Kỹ năng lao động mang lại giá trị đích thực

Chương trình đào tạo nghề của Trường cao đẳng Công Thương miền Trung dành 70% thời lượng là thực hành, thực tế tại doanh nghiệp, nhằm nâng cao kỹ năng lao động. Ảnh: ĐÌNH PHÚ

Việt Nam tham gia Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới với 84 tổ chức thành viên từ trên 60 quốc gia, trong đó có nhiều nước phát triển. Ngày 1/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1486/QĐ-TTg lấy ngày 4/10 hằng năm làm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Điều này một lần nữa khẳng định vai trò, giá trị của lực lượng lao động và trình độ kỹ năng của người lao động, như thông điệp mà Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đưa ra: “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”.

Chìa khóa của sự thịnh vượng

Trên thế giới, từ lâu kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp đã được đánh giá, nhìn nhận có vị trí trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. Đối với mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vấn đề nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Diễn đàn kinh tế thế giới cũng khẳng định: Kỹ năng nghề là một trong 12 trụ cột để xác định năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế. Nó có giá trị như một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu. Các chuyên gia và tổ chức quốc tế liên quan đều có nhận định chung: Kỹ năng của lực lượng lao động là vũ khí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội ở thế kỷ XXI này, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang thiếu hụt lao động kỹ năng trầm trọng cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Năm 2021, trong thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động “Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc nâng cao kỹ năng lao động. Vì lẽ đó, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, thể hiện qua thông điệp “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”.

Tôn vinh người dạy nghề, học nghề

Nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10), Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chương trình kỷ niệm và tôn vinh 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu; tuyên dương 100 học sinh, sinh viên các trường nghề xuất sắc, tiêu biểu năm 2022. Trong chương trình tôn vinh này, Phú Yên vinh dự góp mặt 1 giáo viên và 2 sinh viên. Đó là cô Đỗ Thị Cẩm Vinh (Trường cao đẳng Nghề Phú Yên) và 2 sinh viên Lê Nguyễn Thy Nhân, Đoàn Thị Thu Sương (Trường cao đẳng Công Thương miền Trung).

Theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương miền Trung, đây là lần đầu tiên Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chương trình vinh danh ý nghĩa, động viên tinh thần sáng tạo, không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của cả người dạy và người học; đồng thời khẳng định vị trí của kỹ năng lao động trong xã hội hiện nay. Những cá nhân được chọn lựa, vượt qua các tiêu chí gắt gao của ban tổ chức. Đối với 2 sinh viên của trường được tuyên dương, các em đều có thành tích xuất sắc với điểm trung bình học lực năm học trên 9 điểm (thang điểm 10), là sinh viên năng động, luôn đi đầu trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên 5 tốt cấp trường, sinh viên tiêu biểu của tỉnh; có đề tài nghiên cứu, đạt giải trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Còn theo TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, ngày càng nhiều người chọn học nghề hơn, và thực tế, những bạn trẻ chọn học nghề, chăm chỉ rèn luyện kỹ năng đã thành công trong cuộc sống. Cộng đồng doanh nghiệp cũng thay đổi tư duy về vai trò của kỹ năng nghề thể hiện qua việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng lao động. “Trong tuyển dụng lao động, doanh nghiệp luôn lấy trình độ kỹ năng và năng lực nghề làm thước đo giá trị, không nặng tính hình thức của bằng cấp. Doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo kỹ năng cho người lao động, bằng hình thức hợp tác đào tạo với nhà trường, đặt hàng đào tạo lao động có chuyên môn, tay nghề theo yêu cầu thực tế”, TS Lái nói.

Các trường đào tạo nghề, luôn đặt yếu tố chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng lao động của người học lên hàng đầu với mục tiêu để người học đáp ứng nhu cầu của xã hội. TS Trần Kim Quyên khẳng định: Hệ thống giá trị cốt lõi mà nhà trường mang lại cho người học và xã hội là chất lượng, chuyên nghiệp, sáng tạo, trách nhiệm, hội nhập. Từ đó, nhà trường xác định triết lý đào tạo “Thực học - Thực nghiệp - Chủ động hội nhập”.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các trường đào tạo nghề phát huy tính chủ động, sáng tạo, bám sát định hướng, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, hướng đến mục tiêu đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh và khu vực. Các cơ sở đào tạo nghề tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, hiện đại, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số, xã hội số…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/287991/ky-nang-lao-dong-mang-lai-gia-tri-dich-thuc.html