Kỹ năng ứng phó khi trẻ em bị bỏ quên trong ô tô

Thời gian vừa qua, có không ít các vụ tai nạn xảy ra với các trường hợp trẻ em bị bỏ quên trên ô tô. Trẻ em mắc kẹt lâu trong xe dễ gặp phải hiện tượng say nắng, chóng mặt, ngạt thở dẫn đến tử vong. Để giúp trẻ em có kỹ năng thoát hiểm, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với chuyên gia những kiến thức cần thiết về vấn đề này.

Kỹ năng thoát hiểm

Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Phòng PC07), Công an TPHCM, cho biết, đây là mối nguy hiểm đáng báo động. Những vụ việc không may xảy ra trong thời gian gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, thầy cô cần chú ý trông coi con em mình, đồng thời trang bị cho trẻ em kỹ năng gọi trợ giúp, tự cứu mình khi rơi vào tình huống này.

 Kỹ năng thoát hiểm khi trẻ bị bỏ quên trong ô tô

Kỹ năng thoát hiểm khi trẻ bị bỏ quên trong ô tô

Trong đó, cần dạy trẻ thật bình tĩnh khi phát hiện mình bị bỏ lại một mình trên ô tô. Việc sợ hãi, gào khóc, vùng vẫy sẽ khiến nhịp tim tăng lên, mồ hôi toát ra nhiều hơn làm trẻ nhanh mất sức, rơi vào đuối lịm và không thể làm được gì. Vì vậy, các bậc cha mẹ, thầy cô hãy truyền cho trẻ sự bình tĩnh, gạt đi nỗi sợ hãi và dạy cho trẻ cách tự cứu bản thân mình.

Cần dạy trẻ cách gọi trợ giúp khi bị mắc kẹt trên ô tô như: bấm liên tục vào nút còi ở giữa vô lăng để báo hiệu. Còi ô tô luôn ở chế độ hoạt động dù có sử dụng chìa khóa hay không. Tập cho trẻ sử dụng kỹ năng quan sát, ghi nhớ và cách bấm còi để tạo sự chú ý cho người xung quanh và giúp bé thoát khỏi ô tô. Dạy cho trẻ bật đèn khẩn cấp Hazard trên ô tô. Nút bật đèn này có hình tam giác rất dễ thấy, thường đặt ở vị trí dưới màn hình radio hoặc video của xe. Trong tình huống khẩn cấp, hãy bấm nút đèn này kết hợp với còi liên tục để thu hút sự chú ý của người xung quanh đến hỗ trợ.

Ngoài ra, cần dạy trẻ mở cửa cạnh ghế lái. Khi phát hiện bị bỏ quên trên ô tô một mình, nên dạy trẻ đi lại phía ghế của lái xe, nhấn vào vị trí nút bật lẫy mở chốt cửa xe hoặc nhấn mở trực tiếp vào lẫy khóa. Kéo tay vào trong rồi mở cửa xe bước ra, nhờ người liên lạc với thầy cô, cha mẹ đến đón. Đồng thời, cần dạy trẻ kéo cần nhỏ bên trái vô lăng về phía sau để bật đèn pha ô tô. Thông thường, công tắc của hầu hết đèn ô tô được tích hợp chung trên cần điều khiển nằm bên trái phía sau vô lăng. Để bật/tắt đèn, thay đổi chế độ đèn cần dạy trẻ cách xoay núm hay gạt cần điều khiển này. Dạy trẻ cách đứng trước phần kính cửa để vẫy người bên ngoài khi bị mắc kẹt trong ô tô. Trẻ có thể tới kính trước vô lăng, kính cửa xe (có độ trong) để tìm cách báo cho người bên ngoài biết bằng cách vẫy tay hoặc cầm đồ vật rồi vẫy để thu hút sự chú ý của người phía ngoài.

Cẩn trọng, kiểm soát kỹ lưỡng

Theo BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, với nhóm trẻ từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi, phụ huynh và thầy cô giáo có thể hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để phòng tránh và ứng phó với tình huống bị bỏ quên trên ô tô. Đó là dạy trẻ cách sử dụng búa thoát hiểm, vật nặng trong xe. Búa thoát hiểm thiết kế để có đầu nhọn tập trung gia lực, do đó với một lực nhỏ của trẻ cũng có thể đập vỡ kính, không cần quá nhiều sức. Thậm chí, với trẻ lớn có thể dạy viết to dòng chữ “Cứu!” gắn vào kính để kêu gọi giúp đỡ. Ngoài ra, bố mẹ nên trang bị cho trẻ 1 đồng hồ định vị hay điện thoại trong trường hợp cấp bách; nên hướng dẫn trẻ cách gọi điện cho cha mẹ, thầy cô hoặc cảnh sát, cứu thương khi có sự cố, mắc kẹt trong ô tô.

Bên cạnh đó, cần dạy trẻ tuân thủ hướng dẫn của cô giáo, xuống xe khi xe dừng hẳn, không được ở lại trên xe hay chơi đùa trốn tìm. Với những đoạn đường có thời gian di chuyển ngắn (15-20 phút), cô giáo nên tổ chức trò chơi câu đố để trẻ hào hứng tham gia và quên cơn buồn ngủ. Đây cũng là một hình thức điểm danh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người lớn phải đảm bảo an toàn, điểm danh đầy đủ và thực hiện đúng quy trình đưa đón trẻ, kiểm tra chéo với tài xế. Khi dừng xe, tài xế cần kiểm tra một lượt để đảm bảo không có trẻ bị ngủ quên trên xe.

Trên thế giới, chuyện để quên trẻ trong ô tô vẫn thường xảy ra, có không ít trường hợp để lại hậu quả thương tâm. Riêng tại Mỹ, theo Hiệp hội an toàn trẻ em và ô tô (KSC), trung bình mỗi năm, ở nước này có 38 trẻ em qua đời vì bị sốc nhiệt trên ô tô, tức trung bình 9 ngày có một sự việc đáng tiếc xảy ra. Trong giai đoạn 1990-2023, Mỹ ghi nhận đến 1.083 em nhỏ qua đời vì nguyên nhân này.

Theo hãng tin Reuters, cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Nếu bị bỏ lại trong một ô tô hơi nóng, các cơ quan trong cơ thể đứa trẻ bắt đầu ngừng hoạt động khi nhiệt độ đạt tới 400C. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần có thiết bị nhắc nhở. Để ngăn chặn tình trạng trên, Liên minh các nhà sản xuất ô tô và Hiệp hội ô tô toàn cầu đã cam kết phát triển công nghệ cảnh báo ở hàng ghế sau trên hầu như tất cả mẫu ô tô sản xuất năm 2025.

Tại Nhật Bản, xe bus mẫu giáo bắt buộc phải trang bị các thiết bị an toàn. Theo dự báo của công ty nghiên cứu Global Information có trụ sở tại Nhật Bản, thị trường toàn cầu của các hệ thống cảnh báo trên xe hơi sẽ tăng lên 83,13 tỷ USD vào năm 2030, gấp 27 lần mức vào năm 2022. Tại châu Âu, từ năm 2019, Chính phủ Italy đã bắt buộc các bậc cha mẹ phải lắp thiết bị trên xe, nếu không sẽ bị phạt nặng và giữ bằng lái. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra quyết định này.

PHƯƠNG NAM

CHÍ THẠCH - GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-nang-ung-pho-khi-tre-em-bi-bo-quen-trong-o-to-post742496.html