Kỷ nguyên của các hãng ô tô phương Tây tại Trung Quốc đang khép lại

Các thương hiệu ô tô nước ngoài đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Ô tô chạy trên đường vào giờ cao điểm buổi sáng ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Ô tô chạy trên đường vào giờ cao điểm buổi sáng ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Tờ Wall Street Journal mới đây đăng bài phân tích bình luận cho hay, các thương hiệu ô tô nước ngoài đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc, khi các nhà chế tạo xe nước này đi đầu về xe điện.

Doanh số xe ô tô do các nhà sản xuất nội địa tại Trung Quốc liên tục vượt trên các đối thủ phương Tây, cho thấy ảnh hưởng ngày một lớn của các nhà chế tạo xe điện tại nước này. Đây cũng là một chiến thắng đối với chính sách công nghiệp của Chính phủ Trung Quốc.

Số liệu Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc (CPCA) công bố ngày 10/7 cho thấy các nhãn hiệu nội địa chiếm 54% thị phần xe hơi bán lẻ Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2023, tăng so với mức thị phần 48% cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần thứ hai liên tiếp các thương hiệu xe Trung Quốc vượt trên các đối thủ nước ngoài tính theo chu kỳ 6 tháng. Doanh số bán lẻ này bao gồm cả lượng xe xuất khẩu.

Các hãng xe phương Tây vốn thống trị tại thị trường Trung Quốc đã được phép thành lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc Đại lục nhiều thập kỷ trước đây. Một số hãng xe phương Tây thu lợi lớn khi Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới. Nhưng khi các thương hiệu bản địa củng cố xu hướng đánh bật đối thủ nước ngoài, thì kỷ nguyên thống trị của phương Tây trong ngành công nghiệp này đã kết thúc.

Cuộc cách mạng trong ngành xe hơi Trung Quốc được thúc đẩy bởi vai trò đi đầu trong lĩnh vực xe điện chạy năng lượng pin và xe điện lai có cắm điện (Plug-in Hybrid Electric Vehicle – PHEV), hai loại xe ô tô duy nhất ghi nhận mức nhu cầu tiêu thụ tăng liên tục. Được dẫn dắt bởi hãng BYD, chín nhà sản xuất xe Trung Quốc nằm áp đảo danh sách 10 hãng xe điện có lượng xe bán chạy nhất nước này trong tháng Sáu vừa qua. Tesla là thương hiệu nước ngoài duy nhất còn lại, theo số liệu của CPCA.

Doanh số tiêu thụ xe điện và xe PHEV tăng 44% trong nửa đầu năm 2023, lên mức 3,5 triệu chiếc, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng xe bán ra vốn ghi nhận mức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia trong ngành dự báo trong vòng bốn năm tới xe điện sẽ áp đảo xe chạy bằng động cơ xăng tại thị trường Trung Quốc. Tại Mỹ, thị phần xe điện trong nửa đầu năm 2023 mới chỉ là 7%, sau khi doanh số xe điện bán ra tăng 50%, đạt 557.330 chiếc.

Việc theo đuổi điện hóa kể từ năm 2009 đã đưa Trung Quốc từ chỗ là nước phải chạy theo xu hướng trong ngành ô tô dần vươn lên thành người đi đầu về xe ô tô sử dụng nguồn năng lượng mới, trở thành mô hình mà nhiều hãng chế tạo ô tô toàn cầu ngày càng muốn học hỏi. Và theo Stephen Dyer, chuyên gia tư vấn xe hơi tại AlixPartner có trụ sở ở Thượng Hải, họ bắt buộc phải học hỏi nếu như còn nuôi hy vọng cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ qua, những tên tuổi hàng đầu trong làng xe hơi thế giới, nổi bật là Volkswagen và General Motors đổ dồn nguồn lực đầu tư vào Trung Quốc, tìm kiếm tăng trưởng để bù đắp cho đà suy giảm ở châu Âu, Mỹ và các thị trường đã bão hòa. Nhưng sau khi doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2017, thị trường đông dân nhất thế giới lại trở thành "cơn đau đầu" với chính những hãng ô tô ngoại, với lượng doanh số bán hàng vẫn còn dựa vào ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Năm 2022, lượng xe hơi sử dụng động cơ đốt trong tại Trung Quốc đạt 8 triệu chiếc, thấp hơn mức đỉnh năm 2017.

Trong khi đó, tốc độ chuyển đổi của ngành ô tô Trung Quốc khiến các công ty phương Tây ngạc nhiên. Phát biểu tại triển lãm ô tô Thượng Hải hồi tháng Tư vừa qua, Shinji Aoyama - Giám đốc điều hành Honda - cho biết: “Các hãng ô tô của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đều cảm nhận được rằng họ đã quá chậm chễ để đưa ra những bước đi đầu tiên. Chúng ta giờ đây ở vào giai đoạn phải nỗ lực hết mức để theo kịp”.

Việc các công ty nước ngoài có khả năng làm chậm bước tiến của các đối thủ Trung Quốc đến đâu là điều còn chưa rõ. Ford từng cam kết hồi năm 2017 rằng đến năm 2025, tất cả xe con do liên doanh của hãng đặt tại Trung Quốc chế tạo đều là các phiên bản xe điện. Nhưng sau khi doanh số xe điện Mustang Mach-E của hãng không nổi bật, Ford cho biết sẽ giảm đầu tư vào Trung Quốc. Honda, hãng đang chào mời 5 mẫu xe điện tại Trung Quốc, cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng tổ hợp xe điện ở Trung Quốc, rút ngắn thời gian xây dựng 5 năm, hướng đến mục tiêu chỉ bán xe điện tại thị trường này vào năm 2035.

Sự trỗi dậy của các tên tuổi xe điện Trung Quốc cũng là một chiến thắng nữa đối với các chính sách công nghiệp của nước này, tiếp sau thành công về đường sắt cao tốc, tấm pin năng lượng Mặt Trời và ngành công nghiệp pin. Để xây dựng thị trường xe điện, Trung Quốc cấp vốn và trợ cấp doanh số cho các nhà sản xuất nội địa, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô gắn với các mục tiêu sản xuất và tiêu chuẩn phát thải chặt chẽ hơn. Trong nhiều năm liền, chính quyền áp dụng chính sách chỉ có xe điện sử dụng pin được sản xuất tại Trung Quốc mới đủ điều kiện để nhận trợ cấp, trong bối cảnh chính phủ muốn kiểm soát nhiều hơn về chuỗi cung.

Việc giai đoạn đầu tập trung vào điện hóa vận tải công cộng và các đoàn xe phục vụ công quyền là bảo đảm vững chắc cho doanh số bán hàng của các hãng xe điện, đồng thời cải thiện dữ liệu, kinh nghiệm sản xuất. Cùng lúc, Trung Quốc cho phát triển mạng lưới trạm sạc trên cả nước. Năm 2015, xe điện chiếm vị trí trung tâm trong kế hoạch mang tên “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025” (Made in China 2025), với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành người đứng đầu về xe điện và các ngành công nghệ khác của tương lai.

Chính sách giảm thuế cùng nhiều ưu đãi khác làm tăng nhu cầu sử dụng xe điện. Khách hàng mua xe có thể thoát khỏi tình trạng chờ đợi mệt mỏi mới đăng ký được biển số, vốn được thực hiện luân phiên ở một số thành phố, tránh được một số quy định rườm rà được áp dụng với xe chạy xăng. Chính sách công nghiệp cũng khiến Trung Quốc phải trả mức giá đắt. Theo Scott Kennedy, chuyên gia nghiên cứu về chính sách kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Trung Quốc đã chi tới 173 tỷ USD để hỗ trợ khu vực chế tạo xe điện trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2022.

Sau một thập kỷ mà lĩnh vực xe điện chưa thể tạo ra đột phá, Trung Quốc tìm cách đưa Tesla vào cuộc. Trung Quốc đã thay đổi quy định khi cho phép hãng xe Mỹ sản xuất xe hơi tại Trung Quốc Đại lục mà không cần phải lập liên doanh. Năm 2019, Tesla bắt đầu cho ra thị trường mẫu xe điện chế tạo tại Trung Quốc. Bằng cách biến xe điện thành mẫu xe ô tô đáng mơ ước và thúc đẩy các nhà cung ứng đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, Tesla kích hoạt nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc.

Theo số liệu của Volkswagen, 45% lượng xe bán ra ở Thượng Hải trong 5 tháng đầu năm nay là xe điện hoặc xe PHEV. Ở các thành phố kém phát triển hơn, tốc độ chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện chậm hơn. BYD, hãng được tỷ phủ Mỹ Warren Buffett chống lưng, đã dừng chế tạo xe chạy động cơ xăng từ tháng 3 năm ngoái. Hãng này bán được 1,2 triệu xe điện và xe PHEV tại thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa trong số này là xe PHEV.

Các hãng xe Trung Quốc cũng đang tiến ra toàn cầu. Trong quý I/2023, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu xe ô tô lớn nhất thế giới, dù ¾ trong tổng số 1,1 triệu xe xuất khẩu này là các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong. Trong tháng này, BYD cho biết sẽ mở cửa một tổ hợp tại Brazil, trong khi tập đoàn SAIC thuộc sở hữu nhà có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại châu Âu./.

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ky-nguyen-cua-cac-hang-o-to-phuong-tay-tai-trung-quoc-dang-khep-lai/299018.html