụng linh hoạt các hình thức xử lý vi phạm phù hợp, không phải cứ giơ cao đánh khẽ là tốt cho các em nhưng cũng không dồn các em đến bước đường cùng không thể cứu vãn, đó là phản giáo dục.
Nguyễn Thùy Dương - học sinh lớp 12 Hóa - Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam: Học sinh cần được thấu hiểu và chia sẻ

Em Nguyễn Thùy Dương.
Em thường xuyên theo dõi các thông tin trên báo đài, trong đó đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục vì liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Đối với dự thảo về khen thưởng, kỷ luật học sinh các trường phổ thông thay thế cho Thông tư 08 năm 1988, em hoàn toàn ủng hộ các hình thức kỷ luật được đề xuất bởi tính nhân văn, cho học sinh cơ hội sửa sai với sự đồng hành của không chỉ gia đình mà cả giáo viên, nhà trường. Nếu được dẫn dắt và định hướng đúng đắn với sự thấu hiểu và chia sẻ thì em tin, đa số học sinh đều sẽ hợp tác tích cực mà không phải là chống đối hay phản ứng gay gắt.
Tuy nhiên, với những hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như đánh nhau, xâm hại thân thể tinh thần của người khác… và đặc biệt tái diễn nhiều lần, làm ảnh hưởng đến không khí lớp học, các bạn học khác em đề xuất vẫn cần có hình thức xử phạt thích đáng để bạn đó thấy rõ trách nhiệm phải chịu sau những gì mình đã gây ra. Đặc biệt ở bậc THPT, học sinh đã dần có nhận thức rõ về việc gì đúng, việc gì sai nên cần chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình.