Kỳ nghỉ hè của Tý

Hồi nhỏ đi học, nghỉ hè là thích thú và dễ chịu nhất đối với chúng tôi. Những ngày cuối năm học gần như chủ đề về nghỉ hè 'chiếm sóng' trong mọi cuộc gặp mặt của lũ học trò.

Minh họa: Hạo Minh

Minh họa: Hạo Minh

- Đừng xem điện thoại nữa, đi ngủ sớm nào con trai!

- Sáng mai bố mẹ sẽ cho con về quê chơi với ông bà nội một tháng.

- “Bố mẹ muôn năm”!, cu Tý nhảy cẫng lên.

Tý vừa hoàn thành xong kỳ thi vượt cấp. Sau kỳ nghỉ hè này cậu sẽ là học sinh THCS. Nghỉ hè, về quê chơi là phần thưởng mà vợ tôi đã hứa tặng cho cu cậu. Nhìn dáng vẻ háo hức của cu Tý làm tôi nhớ đến tuổi thơ dữ dội của mình.

Hồi nhỏ đi học, nghỉ hè là thích thú và dễ chịu nhất đối với chúng tôi. Những ngày cuối năm học gần như chủ đề về nghỉ hè “chiếm sóng” trong mọi cuộc gặp mặt của lũ học trò.

Quê tôi miền trung du, cách thành phố sầm uất khoảng vài chục cây số và cách vùng biên non cao vời vợi tầm gấp đôi chặng đường ấy. Một vùng thuần nông, có ruộng, có vườn, có đồi thấp, đồi cao, có sông, có suối và có cả rừng. Kể ra như vậy để thấy một thế giới như cổ tích với lũ học trò quê vốn ham chơi, trong đầu lúc nào cũng luôn sẵn một kho trò chơi khổng lồ gắn liền với những tụ điểm là rặng tre triền đê, gốc sung nơi bến nước, cây chay đầu xóm, ao sen, giếng làng... quen thuộc. Cũng bởi thường ngày phải đến trường, phần lớn thời gian tập trung cho việc học hành nên cái lít danh sách trò chơi nhiều khi chúng tôi phải rút gọn lại, và kỳ nghỉ hè là dịp lũ trẻ quê chúng tôi được thỏa sức “bung lụa” với các trò đánh trận giả, chọi cỏ gà, bắt ve sầu, câu cá, đá bóng, thả diều, đánh khăng... suốt ngày không chán.

Những trò chơi “giả chiến” luôn được ưu tiên hàng đầu, chúng tôi cùng đám trẻ xóm dưới phân định “chiến tuyến” lấy gốc ổi cạnh cây rơm nhà ông trưởng thôn làm ranh giới rồi tổ chức chơi trò đánh trận. Những chiếc bẹ lá chuối được chế thành vũ khí siêu lạ mà chúng tôi gọi là súng. Trò chơi thật đơn giản, khi phát hiện thấy “kẻ địch” núp ở vị trí nào, chỉ cần đọc tên lên là có ngay “tù binh” sau đó dùng tay gạt mạnh dọc bẹ lá chuối, các tay bẹ chuối lập tức gập lại phát ra tiếng nổ tành tạch là coi như xong một “băng đạn” và khi ấy đối thủ sẽ bị loại một thành viên. Cũng trò chơi ấy, các anh chị lớn tuổi hơn thì chơi “súng tre”, những ống tay tre nhỏ bằng ngón áp út dài chừng 20-25cm được nhồi quả xoan non mà bắn vào đùi thì đau phải biết, rát đến độ chảy nước mắt nhưng ai cũng thích thú trò này.

Với lũ trẻ quê chúng tôi thì chẳng bao giờ chơi hết trò được. Chán đánh trận giả, cả lũ lại quay ra chơi chọi cỏ gà, bắt ve sầu bỏ ống bơ đọ xem ve của đứa nào kêu to hơn, chiều đến thì ra ngoài bãi bồi, triền đê thi thả diều xem diều ai bắt gió lên nhanh và cao hơn, xong cả nhóm lại quay sang chia đội đá bóng. Trò chơi nào chúng tôi cũng gian lận, trò nào cũng háo thắng, trò nào cũng có thể ồn ào vui vẻ và cãi cọ nhưng chẳng bao giờ hậm hực được lâu. Khi mặt trời gác ngọn núi là cả lũ lại đằm mình xuống dòng sông Âm hiền hòa mà vui đùa cười vang... Những trò chơi tuổi thơ chí chóe, cãi cọ, vui đùa om xòm xóm nhỏ cứ vậy mà nuôi lớn tâm hồn.

Nhìn cu Tý vừa gấp quần áo vừa tủm tỉm cười, tôi đoán cu cậu chắc hẳn đang háo hức chuyến về quê này lắm. Cũng thử hình dung ra xem khi về quê cu Tý sẽ tham gia chơi với lũ trẻ trong xóm thế nào. Năm nào nghỉ hè gia đình cũng sắp sếp cho cu Tý về nội chơi, nhưng mọi năm chỉ được về vài ba hôm rồi lại phải trở lại phố để tham gia vào các lớp học hè đã đăng ký trước đó. Năm nay, Tý sẽ được về nội chơi hẳn một tháng, gác lại tất cả “tham vọng” học thêm, cho Tý có được một mùa hè đúng nghĩa.

- Con đã nhắn cho bọn thằng Hải, thằng Hà, cái Ngọc, cái Mai... rồi, chúng nó sẽ “bao” con đủ hết các “mặt trận” luôn bố nhé.

- Con “chiến” nổi không đấy? bố nói trước “đá sân khách” khó ăn lắm đấy.

- Híc, cu Tý của bố đâu dễ bị bắt nạt ạ!

Cu cậu tuyên bố dõng dạc với tôi sau tiếng kéo khóa chiếc balo rất dứt khoát và ánh mắt láu lỉnh. Tôi vui vì thấy cu cậu rất háo hức và tin rằng cu Tý sẽ có được kỳ nghỉ hè thú vị và đáng nhớ như tuổi thơ của tôi ngày nào!

Tản văn của Hà Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ky-nghi-he-cua-ty-31924.htm