Nhạc kịch 'Bỉ vỏ' và những câu chuyện Việt được viết bằng ngôn ngữ phương Tây

Sau thành công của những vở múa 'Mỵ', ballet 'Kiều', nhạc kịch 'Người cầm lái', 'Dế mèn'..., biên đạo múa Tuyết Minh tiếp tục hành trình của mình, làm những vở nhạc kịch Việt Nam, chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Đó là con đường gian nan, nhưng với chị, là một nguồn cảm hứng vô tận của sự sáng tạo, để viết nên những câu chuyện Việt bằng ngôn ngữ của phương Tây.

Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, phản ánh một xã hội bất công, đen tối, đầy khổ cực của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Tác phẩm cũng bày tỏ sự tự tôn và khát khao cuộc sống lương thiện của người Việt Nam trước những thử thách và cám dỗ, đồng thời tác phẩm cũng gửi gắm thông điệp về tình yêu thương và trách nhiệm gia đình, về sự hy sinh và chung thủy của người phụ nữ.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” được kết cấu 3 hồi, 15 cảnh. Trong đó, hồi I có tên “Trùm cuối”, lấy bối cảnh Hải Phòng năm 1937, trong xã hội thực dân nửa phong kiến khi đó, nhiều người bị bần cùng, tha hóa, trở thành dân anh chị giang hồ mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật trung tâm.

Hồi II có chủ đề “Cuộc rượt đuổi số phận” khắc họa về những mảnh đời cơ cực, đói rách, những con người lương thiện bị ép vào con đường lầm lỗi như Tám Bính. Trong thế giới “anh chị” khốc liệt, máu lạnh ấy vẫn có một Năm Sài Gòn - gã đàn anh của Bến 6 Kho - Hải Phòng nghĩa khí, phóng khoáng, hảo hán, chỉ lấy của người giàu và bọn quan quyền bóc lột. Hồi III với tên gọi “Con đường bụi mờ” phơi bày bộ mặt bất công của xã hội đương thời đè nặng lên những người dân lương thiện, tạo nên những bi kịch thảm khốc và đầy nước mắt.

Vở nhạc kịch được thực hiện dưới chỉ đạo nghệ thuật của NSND Khánh Hòa, Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng; tổng đạo diễn, kịch bản: Nghệ sĩ Tuyết Minh; biên đạo múa: Nghệ sĩ Tuyết Minh - NSƯT Văn Dũng; dàn dựng hợp xướng: NSND Hà Thủy - Chinh Ba - Hoàng Ngọc; Giám đốc âm nhạc: Lưu Quang Minh cùng sự tham gia biểu diễn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố.

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu lại câu chuyện “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, hình dung bối cảnh của đất cảng miền Bắc những năm 1937-1938 thời kỳ phong kiến nửa thuộc địa Pháp lúc bấy giờ, nghiên cứu tư liệu, hình ảnh của Hải Phòng xưa để cảm nhận một thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Dương ngày ấy, nhìn sâu vào nguyên nhân, quá trình phân chia giai cấp, tìm ra mấu chốt vấn đề để xây dựng chủ đề tư tưởng chính và các thủ pháp nghệ thuật rồi kết nối với bối cảnh xã hội đương thời. Những cuộc rượt đuổi lần lượt lao nhanh qua tôi, xuyên qua giấc mơ hiện tại, nỗi niềm của những thân phận nổi trôi trong lòng bức tranh xã hội đó và tôi chợt cảm nhận đó như một đoàn tàu cứ xình xịch chạy trên một đường ray trong sự vận hành của lịch sử, mỗi ga đỗ là một câu chuyện, trong mỗi toa tàu là những thân phận với hoàn cảnh và không gian đặc biệt”.

Nhạc kịch “Bỉ vỏ” không minh họa lại nguyên tác của nhà văn Nguyên Hồng mà muốn kết nối với tư tưởng và cái thấy của ông, một Hạ Lý rất khác với những bối cảnh của những văn bản nhưng lại gần với ký ức, những tấm ảnh xưa cũ mang hơi thở bản sắc Hải Phòng. Âm ỉ sâu trong đó vẫn là những cuộc rượt đuổi của những kiếp sống nhân sinh của Hải Phòng, hay cả Việt Nam ở thời khắc quá khứ đã từng đi qua đó.

Với giấc mơ dàn dựng những vở nhạc kịch của người Việt, Tuyết Minh khá kỹ lưỡng trong việc mời ê-kíp tham dự. Đồng hành cùng chị trong vở nhạc kịch này là nhạc sĩ Lưu Quang Minh và nhạc sĩ Chinh Ba.

Nhạc sĩ Lưu Quang Minh là một người con của Hải Phòng, anh nhận lời tham gia sản xuất âm nhạc cho nhạc kịch “Bỉ vỏ” bởi vì câu chuyện đã chạm tới cảm xúc của anh và sự đồng cảm, thương xót những con người sống trong thời bị Pháp đô hộ.

“Điều tôi thấy áp lực nhất là tìm mạch âm nhạc để lột tả hết được cảm xúc khốn khổ của những nhân vật trong câu chuyện. Hai chữ “nhạc kịch” nếu hiểu theo âm nhạc thế giới thì khán giả không lạ lẫm, nhưng với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, tôi cần phải điều chỉnh làm sao cho khán giả cảm được theo phong cách nhạc kịch nguyên gốc mà không mất đi hồn Việt. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú và đa dạng nhưng luôn là bài toán khó với các nhạc sĩ khi vừa mong muốn giữ nguyên ý lời văn của đạo diễn trên giai điệu do mình sáng tác, tôi cố gắng giữ nguyên vẹn, chỉ sửa một vài từ để hát được đúng cao độ”, nhạc sĩ Lưu Quang Minh chia sẻ.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”.

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”.

Thách thức của nhạc kịch Việt tới thời điểm này vẫn luôn là phần âm nhạc với tính kịch và những ca khúc để lại ấn tượng để khi giai điệu vang lên là khán giả nhớ đến vở nhạc kịch ấy. Nhạc sĩ Lưu Quang Minh đã sử dụng chất liệu Rock cho một số tác phẩm với một chút u tối, dữ dội và giằng xé. Ngoài ra, các chất liệu rộn ràng của Funky trong các màn của “Tài Xế Cấu” hay cách điệu của Jazz mang đến nhiều màu sắc cho các phân cảnh khác của vở nhạc kịch.

Những năm gần đây, nhạc kịch được dàn dựng khá nhiều ở Việt Nam, nhưng dường như vẫn còn nhiều thách thức trong việc giải mã về tác giả viết kịch bản cho thể loại nhạc kịch còn hiếm. Thách thức với nhạc kịch Việt tới thời điểm này vẫn luôn là phần âm nhạc với tính kịch và những ca khúc để lại ấn tượng. “Tính học thuật của âm nhạc với chất bán cổ điển đặc trưng kết với với tư duy sân khấu đương đại đặc trưng của chị Tuyết Minh vẫn toát lên cái hồn phách hào sảng của khí chất vùng đất. Tôi chỉ là người cố gắng gắn kết và đặt để những vị trí âm thanh giúp họ có thể là nhân vật đó một cách trọn vẹn nhất có thể theo tinh thần đạo diễn Tuyết Minh đưa ra cho cả ê-kíp”, nhạc sĩ Chinh Ba chia sẻ.

Nhiều năm qua, biên đạo múa Tuyết Minh không ngừng tìm kiếm và sáng tạo để đưa các tác phẩm văn học nổi tiếng lên sân khấu. Với chị, đó là cách lưu giữ những vẻ đẹp của văn hóa Việt. Năm 2018, vở kịch múa “Mỵ” ra mắt đã gây ấn tượng bởi nó không khắc sâu vào nỗi đau của Mỵ mà làm nổi bật những vẻ đẹp của văn hóa dân tộc vùng cao, phiên chợ tình, những trò chơi dân gian. Tuyết Minh đã tạo dựng nên một không gian truyền thống của đồng bào Mông với đàn môi, kèn lá, cối giã gạo, ống bương nước.

Năm 2019, Tuyết Minh một lần nữa khiến giới trong nghề và những người yêu múa nể phục khi đưa kiệt tác “Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu trong vở kịch múa ballet “Kiều”. Trong tác phẩm này, biên đạo Tuyết Minh khéo léo kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với “chất” văn hóa trong nghệ thuật tuồng, chèo. Múa dân tộc, âm nhạc cũng được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống...

Và, bây giờ, sau vở nhạc kịch “Người cầm lái”, “Dế mèn”, chị tiếp tục hành trình của mình, dàn dựng vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” với mong muốn lưu giữ các giá trị tinh hoa của dân tộc Việt bằng nghệ thuật cổ điển phương Tây. Đó là cách chị tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa Việt dù con đường khó khăn và nhiều chông gai, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ. “Văn hóa dân tộc được sáng tạo mới mẻ trong đời sống hôm nay sẽ tiếp tục tồn tại và có sức sống, đó là cách bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất”, nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhac-kich-bi-vo-va-nhung-cau-chuyen-viet-duoc-viet-bang-ngon-ngu-phuong-tay-i735645/