Kỹ năng phân tích chuyên sâu trong bài nghị luận văn học

Để thành công trong bài văn nghị luận văn học, bên cạnh kỹ năng so sánh, liên tưởng thì người viết cần có tài phân tích.

Minh họa/ITN

Minh họa/ITN

Thế nào là bài văn hay? Đó là bài vừa giàu ý vừa bộn chất văn, để từng bước người viết như người lữ hành dẫn lối độc giả đọc bài luận mà vừa như được ngắm tranh tự nhiên bộn đường nét, bộn sắc màu.

Để thành công trong bài văn nghị luận văn học, bên cạnh kỹ năng so sánh, liên tưởng thì người viết cần có tài phân tích. Do đặc thù chuyên môn và mục đích chuyên đề ôn thi tốt nghiệp THPT nên tôi chỉ minh họa văn bản văn học chương trình THPT chủ yếu là lớp 12.

1. Đọc – nghĩ – viết

Phân tích được hiểu là làm rõ từng khía cạnh của vấn đề để mục đích cuối cùng thấy rõ, đầy đủ, sâu sắc bản chất của đối tượng được phân tích.

Một số “típ” để hiểu tác phẩm văn học trước khi phân tích, đánh giá chuyên sâu mà sĩ tử nào cũng nên “nằm lòng” và thực hành luôn: Đọc kỹ văn bản; suy nghĩ về những hình tượng, chi tiết trong văn bản được học; đọc mở rộng và thực hành viết đoạn nhiều.

Bài văn là tổng hợp nhiều đoạn văn trọn mạch văn. Rút gọn công thức nâng tầm thí sinh trong tiểu công thức: Đọc - đọc - nghĩ - nghĩ - viết - viết. Đọc đi đọc lại cho thấm, nghĩ đi nghĩ lại cho thấu, viết đi viết lại cho quen tay thành kỹ năng.

Tuyệt chiêu này gọn lại là: Nắm lý thuyết, thực hành lý thuyết để hình thành kỹ năng. Theo đó, nắm lý thuyết phân tích cơ bản đến bài bản chỉ là điều kiện cần, cần phải thực hành ít nhất mỗi tuần một bài viết để đảm bảo điều kiện đủ, hình thành và chuyên nghiệp kỹ năng phân tích chuyên sâu.

Trong bài nghị luận dạng đề thi tốt nghiệp THPT thường cho đoạn trích. Một đoạn trích ngắn khoảng 500 chữ. Nếu không phân tích chuyên sâu chi tiết, có thể bài viết sẽ sơ sài, vụn vỡ và vô hồn, thiếu ý và yếu chất văn. Để khắc phục hạn chế đó, học sinh cần phân tích chi tiết chuyên sâu.

Chi tiết là một khía cạnh nhỏ của hình tượng nghệ thuật, trong truyện, ký, kịch chi tiết thường gói gọn trong một hoặc một vài câu văn. Trong văn bản thơ, “chi tiết” tạm hiểu là từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi, đa nghĩa. Đôi khi chỉ cần phân tích một từ, một hình ảnh trong một câu thơ.

 Minh họa/ITN

Minh họa/ITN

2. Thổi hồn cho chi tiết bằng kỹ thuật phân tích theo 10 bước

Thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa rất quan trọng đối với thí sinh. Đây là một kỳ thi hai đích đến, vừa công nhận tốt nghiệp bậc THPT vừa dùng kết quả này để xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng định đoạt nghề nghiệp chuyên môn của các em trong tương lai. Để đạt điểm cao trong kỳ thi này, môn thi Ngữ văn dạng bài Nghị luận văn học chiếm 5/10 điểm cần nhiều kỹ năng. Phân tích là kỹ năng chính, nhưng chỉ dừng lại ở mức cơ bản. Để thăng hoa cho bài viết cần thuật so sánh, liên tưởng. Và các kỹ năng khác cần được linh hoạt đổi ngôi trong bài luận. Với chuyên đề này, cô Trần Thị Thanh mong muốn góp phần định hướng và hướng dẫn học sinh vận dụng hiệu quả các kỹ năng quan trọng đó. Vẫn chỉ là lý thuyết và minh họa mang tính kinh nghiệm cá nhân, cô Thanh tin mỗi học sinh là một nhà biện luận tài ba trong bài nghị luận văn học của mình.

Bước 1: Tìm được chi tiết giàu

ý nghĩa.

Bước 2: Trích dẫn chi tiết. Chọn cách trích dẫn phù hợp với mục đích phân tích.

Bước 3: Tìm nghệ thuật có trong chi tiết.

Bước 4: Nêu tác dụng nội dung của chi tiết.

Bước 5: Ý nghĩa của chi tiết đối với hình tượng nghệ thuật chính.

Bước 6: Ý nghĩa của chi tiết đối với cả tác phẩm.

Bước 7: Ý nghĩa của chi tiết đó đối với tác giả.

Bước 8: Ý nghĩa của chi tiết đó đối với văn chương đề tài miền núi Tây Bắc.

Bước 9: Ý nghĩa của chi tiết đó đối với người đọc.

Bước 10. Thêm bạn cho chi tiết “mồ côi” được “có đôi”.

Thực tiễn sửa, chấm nhiều bài thi trong nhiều kì thi của học sinh, tôi nhận thấy học sinh làm tốt và thường chỉ dừng lại ở bước 1, bước 2, bước 3. Học sinh sáng tạo hơn thì làm bước 10 - so sánh liên hệ.

Còn nhiều cách mở rộng chuyên sâu khác mà học sinh cần hiểu và vận dụng để nâng tầm bài văn của mình. Tuy nhiên, tùy mục đích viết, tùy văn bản trong đề, tùy kinh nghiệm cá nhân mà mỗi học sinh có thể vận dụng một cách sáng tạo những bước phân tích sau, tránh áp dụng cứng nhắc sẽ khiến bài văn khiên cưỡng.

2.1. Minh họa chi tiết văn xuôi: Phân tích chi tiết tiếng sáo trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài như sau:

Từ khi về làm dâu gạt nợ cho nhà giàu, nếu Mị là cái cây héo giữa đại ngàn thì âm thanh màu sắc đó chính là cơn mưa đã tái sinh cô lần này. Màu vàng cỏ gianh ửng lên, màu sặc sỡ của những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá chính là ân nhân của cô.

(Bước 1) Màu sắc và thanh âm. Thanh âm quan trọng nhất nâng bổng tâm hồn Mị, dìu cô từ thân héo nở hoa tỏa hương chính là tiếng sáo: (Bước 2) “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo gọi bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu”.

(Bước 3) Tiếng sáo được miêu tả trở đi trở lại trong đêm mùa Xuân, khi thì “thiết tha bổi hổi”, “văng vẳng”, lúc lại “lửng lơ”, “rập rờn”. Đây vừa là nghệ thuật dùng từ láy vừa là thủ pháp kết hợp phương thức biểu đạt tự sự xen trữ tình làm tăng chất thơ, chất nhạc cho truyện ngắn này.

(Bước 4) Đây là âm thanh biểu tượng. Người đọc hình dung, cô Mị đang ở nhà Pá Tra, đang làm việc, đang bị “giam lỏng” nơi “địa ngục trần gian”. Ta hình dung cô đang làm việc với nét mặt “buồn rượi rượi” như đoạn đầu nhà văn đã miêu tả. Cô vô cảm.

Nhưng khi nghe âm thanh tiếng sáo, cô tỉnh lại, cô vui, môi cô nhoẻn cười, mắt cô long lanh, trái tim cô như đang khiêu vũ muốn nhảy vọt ra ngoài lồng ngực. Vì sao thế? Chỉ là tiếng sáo thôi mà. Nhưng tiếng sáo là tiếng lòng Mị, tiếng sáo ấy ở xa tít ngoài núi nhưng cô vẫn lắng tai nghe.

(Bước 5) Nó đánh thức cô sống lại với quá khứ đáng sống: Trẻ, xinh, có người theo đuổi, có tài thổi sáo. Nó biểu tượng cho sức sống trong lòng Mị đang như ngọn lửa vừa được cời lên, gặp gió và ngọn lửa ấy được đà thổi lên thành bếp lửa. Lòng của Mị là lửa. Tiếng sáo thổi bùng ngọn lửa tuổi trẻ, tình yêu, đam mê, hạnh phúc, tự do trong Mị.

Cô từng có nhưng giờ chỉ còn là kí ức, có chăng nữa là ước mơ. Lời bài hát nói lên khát vọng được sống, được yêu của Mị: “Ta chưa có con trai con gái/ Ta đi tìm người yêu”. Cô gái có chồng muốn đi tìm người yêu vừa thể hiện bi kịch hôn nhân gạt nợ vừa nói lên kháo khao tình yêu tự do trong lòng Mị.

(Bước 6) Với truyện “Vợ chồng A Phủ”, thanh âm tiếng sáo làm nên chất thơ cho truyện, làm nên ý nghĩa biểu tượng cho tác phẩm và làm cho tác phẩm có thêm yếu tố mang phong vị Tây Bắc - Tết đến uống rượu, thổi sáo hò hẹn bên thiên nhiên ban sơ, thắm thiết tình người. Một nét đẹp rất riêng đậm chất Tây Bắc.

(Bước 7) Thanh âm tiếng sáo còn là nấc thang dẫn lối Tô Hoài lên một bậc trong thuật tả tâm lý bằng ngoại cảnh - thanh âm để gọi nhạc lòng Mị. Tô Hoài tinh tế trong thuật thấu lòng nhân sinh mà không cần đọc vị, chỉ cần một tiểu tiết: Tài tình nhất của Tô Hoài là dùng chính tài năng - tài thổi sáo của Mị để hồi sinh sức sống bị khuất lấp trong lòng cô.

(Bước 8) Tài năng thứ hai của nhà văn trong đoạn này là thuật diễn văn đầy chất thơ, chất nhạc. Trong mạch tự sự văn xuôi xen đoạn thơ, tiếng nhạc làm cho trang văn như trang thơ, bồng bềnh. (Đây cũng là nghệ thuật trong văn hóa Tết của miền Tây Bắc cần được gìn giữ).

Cùng viết về miền núi Tây Bắc, Tô Hoài tô đậm chất nhạc trong và ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần người Mèo bấy giờ, sau này Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thủy phải chăng là cuộc hạnh ngộ khi chị viết về miền núi hùng vĩ ấy? Đó là sự cộng hưởng, kế thừa hay nối tiếp mang tính văn hóa sáng tạo?

(Bước 9) Với bạn đọc, tiếng sáo cho người đọc về một miền đất hùng vĩ, thanh âm vang vọng và những phận người chao đảo dưới lộng quyền của bọn chúa đất xứ rừng thiêng. Để rồi người đọc ngẫm ra, theo chân Mị, nhạc rừng, ráo trúc hay đàn môi đều là cách để sống như một người con của núi: Lãng mạn, mạnh mẽ, dễ gì bị khuất phục.

(Bước 10) Thêm bạn cho câu văn mồ côi có đôi chính là kỹ năng so sánh (phân tích kỹ ở bài 2 - Kỹ năng so sánh, liên tưởng).

Nếu đề cho đoạn trích Mị mùa Xuân, gặp chi tiết tiếng sáo học sinh có thể phân tích tuần tự hoặc vận dụng linh hoạt các bước trên thì bài văn đầy ắp “vitamin” sáng tạo.

Điều quan trọng trong kỹ thuật phân tích 10 bước này không chỉ giúp các thí sinh tăng điểm số, đạt mục đích học tập mà còn là hình thành và từng bước hoàn thiện kỹ năng gốc của một người trưởng thành - kỹ năng tư duy đa chiều, có kỹ năng này não bộ sẽ thông minh hơn, hướng cá nhân tới đời sống tự do khi nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau và biết lược bớt tiểu tiết, giữ lại tư duy gốc - giữ lại các bước quan trọng nhất đúng bài luận yêu cầu.

 Minh họa/ITN

Minh họa/ITN

2.2. Minh họa “chi tiết” thơ: Phân tích câu thơ “Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” trong đoạn 2 bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. (Bước 1, 2) Bài thơ “Tây Tiến” có những câu thơ giản dị về từ ngữ, hình ảnh nhưng càng nghĩ, càng cảm càng bất ngờ.

“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” là một điểm nhấn vừa mê hoặc vừa ám ảnh. (Bước 3, 4, 5) Phép tu từ câu hỏi tu từ với hai từ “có thấy” liên kết với câu sau “có nhớ” tạo nên điểm nhấn tâm trạng băn khoăn day dứt hay nhắc nhở dặn dò của chủ thể trữ tình.

Hỏi người đi có thấy – có nhớ nhưng để dặn lòng mãi nhớ về chặng đường qua Châu Mộc với triền núi, với thung lũng trải dài dải lau trắng bồng bềnh muôn dặm “hồn lau nẻo bến bờ” – như một bức tranh. Thơ hay là thơ giàu sức gợi hay là thơ ám ảnh? Hay là thơ súc tích? Có lẽ là tất cả. Hai từ “Hồn lau” là một ý thơ như thế.

Câu thơ có nhiều cách hiểu. Có thể là linh hồn những đồng đội đã “gục lên súng mũ bỏ quên đời”, có thể là hoa lau – hoa là tinh túy của cây, đẹp nhất, giá trị nhất nên hoa chính là hồn cây. Cả thung lũng, sườn đồi, ven đèo đều bồng bềnh sắc trắng hoa lau.

Đẹp man dại. Còn có thể là nỗi lòng người lính Tây Tiến còn luyến lưu “thơm nếp xôi”, luyến lưu đêm “hội đuốc hoa”, luyến lưu “em xiêm áo”, luyến lưu “khèn man điệu”... nên chặng đường qua Châu Mộc cỏ cây cũng như bầu bạn, cũng như anh em, ân tình thắm thiết.

Khi lòng còn luyến lưu thì cỏ cây tưởng vô tri vô giác cũng hữu tình thiết tha. Nếu thơ hay là thơ đa nghĩa, ám ảnh, súc tích, giản dị thì “hồn lau nẻo bến bờ” là một hình ảnh thơ như thế. (Bước 6, 7, 8, 9, 10). Nếu Đọc và dành thời gian để suy ngẫm, ta dễ nhận ra: Khi người nghệ sĩ nói chung, nhà văn, nhà thơ nói riêng đưa ra công chúng một tác phẩm cũng giống như người nông dân gieo những hạt mầm.

Có nhà văn gieo hạt mầm Hi vọng, như Thạch Lam trong “Hai đứa trẻ”. Thạch Lam thông qua nhân vật Liên tin rằng tàu đến rồi đi, nhưng tàu lại trở lại vào hôm sau. Có nhà văn lại gieo hạt mầm Niềm tin vĩnh hằng về Lương thiện là Nam Cao khi viết Chí Phèo. Nam Cao tin bản tính lương thiện của Chí không mất đi dẫu bao nhiêu chôn vùi, bao nhiêu cơ cực, bao nhiêu ghẻ lạnh.

Nó vẫn lóe lên, chiến thắng đòi được sống chứ không phải tồn tại. Hay như Nguyễn Công Hoan tưởng “Đồng hào có ma” mà chua xót, đắng cay, lạnh lùng thì sau cùng, sâu cùng, tận cùng nhà văn ấy vẫn gọi chân thật, gợi tin yêu, khơi nhân tình. Trong “Tây Tiến”, nhà thơ đa tài Quang Dũng gieo hạt mầm đã – đang – sẽ ngát hương.

Hạt mầm ấy có tên là... tôi tin bạn đọc không chỉ thông minh mà còn tinh tế và sáng tạo hơn người viết bài này, để gọi tên hạt mầm ấy. Và thành mầm cây. Mầm cây ấy là kết quả của hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn, tài hoa và hào hoa của chàng trai xứ Đoài mây trắng. Và còn là kết tinh từ tinh hoa núi rừng Tây Bắc, ân tình người Tây Bắc thơm như xôi nếp.

Bản chất bài nghị luận văn học vừa thể hiện tư duy, vừa thể hiện xúc cảm và kỹ năng của người viết. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tổng hợp giữa phân tích – chứng minh – bình luận – so sánh – cảm nhận riêng sẽ tạo nên “cá tính” và phong cách riêng cho bài văn nghị luận.

Thao tác phân tích trong kỹ năng nghị luận văn học theo các bước như trên giúp học sinh khẳng định được “thương hiệu” độc quyền của mình trong các kỳ thi quan trọng.

Trần Thị Thanh (Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, Tân Uyên, Bình Dương)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-nang-phan-tich-chuyen-sau-trong-bai-nghi-luan-van-hoc-post684459.html